CDC cảnh báo tuổi thọ của phụ nữ đã bỏ xa nam giới hơn 5 năm: Đây là 6 căn bệnh đàn ông bắt buộc phải tầm soát sau tuổi 30
Do nam giới có xu hướng ít quan tâm đến sức khỏe của bản thân nên khi bệnh bước sang giai đoạn muộn mới đi khám, dẫn đến tử vong ở độ tuổi còn trẻ.
Theo Mạng lưới Sức khỏe Nam giới (The Men's Health Network), tỷ lệ tử vong ở nam cao hơn nữ do mắc các bệnh tim mạch, ung thư, đột quỵ, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tín,… Những người nam thường không phát hiện một số triệu chứng xuất hiện rất sớm trong đời để có thể được điều trị hoặc ngăn chặn kịp thời.
Hiện nay, số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cho thấy khoảng cách tuổi thọ giữa nam và nữ đã tăng hơn 5 năm.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nam giới thường ít quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe và theo dõi tình trạng sức khỏe của mình. Do đó, họ dễ bị tử vong ở độ tuổi còn trẻ.
Nếu bạn đã bước sang tuổi 30, tuyệt đối đừng chủ quan với sức khỏe của mình. Hãy tầm soát và kiểm tra định kỳ 6 tháng/lần, đặc biệt với 6 căn bệnh dưới đây:
Bệnh tim
Mặc dù bệnh tim là căn bệnh nguy hiểm đối với cả nam và nữ, nhưng các báo cáo của Mạng lưới Sức khỏe Nam giới cho thấy số người nam tử vong vì các bệnh lý ảnh hưởng đến hệ tim mạch cao gần gấp đôi so với nữ.
Theo CDC, cứ 4 người đàn ông thì có 1 người mắc một số dạng bệnh tim. Thực tế, đây là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu đối với họ.
Ông Gregory Burke, giáo sư và chủ nhiệm khoa khoa học sức khỏe cộng đồng tại Đại học Y khoa Wake Forest (Mỹ), cho biết, đối với nam giới, bệnh tim bắt đầu biểu hiện sớm hơn phụ nữ khoảng 10 năm. Điều này không có nghĩa là họ sẽ có nhiều cơ hội hơn để ngăn chặn bệnh tiến triển khi họ lớn tuổi.
Đột quỵ
Đột quỵ xảy ra khi dòng máu đến não bị tắc nghẽn do chảy máu hoặc cục máu đông. Các cơn đột quỵ ngăn cản máu có oxy đến mô não, dẫn đến chết tế bào não. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC Mỹ) giữa nam giới và nữ giới, đột quỵ có những biểu hiện khác nhau, cụ thể nam giới ít có nguy cơ tử vong do đột quỵ hơn phụ nữ.
Tuy nhiên, mỗi năm đột quỵ giết chết nhiều nam giới nước này hơn so với ung thư tuyến tiền liệt và bệnh Alzheimer cộng lại. Ngoài ra, nam giới dưới 44 tuổi nhập viện vì đột quỵ do thiếu máu cục bộ với tỷ lệ cao hơn phụ nữ cùng tuổi.
Xét về phương diện triệu chứng, đột quỵ ở nam giới tương tự như đột quỵ thông thường, các triệu chứng xuất hiện bao gồm đau đầu dữ dội không rõ lý do, tê hoặc yếu mặt, tê một cánh tay và chân, lú lẫn, khó hiểu lời nói và khó nói, đi lại khó khăn, chóng mặt và mất thăng bằng hoặc phối hợp kém. Triệu chứng phổ biến hơn có thể là buồn nôn, ngất xỉu, co giật, hôn mê...
Cũng theo CDC, có 80% trường hợp đột quỵ có thể phòng ngừa được bằng cách chủ động chăm sóc các điều kiện y tế và thay đổi lối sống lành mạnh.
Trầm cảm
Trầm cảm đang ngày càng gia tăng và từng được xem là bệnh của phái yếu, tuy nhiên thực tế mỗi năm ở Mỹ có hơn 6 triệu đàn ông bị trầm cảm. Đặc điểm bệnh trầm cảm ở đàn ông có sự khác biệt so với phụ nữ, với những dấu hiệu như:
- Mệt mỏi: So với phụ nữ, đàn ông bị trầm cảm có nhiều nguy cơ trải qua cảm giác mệt mỏi, hoạt động chậm chạp hơn.
- Rối loạn giấc ngủ: Triệu chứng trầm cảm ở nam giới phổ biến là ngủ quá nhiều hoặc quá ít, mất ngủ hoặc thức dậy rất sớm. Một số bệnh nhân có thể ngủ đến 12 giờ/ ngày nhưng vẫn cảm thấy kiệt sức hoặc chỉ ngủ được 2 giờ đồng hồ là thức dậy.
- Các vấn đề về sức khỏe: Mặc dù là một tình trạng sức khỏe tâm thần, nhưng trầm cảm ở đàn ông cũng làm thay đổi mức độ serotonin và norepinephrine - chất truyền tin não chi phối nỗi đau và tâm trạng, tạo ra các triệu chứng thể chất. Đau bụng hoặc đau lưng, táo bón hoặc tiêu chảy, đau đầu... là những vấn đề về thể chất có liên quan đến trầm cảm.
- Khó chịu: Các đấng mày râu bị trầm cảm thường dễ phản ứng mạnh với những chuyện bình thường do luôn cảm thấy khó chịu và suy nghĩ tiêu cực.
- Khó tập trung: Trầm cảm ở đàn ông làm suy yếu khả năng xử lý thông tin và tập trung vào công việc, thay vào đó là những suy nghĩ tiêu cực chiếm đầy ý thức của họ.
- Giận dữ: Một số quý ông trầm cảm sẽ có biểu hiện tức giận, hung hăng hay thù địch. Có người dù nhận ra họ sai nhưng vẫn cố bảo thủ chứng minh mình đúng.
- Căng thẳng (stress): Đây không chỉ là dấu hiệu quan trọng để chẩn đoán và xác định mức độ trầm cảm ở nam giới, mà còn là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến căn bệnh này. Căng thẳng kéo dài sẽ tác động đến cả thể chất và tâm lý.
- Lo lắng: Rối loạn lo âu và trầm cảm có mối liên hệ với nhau. Trên thực tế, nam giới ít cảm thấy lo lắng hơn phụ nữ khi bị trầm cảm. Nếu có, họ sẽ dễ dàng chia sẻ cảm giác này với bác sĩ, ví dụ như đề cập đến vấn đề công việc, những khó khăn trong cuộc sống của bản thân và gia đình.
- Lạm dụng rượu: Người nghiện rượu có nguy cơ bị trầm cảm cao gấp hai lần người bình thường. Thay vì tìm giải pháp y tế, bệnh nhân trầm cảm thường sử dụng rượu hoặc thậm chí là ma túy để che dấu cảm xúc.
- Rối loạn sinh dục: Trầm cảm là một nguyên nhân phổ biến khiến quý ông mất ham muốn và rối loạn cương dương. Mặc khác, rối loạn cương dương và hờ hững chuyện chăn gối cũng có thể là tác dụng phụ của thuốc chống trầm cảm.
- Không thể tự quyết định: Đàn ông bị trầm cảm hầu như mất khả năng đưa ra lựa chọn hay quyết định như một người bình thường, do não của họ gặp vấn đề về xử lý thông tin.
- Suy nghĩ tự tử: Dù không nhiều nam giới có suy nghĩ này, nhưng nếu có thì nguy cơ tử vong của họ sẽ cao gấp 4 lần phụ nữ do đàn ông thường chọn các phương pháp dễ chết người hơn, đặc biệt là đàn ông lớn tuổi.
Một số triệu chứng trầm cảm khác có thể xảy ra ở nam giới bao gồm: Thèm ăn hoặc chán ăn, thay đổi cân nặng, không còn niềm vui, có cảm giác tội lỗi hoặc trống rỗng, tránh tiếp xúc xã hội, tham gia vào cờ bạc, quan hệ tình dục không an toàn,...
Ung thư tuyến tiền liệt
Ung thư tuyến tiền liệt là bệnh ung thư phổ biến nhất và là nguyên nhân thứ hai gây tử vong do ung thư ở nam giới.
Căn bệnh này có thể điều trị được nếu được phát hiện ở giai đoạn đầu, nhưng ung thư tuyến tiền liệt có thể không phát triệu chứng cho đến khi nó di căn sang các bộ phận khác của cơ thể. Do đó, điều quan trọng là nên đi khám thường xuyên và tầm soát bệnh để được phát hiện kịp thời.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) có thể bị viêm phế quản mạn tính, khí phế thũng hoặc cả hai. Cả hai bệnh này đều là tình trạng gây ra tắc nghẽn luồng không khí làm cản trở quá trình hô hấp bình thường.
Bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường liên quan đến sự thiếu hụt insulin hoặc giảm khả năng sử dụng insulin của cơ thể. Có hai loại bệnh tiểu đường chính: không phụ thuộc insulin (loại 2) và phụ thuộc insulin (loại 1). Bệnh tiểu đường loại 2 thường xuất hiện sau 40 tuổi và là loại phổ biến nhất. Được biết, gần 20% dân số có tình trạng này là nam giới.