Cây tre không chỉ tôn vinh văn hóa Việt, nó còn có thể tạo ra những chiếc loa cực đẹp được cả thế giới yêu thích
Quá ấn tượng với những người thợ thủ công Việt Nam, nhóm 3 người Pháp đã kết hợp ý tưởng đó cùng với công nghệ nhằm tạo nên một loại loa thủ công đặc biệt mang tên Hazang.
Bruno Chando vốn là một kỹ sư người Pháp có khoảng thời gian tương đối ở và nghiên cứu tại một làng nghề vót sợi tre tại Việt Nam. Vì quá ấn tượng với những người thợ tài hoa, khéo léo, anh cùng 2 người bạn của mình quyết định tạo ra một sản phẩm loa thủ công, độc nhất vô nhị trên thị trường mang tên Hazang.
"Phải lòng" Việt Nam từ một chuyến du lịch
Bruno kể rằng, năm ngoái anh đã dành toàn bộ thời gian để đi du lịch trên khắp Việt Nam. Với Bruno, Việt Nam là một đất nước vô cùng thú vị, nhiều di sản, nét tính cách độc đáo, mạnh mẽ của người dân địa phương và những kỹ thuật truyền thống của họ đã truyền cảm hứng cho Bruno.
Trong suốt hành trình của mình, Bruno bị thu hút bởi những nghệ thuật truyền thống và nghề thủ công vốn có từ nhiều thế kỷ nay của người dân Việt Nam. Đặc biệt, Bruno bị cuốn hút với nghề vót tre truyền thống.
Chính vì vậy, anh đã quyết định xin ở lại nhà người dân trong làng nghề này để tìm hiểu sâu hơn. Được biết trong suốt giai đoạn đó, Bruno đã được người dân địa phương chào đón, cởi mở, hướng dẫn hết sức tận tình. Thậm chí, họ đã giúp Bruno tạo dựng những mối quan hệ cần thiết - bước đệm quan trọng để tạo nên loa Hazang sau này.
Và một trong số đó là mối lương duyên với người thợ lành nghề mang tên Chung. Bruno đã được mời tới nhà anh Chung ở và cùng nghiên cứu về ý tưởng loa Hazang.
Được sự trợ giúp của một người thợ thủ công lành nghề như anh Chung, cùng với Marie Hautecoueur - người bạn là nhà thiết kế sản phẩm tài năng vốn cũng đã sống ở Việt Nam nhiều năm cùng nhà sản xuất phim Daniel, Bruno cuối cùng cũng đã thiết kế và phát triển thành công chiếc loa tuyệt đẹp, chất lượng cao và đặc biệt không giống bất kỳ sản phẩm nào khác trên thị trường mang tên Hazang.
Ngoài ra, nhận thấy ngày nay với sự phát triển của vô số sản phẩm sản xuất hàng loạt khiến con người dần mất đi ý niệm về những sản phẩm thủ công đích thực – những thứ chất lượng và cá nhân hóa từ bàn tay khéo léo của con người. Chính vì vậy, Bruno càng trở nên quyết tâm và tin tưởng vào thành công của loa Hazang.
Anh cho biết thật sự rất tự hào về sản phẩm này.
Sự kết hợp tuyệt vời giữa nghề thủ công Việt Nam và công nghệ Pháp
Quá trình tạo ra Hazang hết sức cầu kỳ với sự kết hợp giữa công nghệ Pháp với bàn tay khéo léo của những người thợ thủ công và những nguyên liệu truyền thống sẵn có tại Việt Nam.
Được biết, để tạo ra được một chiếc loa Hazang hoàn chỉnh cần phải mất nhiều tuần liền chính vì vậy, mỗi chiếc loa Hazang được tạo ra đều được cá nhân hóa, mang một câu chuyện và vẻ đẹp riêng.
Quá trình làm sử dụng rất ít các công cụ mà thay vào đó phụ thuộc chủ yếu vào đôi bàn tay, mắt nhìn và kỹ năng của những người thợ.
Trên bài báo nói về dự án tạo ra loại loa Hazang, tờ Kickstarter đã mô tả những kỹ năng cuộn và khắc trên tre vốn là nghề thủ công có tuổi đời hàng thế kỷ nay ở Việt Nam. Tre được cuộn và định hình bằng tay, sau đó được phủ bởi nhiều lớp vani tự nhiên khi hoàn thiện nhằm bảo tồn cho vẻ đẹp của tre, lớp vỏ ngoài hoàn hảo cho vỏ loa.
Cùng với đó, Bruno cũng quay lại Pháp, gặp gỡ với rất nhiều chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực âm thanh để xin lời khuyên về cấu trúc, tính năng và các thành phần khác cấu tạo nên chiếc loa.
Kết hợp giữa bàn tay khéo léo của những người thợ thủ công Việt Nam và kỹ thuật, công nghệ học hỏi được ở Pháp, Bruno tự hào rằng Hazang là loại loa tuyệt vời nhất.
Dù chưa chính thức ra mắt nhưng sản phẩm loa này đang được gây quỹ trên trang Kickstarter với mức giá 295 Euro (khoảng 333 USD) cho một chiếc Hazang và 250 Euro (khoảng 282 USD) cho một chiếc Hazang Bé.
Dự kiến sản phẩm sẽ được chính thức bán vào tháng 11/2016.
Bruno chia sẻ: "Đây mới chỉ là bước đầu tiên của Hazang nhưng chúng tôi muốn phát triển nhiều sản phẩm bền vững chất lượng cao hơn nữa, không chỉ làm bởi những vật liệu từ thiên nhiên mà còn giúp cải thiện thu nhập cho những gia đình người thợ tài hoa như anh Chung".