"Cây tre" Bamboo Airways tiến vào đường đua hàng không: Thị trường ngách mang tên du lịch và bài học "Nhỏ mà có võ" của Vietjet Air

11/04/2018 10:05 AM | Kinh doanh

Sự thành công của Vietjet Air là một nguồn cổ vũ với các hãng bay mới như Bamboo Airways, nhưng đồng thời cũng là áp lực lớn khi giờ đây đã có chỗ đứng nhất định, kinh nghiệm và dung lượng thị trường đã bắt đầu tới mức giới hạn.

Với quy mô dân số trên 93,7 triệu người, kinh tế tăng trưởng ổn định 6,5-7%/năm và tăng trưởng nhanh về thu nhập của người dân nhất là tầng lớp trung lưu, khách quốc tế đến Việt Nam năm 2017 đạt 12,9 triệu lượt, thị trường vận tải hàng không Việt Nam đang trải qua giai đoạn phát triển bùng nổ, trung bình trên 20%/năm trong 5 năm liên tiếp. Đây là cơ hội rất lớn cho ngành hàng không cho cả lính cũ như Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar hay lính mới là BamBoo Airways.


Hàng không hưởng lợi lớn nhờ du lịch

"Đài Loan là vùng lãnh thổ 30 triệu dân, nhưng có 3 hãng hàng không phát triển. Hàn Quốc hơn 50 triệu dân, có 4 hãng hoạt động. Thái Lan 60 triệu dân thì có trên 10 hãng hàng không. Do đó, Việt Nam với thị trường gần 100 triệu dân mà mới có 3 hãng hàng không, thì dư địa còn rất nhiều, thậm chí thêm 2, 3 hãng nữa vẫn không lo thiếu khách", đó là lời khẳng định của ông Nguyễn Ngọc Trọng,  Phó Tổng giám đốc hãng hàng không Bamboo Airways khi gia nhập thị trường. Bamboo Airways là hãng hàng không mới nhập cuộc đua trên bầu trời do tập đoàn FLC đầu tư.

Hàng không Việt quả đúng là không sợ thiếu khách như lời vị lãnh đạo này nhận định, một phần lớn nhờ sự bùng nổ của ngành du lịch nước nhà.

Đề án "Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030" cho biết đến năm 2020 Việt Nam sẽ thu hút được 10,5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 47,5 triệu lượt khách nội địa, mang về nguồn thu 18,5 tỷ USD, chiếm 7% GDP. Theo đề án, dự báo ngành du lịch sẽ đạt tốc độ tăng trưởng trung bình trên 30% về doanh thu và khoảng 20% về lượng khách.

Du lịch lữ hành ngày càng đóng góp lớn vào GDP. Theo số liệu của công ty chứng khoán BIDV, tổng mức đóng góp trực tiếp, gián tiếp và có liên quan của lĩnh vực này ở khoảng 280 nghìn tỷ VNĐ năm 2007 thì đến 2017 dự tính đạt gần 450 nghìn tỷ VNĐ. Du lịch được xem là 1 trong những mũi nhọn kinh tế của tương lai, các chính sách phát triển cơ sở hạ tầng, visa cho khách du lịch cũng theo hướng thúc đẩy phát triển ngành này.

Không chỉ được hưởng lợi từ chính sách vĩ mô, sự gia tăng của tầng lớp trung lưu cũng là cơ hội lớn cho ngành du lịch từ đó lan tới ngành hàng không. Số liệu từ ngân hàng thế giới cho thấy nếu năm 2007 thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam là USD thì năm 2017 tăng 120% lên mức 2.385 USD. 

Trong báo cáo triển vọng 2016 của Hiệp hội hàng không quốc tế IATA dự báo Việt Nam sẽ là thị trường hàng không phát triển nhanh thứ 5 thế giới với tổng số số lượt hành khách vận chuyển đạt 150 triệu vào năm 2035. 

Cây tre Bamboo Airways tiến vào đường đua hàng không: Thị trường ngách mang tên du lịch và bài học Nhỏ mà có võ của Vietjet Air  - Ảnh 2.

Nguồn: VCSC


"Cây tre" nhập cuộc

Đầu tư vào thị trường hàng không là một kế hoạch đầy tham vọng của FLC. Tập đoàn này đang bắt tay xúc tiến hoàn thiện các khâu chuẩn bị về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật cho Bamboo Airways (Tre Việt) với tiến độ gấp rút. 

Đầu tiên phải kể đến thỏa thuận mua 24 máy bay A321NEO vừa đạt được với tập đoàn Airbus trị giá 3 tỷ USD để vận hành hãng hàng không Bamboo Airways.

Về nhân sự, đợt tuyển dụng quy mô đầu tiên của hãng hàng không này sẽ diễn ra ngay trong tháng 4/2018, với nhu cầu lên tới gần 600 vị trí ở nhiều lĩnh vực khác nhau. 

Trả lời phỏng vấn VOV, ông Trọng cho biết chiến lược dài hạn của Bamboo là tập trung vào thị trường ngách, kết nối và phát triển kinh tế vùng. Mô hình "hybrid" của hãng này được vị phó tổng giám đốc giải thích sẽ lấp vào khu vực hàng không truyền thống chưa để mắt, trám vào phân khúc mà hàng không giá rẻ chưa quan tâm. 

Mô hình "hybrid" của Bamboo là sẽ lấp vào khu vực hàng không truyền thống chưa để mắt, trám vào phân khúc mà hàng không giá rẻ chưa quan tâm.

Ngoài ra Bamboo còn hướng tới khai thác những chặng bay có các quần thể bất động sản nghỉ dưỡng do FLC phát triển. Theo chia sẻ của ông Trọng, phía Bamboo có thể phát hành gói ưu đãi về giá cho khách hàng chơi golf, nghỉ dưỡng tại resort và ngược lại resort sẽ khuyến mại khi chọn di chuyển bằng Bamboo Airways.

Việc gia nhập cuộc đua bầu trời của Bamboo Airways không phải không có lý khi nhu cầu du lịch trong nước và khách quốc tế luôn ở trong mức tăng trưởng kép 2 con số. Theo ước tính của VCSC, tăng trưởng CAGR khách nội địa giai đoạn 2012-2017 là 27,7%, với khách quốc tế đến là 21,7%.

Tiếp cận thị trường ngách là hướng đi thận trọng và khôn khéo khi vừa trên lợi thế về tập khách hàng có sẵn của tập đoàn FLC đồng thời tránh được việc giao chiến với những người chơi có sẵn trên thị trường như Vietnam Airlines, Vietjet Air hay Jetstar.

Bamboo Airways cho biết trong hai năm đầu tiên sẽ hoạt động trong nước khoảng 8 -10 tuyến bay với các điểm đến ưu tiên như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hoá, Quy Nhơn, Nha Trang. Từ năm thứ ba, các tuyến bay quốc tế sẽ được triển khai kết nối trong nước với các vùng lãnh thổ Đông Bắc Á quan trọng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Hong Kong, Đài Loan.


Bài học "Nhỏ mà có võ" của Vietjet Air

Nói đến thị trường hàng không Việt, không thể không nhắc đến "hiện tượng Vietjet".

Hãng bay giá rẻ này ra đời khi hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines thống lĩnh thị trường vận chuyển hàng không với hơn 70%. Tuy nhiên, tính đến năm 2016 thị phần của hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air chiếm 41,5%, chỉ kém chút ít so với mức 42,5% của Vietnam Airlines. 

Tính đến 31/12/206 Vietjet đang khai thác 37 đường bay nội địa, 23 đường bay quốc tế và nhiều tuyến bay thuê chuyến. VietJet dự kiến sẽ tăng số đường bay nội địa lên 45 vào năm 2019 và tăng số đường bay quốc tế lên 36 vào năm 2018. Trong khi đó Vietnam Airlines có mạng đường bay quốc tế gồm 55 đường bay đến 29 điểm thuộc 17 quốc gia và vùng lãnh thổ, mạng đường bay nội địa gồm 41 đường bay đến 21 điểm.

Để đạt được con số ấn tượng này, Vietjet Air mất hơn 10 năm cho cuộc đua kể khi thành lập năm 2007 và khai thác chuyến bay đầu tiên vào tháng 12/2011. Cuộc đua trên bầu trời để phá vỡ thế độc quyền của Vietnam Airlines không chỉ tốn kém về đầu tư cơ sở vật chất như đội bay, nhân lực mà còn tiêu tốn nguồn lực không nhỏ để nhận diện thương hiệu, tạo thói quen cho người tiêu dùng bằng chương trình khuyến mại như giá vé 0 đồng vào các dịp lễ tết, tài trợ cho các sự kiến lớn ở Việt Nam.

Cây tre Bamboo Airways tiến vào đường đua hàng không: Thị trường ngách mang tên du lịch và bài học Nhỏ mà có võ của Vietjet Air  - Ảnh 6.

Nguồn: MBS.

Triệt để khai thác thị trường nội địa và ghi nhận những thành công rõ rệt, Vietjet đã bắt đầu hướng đến thị trường quốc tế.

Trên thực tế, không cần đến lúc Bamboo Airways nhận ra hấp lực từ thị trường du lịch, đặc biệt là du lịch quốc tế, Vietjet đã chính thức tham gia vào thị trường các đường bay dài phục vụ nhu cầu này. Kế hoạch mở rộng này được thực hiện từ năm 2013 đến Thái Lan mang theo tham vọng trở thành một hãng hàng không của khu vực châu Á. Hiện tại các thị trường Đông Nam Á, Đông Bắc Á đang dần được hãng bay này chinh phục như Đài Loan, Hong Kong, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Myanmar, Thái Lan, Malaysia, Cambodia...

Sự thành công của Vietjet Air là một nguồn cổ vũ với các hãng bay mới như Bamboo Airways, nhưng đồng thời cũng là áp lực lớn khi giờ đây đã có chỗ đứng nhất định, kinh nghiệm và dung lượng thị trường đã bắt đầu tới mức giới hạn. Là một hãng hàng không mới gia nhập trên thị trường, thách thức thay đổi thói quen của người tiêu dùng không phải là bài toán đơn giản với Bamboo Airways trong vài năm tới.

Thay đổi thói quen người tiêu dùng nội địa đã là khó thì việc thuyết phục khách quốc tế còn khó gấp bội với một doanh nghiệp Việt. Trong khi đó, một đại gia khu vực đang rục rịch vào Việt Nam là Air Asia đã thành lập liên doanh ở Việt Nam và đang xin cấp phép những thủ tục cần thiết để đi vào hoạt động ở thị trường Việt Nam từ năm 2018. 

Cây tre Bamboo Airways tiến vào đường đua hàng không: Thị trường ngách mang tên du lịch và bài học Nhỏ mà có võ của Vietjet Air  - Ảnh 7.

Thu Thúy

Cùng chuyên mục
XEM