Cây dại ở Việt Nam được nhiều người Trung Quốc coi là 'thần dược' dù có độc, giá bán cao ngỡ ngàng: Nức tiếng suốt hàng nghìn năm

04/05/2023 08:50 AM | Sống

Độc tính của loài cây này vẫn gây nhiều tranh cãi, dù nó được xem là thảo dược quý. Giá bán sau khi gia công tại Trung Quốc rất đắt đỏ.

Thảo dược đắt đỏ ở Trung Quốc

Cây thương nhĩ, hay còn gọi là ké đầu ngựa (tên khoa học: Xanthium strumarium L.) là một loại cây dại phổ biến ở nước ta. Có thể tìm thấy chúng tại các bờ ruộng, bờ mương hay bãi đất trống.

Trẻ em thường hái quả ké đầu ngựa làm đồ chơi nhưng người lớn thì không mấy thích thú vì thứ quả này rất dễ bám vào quần áo.

Cây ké đầu ngựa có thân hình trụ cứng, có khía, màu lục, đôi khi điểm những chấm màu nâu tím, có lông cứng. Lá cây hình tim hoặc hoặc tam giác, mép lá có răng cưa không đều, có lông ngắn và cứng ở cả hai mặt.

Hoa ké đầu ngựa màu lục nhạt, trong khi quả có hình trứng, hai sừng nhọn ở đầu và phủ đầy gai mọc, dài khoảng 12-15mm.

Cây dại ở Việt Nam được nhiều người Trung Quốc coi là 'thần dược' dù có độc, giá bán cao ngỡ ngàng: Nức tiếng suốt hàng nghìn năm - Ảnh 1.

Theo từ điển y dược Trung tâm thông tin công nghệ sinh học Mỹ (NCBI), ngoài Việt Nam, cây ké đầu ngựa còn được phân bổ rộng rãi trên toàn thế giới, bao gồm Nga, Iran, Ấn Độ, Bắc Triều Tiên, Nhật Bản và Trung Quốc.

Trong khi đó, theo Hindawi - một trong những nhà xuất bản lớn nhất thế giới tập hợp các chuyên san và nghiên cứu học thuật, loại cây này còn có mặt ở Bắc Mỹ, Brazil và Malaysia.

Nhiều người nghe tên thấy quen nhưng chỉ nghĩ đây là cây dại, không có tác dụng gì. Trên thực tế, ké đầu ngựa lại là một loại thảo dược có tác dụng tốt đối với sức khỏe.

Theo ghi nhận của VOV, tại Trung Quốc, ké đầu ngựa sau khi gia công có giá rất đắt, có thể lên tới 500 NDT một kg (khoảng 1,6 triệu đồng).

Công dụng được đề cao hàng nghìn năm qua

NCBI cho hay, ké đầu ngựa là một loại thảo dược nổi tiếng trong y học cổ truyền Trung Quốc, còn được gọi là Cang-Er-Zi. Nó đã được sử dụng ở Trung Quốc hàng nghìn năm qua.

Năm 1963, ké đầu ngựa đã được đưa tên vào Dược điển của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và hiện có hơn 60 công thức chứa quả ké đầu ngựa đã được áp dụng để điều trị các bệnh khác nhau, trong đó có bệnh viêm mũi, viêm xoang mũi, nhức đầu, loét dạ dày, mề đay, thấp khớp, nhiễm trùng do vi khuẩn nấm và viêm khớp.

Hơn 170 hợp chất đã được phân lập và xác định từ loại cây này, có tác dụng giảm đau và chống viêm, chống oxy hóa, hạ đường huyết, chống ung thư, kháng khuẩn, kháng nấm, chống bệnh trypanosomal (hay bệnh ngủ), chống ho, đồng thời có tác dụng tốt đối với hệ thần kinh và tiêu hóa.

Ké đầu ngựa có tính vị, quy kinh, ngọt nhạt, hơi đắng đắng, tính ấm, hơi có độc. Trước khi ứng dụng trong y học lâm sàng, quả ké đầu ngựa thường được xử lý bằng cách đem nướng cho màu ngả vàng để giảm độc tính và tăng cường hiệu quả.

Cây dại ở Việt Nam được nhiều người Trung Quốc coi là 'thần dược' dù có độc, giá bán cao ngỡ ngàng: Nức tiếng suốt hàng nghìn năm - Ảnh 2.

Bản ghi chép đầu tiên về tác dụng dược lý của ké đầu ngựa là Thần Nông bản thảo kinh. Cuốn này đề cập rằng, ké đầu ngựa được sử dụng để điều trị chứng đau đầu và viêm khớp dạng thấp.

Sau này, trong Danh y biệt lục, ké đầu ngựa được ghi nhận là có tác dụng trị đau dây thần kinh. Tiếp đó, cuốn Dược tính luận thời Nhà Đường mô tả ké đầu ngựa là vị thuốc chữa gan nóng và các bệnh về mắt, còn Tân Tu Bản thảo nói rằng ké đầu ngựa có tác dụng cải thiện thị lực, chống động kinh và chống thấp khớp.

Hiện nay, ké đầu ngựa đã trở thành một vị thuốc Đông y quan trọng được sử dụng trong phòng khám để điều trị các bệnh về mũi (bao gồm viêm mũi cấp và mãn tính, viêm mũi dị ứng (AR), viêm xoang và tắc mũi), giảm ngứa và đau.

Để đáp ứng tốt hơn nhu cầu lâm sàng, nhiều dạng công thức khác nhau đã được phát triển, chẳng hạn như thuốc dạng viên nén, dạng bột, dung dịch uống…

Ở Ấn Độ, ké đầu ngựa thường được dùng để trị bệnh bạch biến, vết cắn độc của côn trùng, bệnh động kinh, bệnh túi mật. Một số bộ lạc da đỏ ở Bắc Mỹ và Zuni cũng sử dụng loại cây này để giảm táo bón, tiêu chảy và nôn mửa.

Tại Bangladesh, ké đầu ngựa là một loại thuốc thảo dược dân gian để điều trị rối loạn tiết niệu, nhiễm trùng tai, tiểu đường và rối loạn dạ dày. Còn tại Cuba, ké đầu ngựa được sử dụng làm thuốc lợi tiểu.

Cây dại ở Việt Nam được nhiều người Trung Quốc coi là 'thần dược' dù có độc, giá bán cao ngỡ ngàng: Nức tiếng suốt hàng nghìn năm - Ảnh 3.

Tuy nhiên, trong ké đầu ngựa có độc tính

Thần Nông bản thảo kinh của Trung Quốc cho biết, ké đầu ngựa có độc tính nhẹ. Một số tài liệu y học khác của Trung Quốc cũng ghi nhận điều này. Như vậy, người Trung Quốc cổ đại từ lâu đã nắm được độc tính của ké đầu ngựa. Song, có rất ít thông tin cụ thể về mức độ rủi ro của nó.

NBCI cho hay, vào năm 1990, đã xuất hiện các báo cáo y học cho rằng ké đầu ngựa có thể gây dị ứng từ mức trung bình đến mạnh và gây độc cho động vật có vú. Atractyloside và carboxy atractyloside được coi là các hợp chất có độc tính chính trong ké đầu ngựa, có thể hạ đường huyết rất mạnh, gây tổn thương gan cấp tính.

Trong khi đó, theo một nghiên cứu xuất bản năm 2014 trên Hindawi, nhiễm độc gen là một trong những tác động độc hại đáng kể nhất được đề cập khi sử dụng các phương thức chữa bệnh bằng ké đầu ngựa. Tuy nhiên, những bằng chứng về độc tính này vẫn còn hạn chế.

Tờ People (Trung Quốc) cho hay, dùng hạt ké đầu ngựa quá liều lượng hoặc trong thời gian dài có thể gây ngộ độc. Việc sử dụng không đúng cách có thể gây tổn thương cho các cơ quan khác trong cơ thể như tim, gan, thận.

Cây dại ở Việt Nam được nhiều người Trung Quốc coi là 'thần dược' dù có độc, giá bán cao ngỡ ngàng: Nức tiếng suốt hàng nghìn năm - Ảnh 4.

Không phải là "thần dược"

Đáng nói, theo Đài truyền hình CCTV (Trung Quốc), đúng là ké đầu ngựa được sử dụng để trị viêm mũi nhưng nó chủ yếu có tác dụng làm giảm các triệu chứng. Nhiều người coi ké đầu ngựa như "thần dược" trị viêm mũi là chưa chính xác.

Trước đó, vào năm 2020, tờ Fynews (Trung Quốc) đưa tin, một bé gái 6 tuổi mang tên Qiqi ở Lâm Tuyền, Trung Quốc đã suýt chút nữa mất mạng khi mẹ của em nghe một số người nói rằng uống nước ké đầu ngựa có thể trị viêm mũi.

Người mẹ về đun 3-4 hạt ké đầu ngựa với nước và cho Qiqi uống 2 lần mỗi ngày. 4 ngày sau, em bé xuất hiện các triệu chứng nôn mửa nên gia đình tức tốc đưa đến bệnh viện. Lúc này, Qiqi đã bị suy gan và tổn thương cơ tim, có thể nguy hiểm đến tính mạng bất cứ lúc nào nếu không được cấp cứu kịp thời.

Theo bác sĩ Zhao Xiaofeng – người trực tiếp điều trị cho Qiqi, ké đầu ngựa có thể được sử dụng lâm sàng để điều trị viêm mũi, nhức đầu và nổi mề đay. Tuy nhiên, cây có độc, trong đó hạt độc nhất, lá non độc hơn lá già. Do vậy, mọi người không nên tự ý dùng ké đầu ngựa mà phải theo chỉ dẫn của bác sĩ để tránh bị ngộ độc, gây hại cho cơ thể.

Theo Vy Lam

Cùng chuyên mục
XEM