Câu đối kỳ lạ nhất Trung Quốc: Về trước và vế sau y hệt, ai hiểu được hẳn là thiên tài

05/02/2022 10:30 AM | Sống

Câu đối 500 tuổi này đã từng khiến bao nhiêu học giả các thời kỳ phải đau đầu.

Treo câu đối đỏ từ lâu đã trở thành một phần quan trọng của ngày Tết tại các nước Châu Á bởi nó không chỉ khiến ngôi nhà thêm phần rực rỡ mà còn chứa đựng mong muốn thịnh vượng, bình an, hạnh phúc của gia chủ.

Ngoài những câu đối thông thường, vẫn còn những câu đối “kỳ quái” được tác giả phá cách để diễn tả tầng ý nghĩa sâu xa, khiến người đọc phải đau đầu. Một trong số đó là câu đối 500 tuổi có 2 vế giống hệt nhau của một học giả Trung Quốc dưới thời Minh.

Câu đối 500 tuổi

Tác giả của câu đối độc đáo này là Từ Vị (1521 -) - một nhà thư pháp, nhà thơ, nhà văn, nhà hội họa và mưu sĩ sống tại triều đại nhà Minh, Trung Quốc. Ông nổi danh thần đồng từ rất sớm khi 6 tuổi biết đọc sách, 9 tuổi đã biết làm thơ, được người đời sau ca tụng là một trong “Tam đại tài tử” của nhà Minh.

Tuy là người có tài nhưng cuộc đời của Từ Vị lại cũng gặp không ít chông gai. Ông từng tham gia thi Hương đến 8 lần ng đều không đỗ, sau này vì những nguyên nhân khác nhau mà nhiều lần ra vào nhà lao, đến cuối đời lại chịu cảnh nghèo khó.

 Câu đối kỳ lạ nhất Trung Quốc: Về trước và vế sau y hệt, ai hiểu được hẳn là thiên tài - Ảnh 1.

Bức vẽ chân dung Từ Vị. Ảnh: Sohu

Có lẽ chính vì cuộc đời nhiều thăng trầm, cộng với thiên phú về thơ văn, ông ra cho ra đời câu đối có một không hai trong lịch sử Trung Quốc. Câu đối gần 500 tuổi gồm hai câu với những chữ Hán có phần nhìn hoàn toàn giống nhau:

"好读书不好读书

好读书不好读书"

Dễ dàng thấy được, câu đối này hoàn toàn không tuân theo bất cứ quy luật thông thường nào. Thoạt nhìn ai cũng nghĩ đây có thể là một sự nhầm lẫn, nhưng đây lại là câu đối chính xác mang một hàm ý sâu xa bên trong.

Để giải thích, trước tiên ta cần hiểu tiếng Trung chia thành hai phần gồm phần chữ Hán (chữ viết tượng hình) và phần phiên âm (cách đọc của chữ Hán đó).

Một chữ Hán có thể có nhiều hơn một cách đọc, trong trường hợp này, chữ “好” trong câu đối được chia làm hai âm đọc là “hảo” - “hǎo” và “hiếu” - “hào”. Như vậy, hai vế của câu đối trên bề ngoài tuy giống nhau nhưng cách đọc lại có sự khác biệt:

"Hảo độc thư bất hiếu độc thư

Hiếu độc thư bất hảo độc thư"

 Câu đối kỳ lạ nhất Trung Quốc: Về trước và vế sau y hệt, ai hiểu được hẳn là thiên tài - Ảnh 2.

Chữ “好” trong câu đối sẽ được đọc theo 2 cách khác nhau

Trong đó, chữ "hảo" mang ý nghĩa dễ dàng, thuận lợi, chữ "hiếu" lại có nghĩa là yêu thích, mong muốn. Như vậy, có thể tạm dịch câu đối này sang tiếng Việt như sau:

“Ngày dễ đọc sách lại chẳng đọc sách

Ngày muốn đọc sách lại chẳng thể đọc sách”

Ý nghĩa của câu đối

Cặp đối thú vị này có ý nghĩa rằng khi còn trẻ, việc đọc sách nói riêng hay học hỏi nói chung là rất dễ dàng nhưng ta thường không yêu thích và không quan tâm nhiều tới nó. Đến một độ tuổi nhất định, ta rất muốn học rộng hiểu nhiều nhưng lại không có khả năng tiếp thu tốt để đọc sách như lúc trước, tri thức học được cũng vì vậy mà hạn chế hơn.

Có thể thấy, Từ Vị từ cặp đối này muốn nhắc nhở mỗi người nên chăm chỉ học hỏi, đọc nhiều sách từ sớm để có thể tích lũy cho mình nhiều kiến thức, đừng bắt đầu quá muộn để lỡ cơ hội của mình.

Ngày nay, với sự phát triển của khoa học, nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng con người khi đến một độ tuổi nhất định, một số cơ quan sẽ ngừng phát triển và dần bước vào giai đoạn lão hóa, ảnh hưởng đến việc tiếp thu kiến thức mới. Vì vậy, việc đọc sách hay học tập sẽ đạt hiệu quả tốt nhất khi con người trẻ tuổi.

Có thể thấy rằng, tuy chưa có những nghiên cứu mang tính khoa học thời ở thời đại bấy giờ, nhưng chỉ dựa vào những kinh nghiệm của bản thân cũng đủ để Từ Vị nhận ra chân lý này và biến nó thành một câu đối với ý nghĩa răn dạy một cách sâu xa.

Đặt trong khung cảnh năm mới, câu nói còn mang giá trị như lời nhắc nhở chúng ta không nên trì hoãn việc học hỏi, chủ động tìm kiếm tri thức để hoàn thiện bản thân, góp phần tạo nên một năm mới nhiều thành tựu và hạnh phúc.

Theo An Nhiên

Cùng chuyên mục
XEM