Câu chuyện về nỗi đau đớn kéo dài 7 thập kỷ của nạn nhân vụ đánh bom Hiroshima

08/08/2016 13:55 PM | Xã hội

71 năm sau, vẫn còn 15 nghìn mảnh vũ khí hạt nhân còn sót lại ở Hiroshima và tác hại của chúng được đánh giá là cực kỳ khủng khiếp

Người đàn ông 81 tuổi người Hiroshima, ông Tsugio Ito, đã mất anh trai trong vụ đánh bom Hiroshima cách đây 71 năm và sau này con trai ông chết trong vụ khủng bố tại Mỹ ngày 11/9 khi trung tâm thương mại thế giới (WTC) sụp đổ. Suốt bao nhiêu năm qua ông đã cố gắng đi thật nhiều nơi, gặp thật nhiều người để truyền đi những thông điệp hòa bình.

Trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 71 năm sau ngày Hiroshima và Nagasaki bị đánh bom nguyên tử, ông Tsugio Ito phát biểu: “Chúng ta cần có trái tim tha thứ, chứ không phải hận thù”.

Trong buổi lễ tưởng niệm các nạn nhân chết trong thảm họa đánh bom Hiroshima được tổ chức vào ngày 27/5 vừa qua, ông Ito là một trong những người được mời đến. Ông đã mang theo ảnh của anh trai và con trai ông. Ông kể lại trong tâm tưởng của mình khi tưởng niệm, ông tự nói với anh trai: “Anh ơi, lãnh đạo của nước Mỹ mang hoa đến tưởng nhớ anh.”

Cách đây 71 năm, vào 8h15 phút sáng ngày 6/8/1945, khi anh trai ông Ito đang học ở trường tại trung tâm thành phố Hiroshima, quả bom hạt nhân đã bị quân đội Mỹ ném xuống thành phố.

Dù không có dấu hiệu bị thương nặng khi được phát hiện sau đó, nhưng rồi cuộc sống của cậu bé 15 tuổi này cũng không hề dễ chịu gì. Cậu bé chịu di chứng tâm lý kinh khủng, đêm ngày la hét mơ lại thảm họa với bao nhiêu bạn học chết xung quanh mình. Ngày đêm cậu bé gào thét về việc tại sao cậu nhìn thấy bạn chết mà không thể cứu được.

Không ai ngờ, 1 tuần sau đó, tóc cậu bé rụng còn người lở loét dần. Cậu bé đó đã bị nhiễm xạ rất mạnh ở vào trong cơ thể và chỉ 20 ngày sau đó không qua khỏi. Trước khi chết, anh trai của ông Ito dặn em mình hãy cố gắng chăm sóc thật tốt cho bố mẹ. Ito khi đó đã vô cùng căm hận nước Mỹ.

65 năm sau, ngày 11/9/2001, hai chiếc máy bay đã đâm trực diện vào tòa tháp Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) tại thành phố New York. Khi ấy, con trai của ông là anh Kazushige đang làm việc tại đây. Sau khi bị tấn công, hai tòa tháp sụp đổ nhanh chóng.

Nghe tin xấu, ông Ito và vợ ngay lập tức bay đến New York và tìm kiếm Kazushige khắp các bệnh viện Mỹ mà không thấy. Một năm sau, giới chức New York tuyên bố anh đã chết, tuy nhiên cho đến tận bây giờ người ta vẫn chưa thể tìm thấy thi thể của anh.

Trái tim của ông Ito vẫn chất chứa đầy nỗi buồn và hận thù cho đến năm 2004 khi người ta đề nghị ông tham gia vào các chiến dịch tuyên truyền về thảm họa đánh bom Hiroshima. Ông đã tự hỏi lòng mình rằng ông có nên đi tuyên truyền về hòa bình, sự tha thứ khi chính trong lòng ông còn chất chứa nỗi buồn và sự căm hận hay không. Và ông đã quyết tâm gạt sự thù hận sang một bên.

Ông nói: “Chắc chắn rằng nỗi đau sẽ không bao giờ qua đi. Thế nhưng là người có nhiều mối liên quan với cả phía Nhật và Mỹ, tôi muốn làm được thật nhiều điều cho mọi người. Ở phía bên kia thế giới chắc chắn anh trai tôi và con trai tôi cũng vui lòng.”

Trong bài phát biểu nhân sự kiện kỷ niệm 71 năm ngày đánh bom Hiroshima, thị trưởng thành phố Hiroshima, ông Kazumi Matsui cho biết dù vụ việc đã trôi qua từ rất lâu nhưng ký ức của nó vẫn đeo bám dai dẳng các nạn nhân và người thân của họ.

Ông nói: “Cách đây 71 năm, một tia sáng lóe ra trên bầu trời và ngay lập tức hàng trăm nghìn người dân thành phố, từ người Nhật đến người Hàn Quốc, Trung Quốc, Đông Nam Á, tù binh chiến tranh Mỹ, người già, trẻ em, tất cả những người dân vô tội đã mất mạng.”

“Từ đống đổ nát và sự đau đớn tột cùng, chúng ta đã cùng xây dựng lại thành phố Hiroshima xinh đẹp, thế nhưng trong thể xác và tâm hồn của rất nhiều người dân thành phố, có những nỗi đau không bao giờ liền sẹo.”

Một nạn nhân sống sót qua cuộc đánh bom kể lại:“Khi xảy ra cuộc đánh bom, tôi 17 tuổi. Tôi còn nhớ những xác người cháy khét, mùi thịt người bốc lên dọc khắp con đường tôi đi. Xung quanh là một biển lửa. Hiroshima trở thành một cái địa ngục đúng nghĩa.”

Một nạn nhân khác vẫn còn vô cùng khiếp sợ khi nhắc lại những gì đã xảy ra quanh mình: “Từ đầu đến chân tôi tắm trong máu. Hàng trăm người xung quanh tôi không còn mảng da nào trên lưng, họ đau đớn, gào thét và rồi chết dần chết mòn.”

71 năm sau, vẫn còn 15 nghìn mảnh vũ khí hạt nhân còn sót lại ở Hiroshima và tác hại của chúng được đánh giá là cực kỳ khủng khiếp và tác hại nghiêm trọng được cho là sẽ còn kéo dài nhiều năm nữa.

Ngọc Thanh

Cùng chuyên mục
XEM