Câu chuyện nhỏ về 2 thương gia lớn của Trung Quốc nói cho chúng ta: Người kiếm tiền không bao giờ bằng tiền kiếm tiền

29/03/2020 08:14 AM | Sống

Câu chuyện nhỏ về hai thương nhân lớn của Trung Quốc tiết lộ tư duy giàu có của các thương nhân Trung Quốc trong hàng ngàn năm. Đọc xong tôi đã hiểu: người kiếm tiền, vĩnh viễn không bao giờ bằng tiền kiếm tiền.

Hai nhân vật chính của câu chuyện này là hai thương nhân rất có địa vị trong giới thương nhân Trung Quốc xưa, một người là Phạm Lãi, người được mệnh danh là "Thương thánh", và một người là thợ thủ công và siêu doanh nhân nổi tiếng Y Đốn.

Câu chuyện diễn ra như sau:

Nghe nói Phạm Lãi sau khi giúp Việt Vương Câu Tiễn tiêu diệt nước Ngô đã từ bỏ chính trị chuyển sang làm kinh doanh, thu được rất nhiều thành công, được gọi là "Đào Chu công". Trong cả giới chính trị và kinh doanh, ông đã tạo ra được những thành tựu mà không phải ai cũng làm được, rất nhiều người muốn biết bí quyết của ông, Y Đốn là một trong số đó.

Y Đốn là người nước Lỗ, vốn dĩ chỉ là một thư sinh, nhưng sau khi nhìn thấy con đường thi cử rất vô vọng và mờ nhạt, Y Đốn quyết định rẽ sang con đường làm ăn buôn bán, nghe danh Phạm Lãi đã lâu, Y Đốn rất muốn thỉnh giáo vị "Thương thánh" này.

Sau khi tiếp xúc với Y Đốn, Phạm Lãi tỏ ra rất thích cậu thanh niên này, không tiếc gì chia sẻ cho Y Đốn một vài mánh khóe kiếm tiền của mình, trong đó mấu chốt nằm ở hai bước: một là, sau khi kiếm được tiền, nhất định phải bỏ ra một phần tiết kiệm lại; thứ hai là dựa vào số tiền tiết kiệm này để kiếm tiền, đây mới là mấu chốt.

Câu chuyện nhỏ về 2 thương gia lớn của Trung Quốc nói cho chúng ta: Người kiếm tiền không bao giờ bằng tiền kiếm tiền - Ảnh 1.

Y Đốn khiêm tốn tiếp thu, làm theo như vậy, một khoảng thời gian sau, Y Đốn một lần nữa xin gặp Phạm Lãi, nói rằng mình đã tích góp đủ tiền. Phạm Lãi liền hỏi Y Đốn: "Vậy cụ thể ngươi dùng tiền kiếm tiền ra sao?"

Y Đốn đáp: "Hàng xóm của tại hạ là một thợ hồ, huynh ấy chuẩn bị xuống phía Nam mua ngọc ngà với giá thấp, sau khi vận chuyển về nhà sẽ bán với giá cao hơn, huynh ấy nói tại hạ đầu tư tiền, sau khi có được lợi nhuận sẽ chia đôi, tại hạ đã đồng ý."

Phạm Lãi thở dài nói: "Sai lầm, là một thương nhân, làm sao có thể dễ dàng tin người như vậy, huống hồ đối phương lại chỉ là một thợ hồ, không phải người trong ngành, ta dám chắc lần đầu tư này của người nhất định sẽ thất bại."

Đúng như Phạm Lãi dự đoán, người thợ hồ kia tuy không phải tên lừa bịp, nhưng lại không hiểu biết gì về ngọc ngà, hàng nhập về hoặc là giả hoặc bị lỗi, kết quả tiền vốn cứ vậy không cánh mà bay.

Trải qua bài học này, Y Đốn tiếp tục tích góp tiền, sau một thời gian tích góp đủ đã đem số tiền này cho một người thợ rèn vay, người thợ rèn này làm ăn cũng khấm khá, vì muốn mở rộng quy mô nên đi vay tiền, người thợ rèn hứa sẽ trả lãi cho Y Đốn ba tháng một lần.

Phạm Lãi sau khi biết chuyện này, tỏ ra tán dương: "Lần này còn được, vậy thì, ngươi định dùng tiền lãi trong tương lai như nào?"

Y Đốn nói: "Tại hạ nghĩ đã tới lúc nâng cao chất lượng cuộc sống, dự định sẽ mua một mảnh đất, thuê người hầu và mua những thứ khác nữa."

Phạm Lãi nói: "Không được, ngươi không nên nghĩ tới chuyện hưởng thụ sớm như vậy, nên dùng lãi đó để tiền tiếp tục đẻ ra tiền, khi ngươi thực sự tự do và có thể tiêu tiền theo ý muốn, lúc đó hãy nghĩ tới chuyện hưởng thụ."

Câu chuyện nhỏ về 2 thương gia lớn của Trung Quốc nói cho chúng ta: Người kiếm tiền không bao giờ bằng tiền kiếm tiền - Ảnh 2.

Vài năm sau, Y Đốn một lần nữa xin gặp Phạm Lãi, Phạm Lãi hỏi chuyện làm ăn thế nào, đã tích được bao nhiêu của cải.

Y Đốn nói: "Cũng xem là vào được quỹ đạo, nhưng vẫn còn kém xa so với tiên sinh. Tại hạ làm theo lời tiên sinh nói, đem tiền lãi tiếp tục đi đầu tư, lần này, tôi cho người bán cừu vay, lợi nhuận chia đều, tiền lãi kiếm được lại tiếp tục đi đầu tư vào thương vụ khác...."

Phạm Lãi nói: "Bây giờ ta không còn gì để dạy ngươi nữa rồi. Ngươi đã học được cách tiết kiệm tiền, rồi lấy tiền đi đầu tư để người khác kiếm tiền cho ngươi, ngươi đã nắm được bí quyết kiếm tiền, ta tin rằng ngày ngươi trở thành ông chủ lớn sẽ không còn xa nữa."

Cứ như vậy, nhiều năm sau, Y Đốn trở thành một thương nhân lớn, tiếng tăm sánh ngang với Phạm Lãi.

Câu chuyện nói với chúng ta rằng người kiếm tiền không thể bằng tiền kiếm tiền, tiền đẻ ra tiền mới là con đường nhanh nhất đi tới đỉnh giàu có. Cụ thể, chúng ta có thể rút ra được hai vấn đề then chốt: thứ nhất, muốn để tiền đẻ ra tiền, trước tiên bạn phải có tiền, tức là phải rèn cho mình thói quen tiết kiệm, tích góp đủ một lượng vốn khả quan; thứ hai, tiền đẻ ra tiền tất nhiên cũng tồn tại những rủi ro nhất định, phải năm được quy luật bên trong, giống như Phạm Lãi nhấn mạnh, phải hợp tác với người có chuyên môn, người trong nghề, đặt tiền vào những hạng mục có độ tin cậy và ổn định cao, nếu không sẽ rất dễ rơi vào các bẫy đầu tư khác nhau.


Wanghe

Cùng chuyên mục
XEM