Vụ Nhóm Mua: Tom Trần bị đánh úp, con dấu mất tích bí ẩn?
Theo luật sư, việc phế truất hay tiến cử một thành viên vào vị trí lãnh đạo của DN phải tiến hành theo đúng điều lệ công ty và quy định pháp luật. Nếu có dấu hiệu lừa đảo sẽ bị xử lý hình sự.
Tom Trần bị đánh úp?
Đoạn clip quay cảnh Tom Trần trên du thuyền xuất hiện trên mạng facebook sáng qua được cho là hé lộ âm mưu đảo chính nhằm đánh úp ông này ra khỏi trí giám đốc điều hành Nhóm Mua.
Clip dài 52 giây, xuất hiện sau khoảng một tuần có thông tin ông Tom Trần, CEO đương chức kiêm Chủ tịch HĐQT Nhóm Mua bị bãi nhiệm, thậm chí còn bị công an kinh tế điều tra.
Đoạn video ghi lại cảnh Tom Trần trên một chiếc du thuyền đang chạy trên biển và tự sự: “Tôi là Tom Trần, giám đốc của Công ty diadiem.com và nhommua.com. Cái cảnh này là cảnh tôi đang đi du lịch với gia đình. Cảnh này rất là tuyệt vời trên phi thuyền đang chạy. Cảnh tuyệt vời nhưng mà cảm giác của mình trong lòng là một cảm giác không có gì tốt đẹp trong giai đoạn này. Bao nhiêu chuyện đã xảy ra trong Việt Nam. Rất là thất vọng”.
Trước đó, ngày 13/11, Hội đồng quản trị Nhóm Mua.com công bố quyết định phế truất Tom Trần khỏi vị trí CEO và thay bằng Phạm Kely Anh Tuấn.
Hai ngày sau (ngày 15/11), trên mạng facebook đã xuất hiện trang trang “Sự thật về Nhommua” với thông báo sẽ công bố sự thật đằng sau sự kiện này và chỉ đợi có kết nối Internet để đưa đoạn video chứng thực cảnh Tom Trần đi du lịch với gia đình.
Ngày 16/11, cũng trên trang này, xuất hiện status giải thích về việc Tom Trần rời khỏi Việt Nam cũng như tin đồn liên quan đến ông. Theo những lời viết này, Tom Trần đột nhiên biến khỏi Việt Nam về thăm nhà. Những lời tổ cáo ông là lừa gạt và bỏ trốn là hành động muốn hủy hoại uy tín mà ông đã tạo được trong lòng khách hàng. Tất cả những hành động cực đoan trong những ngày qua đã làm cho ông cảm thấy sự tự do của tôi có thể bị đe dọa khi nhập cảnh trở về TP HCM.
Con dấu mất tích bí ẩn?
Giải thích cho việc tờ tuyên bố bãi nhiệm ông Tom Trần không có con dấu, ông Kyle Phạm - người thay thế ông Tom Trần tiếp quản công ty Nhóm Mua có giải thích là trong lúc nhà đầu tư xô xát với bảo vệ thì "con dấu bị thất lạc!".
Tuy nhiên, trong một diễn biến khác, Kyle Phạm Anh Tuấn lại có cáo buộc rằng con dấu của công ty hiện bị một người bà con thân cận với ông Tom Trần nắm giữ, đây cũng là người ông Tom ủy quyền điều hành công ty khi xuất ngoại.
Hai lời giải thích khác nhau về cùng một sự việc cho thấy sự bất nhất trong phát ngôn của vị CEO mới Nhóm Mua.
Không chỉ liên quan đến con dấu, khi nói tới một số vấn đề khác, Kyle Phạm cũng lộ ra những điểm “tiền hậu bất nhất”.
Trong thông cáo gửi báo chí (ngày 13/11) đứng tên Kyle Phạm thông báo về việc phế truất Tom Trần nhấn mạnh: “ông Kyle tiếp quản công ty thay thế cho ông Tom Trần, người sáng lập công ty, hiện đang là đối tượng bị điều tra của Cảnh sát kinh tế VN và ông này cũng đã xuất cảnh vào tuần trước".
Nhưng trong cuộc gặp gỡ với báo chí trưa 15/11, CEO mới Kely Phạm đã thay đổi khá nhiều “từ ngữ” so với thông cáo gây sốc hôm 13/11. Cụ thể, ông Tuấn chỉ nói rằng, cơ quan công an đang điều tra hoạt động tại công ty Nhóm Mua, chứ ông không xác nhận việc cá nhân cựu Tổng Giám đốc Nhóm Mua là ông Tom Trần có bị điều tra hay không.
Ông cũng cho rằng, từ khi ông gia nhập công ty từ tháng 4 năm nay, dưới cương vị Giám đốc tài chính, ông thấy công ty có "cơ cấu quản lý không được hoàn thiện", và cho rằng "có những cái không đúng với pháp luật".
Chiều 15/11, Đại tá Nguyễn Ngọc Trường, Phó Cục trưởng C46 phía Nam đã khẳng định trên báo Thanh Niên rằng, thông tin cán bộ C46 thực hiện khám xét tại Công ty Nhóm Mua là không có cơ sở, sai sự thật.
Cho đến thời điểm hiện nay, theo ông Kyle Phạm Anh Tuấn, ông Tom Trần đã không còn giữ vai trò nào khác tại Nhóm Mua ngoài việc là cổ đông có cổ phần trong công ty này. Việc tiếp quản tuy không suôn sẻ nhưng có vẻ đã hoàn tất.
Xử lý hình sự nếu có dấu hiệu lừa đảo
Trao đổi với Kiến Thức, luật sư Ngô Đình Hoàng, Đoàn luật sư TP HCM cho biết, theo luật doanh nghiệp, thành viên trong hội đồng quản trị nếu không đồng thuận với quyết định của công ty, cảm thấy mình bị oan ức, vu cáo đều có quyền làm đơn khởi kiện doanh nghiệp đến cơ các cơ quan chức năng. Thay đổi vị trí người quản lý, chủ tịch hội đồng quản trị là việc nội bộ của doanh nghiệp nhưng nếu doanh nghiệp giải quyết không đúng điều lệ doanh nghiệp, đúng quy định pháp luật, các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc điều tra, giải quyết nếu nhận được đơn kiện.
Về việc ông Kyle Phạm đứng tên gửi thông báo về việc phế truất ông Tôm Trần và CEO mới, luật sư Hoàng cho biết, việc phế truất người này tiến cử người kia vào vị trí lãnh đạo phải thực hiện đúng điều lệ công ty. Mỗi doanh nghiệp khi thành lập, hoạt động đều có những điều lệ riêng, quy định: trong điều kiện nào thì được mở cuộc họp phế truất vắng mặt nhân vật bị bế truất. Tất cả những điều lệ này đều phải dựa trên quy định chung của luật doanh nghiệp.
Trong lúc ông Tom Trần rời khỏi công ty không rõ lý do, nếu công ty Nhóm Mua, muốn phế truất ông này khỏi vị trí CEO kiêm Chủ tịch hội đồng quản trị thì phải tuân thủ theo đúng điều lệ doanh nghiệp về thời gian vắng mặt, số phiếu bầu… Nếu doanh nghiệp thực hiện không đúng quy định, ông Tom Trần có quyền làm đơn kiện.
Trong trường hợp, ông Tôm Trần có đơn kiện và được cơ quan chức năng kết luận xác minh đúng là nạn nhân của âm mưu đảo chính thì những người liên quan đến kế hoạch đó sẽ bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Nếu cơ quan điều tra phát hiện dấu hiệu lừa đảo sẽ bị xử lý hình sự.
Liên quan đến việc ông Kyle Phạm có những thông tin bất nhất liên quan đến sự biến mất chiếc dấu của công ty, luật sư Hoàng cho rằng, có thể đó chỉ là sự phỏng đoán của ông này. Còn nếu, ông ta có ý định cất giấu, để thực hiện ý đồ lừa đảo thì sẽ bị xử lý theo pháp luật khi bị lật tẩy.
Theo Thuần Lương
Kiến Thức