Vụ kiện Megastar: Chậm trễ do luật sơ hở?

28/10/2011 15:13 PM |

Về vụ kiện Megastar mà TBKTSG Online đã đưa tin trước đây, cán bộ Cục Quản lý cạnh tranh nói vụ việc “phức tạp” nên vẫn tiếp tục điều tra. Trong khi theo quy định thì thời hạn điều tra đã hết từ lâu.


Trao đổi với TBKTSG Online cách đây 8 tháng, ông Cao Xuân Hiến, Trưởng Ban điều tra vụ việc hạn chế cạnh tranh thuộc Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, vụ sáu doanh nghiệp khiếu nại Công ty TNHH Truyền Thông Megastar dự kiến sẽ được hoàn tất vào khoảng quí 1 năm nay.

Nhưng mới đây, trả lời TBKTSG Online, ông Hiến cho biết do vụ việc phức tạp nên cơ quan này vẫn đang tiếp tục tiến hành điều tra. Ông Hiến chỉ cho biết sẽ có kết luận trong thời gian sớm nhất mà không nói rõ cụ thể vào thời gian nào.

Theo quy định của Luật Cạnh tranh, thời hạn điều tra chính thức đối với vụ việc hạn chế cạnh tranh là 6 tháng; trường hợp cần thiết có thể được gia hạn hai lần, mỗi lần không quá 2 tháng. Như vậy, nếu tính cả gia hạn thì tổng thời hạn điều tra chính thức vụ việc hạn chế cạnh tranh không được vượt quá 10 tháng. Trong khi đó, kể từ khi có quyết định điều tra chính thức vào ngày 18-6-2010 đến nay, quá trình điều tra vụ sáu doanh nghiệp khiếu nại Công ty TNHH Truyền Thông Megastar đã mất 16 tháng và chưa rõ đến lúc nào hoàn tất.

Một vấn đề pháp lý đặt ra là kết luận điều tra vụ việc hạn chế cạnh tranh liệu có giá trị pháp lý nếu vi phạm về thời hạn điều tra như trên? Có ý kiến cho rằng, Luật Cạnh tranh đã thiếu chặt chẽ và quá sơ hở khi không quy định rõ hậu quả của việc vi phạm thời hạn điều tra vụ việc hạn chế cạnh tranh cũng như vụ việc cạnh tranh không lành mạnh.

Một chuyên gia (đề nghị giấu tên) cho rằng, nếu do vụ việc phức tạp mà quá thời hạn vẫn không chứng minh được hành vi vi phạm, thì luật nên quy định cho phép cơ quan điều tra được đình chỉ vụ việc, đồng thời cho phép các bên được khởi kiện lại vụ việc. Ngược lại, trường hợp nếu do thiếu trách nhiệm hoặc do lỗi cố ý nào đó của điều tra viên dẫn đến vụ việc chậm trễ thì phải có chế tài xử lý nghiêm khắc nhằm tránh tình trạng kéo dài, dây dưa.

Ngoài ra, Luật Cạnh tranh cũng không quy định rõ, trong thời hạn bao lâu thì kết luận điều tra vụ việc hạn chế cạnh tranh (kể cả vụ việc cạnh tranh không lành mạnh) phải được chuyển cho Hội đồng cạnh tranh để xét xử. Điều này cũng tạo nên một sơ hở lớn, có thể bị lợi dụng để kéo dài vụ việc, gây thiệt hại cho bên khiếu nại hoặc bên bị khiếu nại.

Theo một nguồn thông tin chưa chính thức, Tập đoàn CJ-CJV (Hàn Quốc) đã quyết định mua lại phần vốn góp của Envoy Media Partners (Virgin)-cổ đông đang giữ vị trí chi phối trong liên doanh Megastar Việt Nam. Việc mua này không làm thay đổi trách nhiệm của Megastar Việt Nam trong việc thực hiện các quyết định xử lý liên quan đến vụ khiếu nại, nếu có, do chỉ thay đổi chủ sở hữu mà không thay đổi tư cách pháp nhân. Có nghĩa, Megastar Việt Nam vẫn phải chịu trách nhiệm bởi các quyết định nói trên (nếu có).

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc kéo dài vụ việc khiếu nại có thể sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho Megastar Việt Nam khi đàm phám về vấn đề chuyển nhượng.

Tóm tắt quá trình vụ việc:

- Ngày 29-3-2010: sáu doanh nghiệp phát hành và chiếu phim gồm Công ty cổ phần điện ảnh truyền thông Sài Gòn, Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng Đồng Nai, Công ty cổ phần phim Thiên Ngân, Công ty Điện ảnh 212, Công ty cổ phần Sài Gòn điện ảnh và Công ty TNHH Một thành viên Điện ảnh Hà Nội gửi đơn khiếu nại đến Cục Quản lý cạnh tranh cáo buộc Megastar lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường.

- Ngày 12-5-2010: Cục Quản lý cạnh tranh ra quyết định điều tra sơ bộ vụ việc khiếu nại.

- Ngày 18-6, Cục Quản lý cạnh tranh ra quyết định điều tra chính thức vụ việc Megastar lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lúc này chỉ còn 4 doanh nghiệp khiếu nại.




















Theo Nguyên Tấn

TBKTSG

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM