Vì sao thị trường xe máy ế?
Do niềm tin giảm sút.
Theo Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh (ĐH Ngân hàng TP.HCM) thì nguyên nhân dẫn đến thị trường xe máy nội địa bị “đóng băng” hiện nay là do kinh tế khủng hoảng và niềm tin của người dân vào thị trường đã bị giảm sút.
“Việt Nam vẫn là thị trường đầy tiềm năng”
Năm 2012 là một năm không mấy “thuận buồm xuôi gió” đối với thị trường xe máy trong nước. Dù đã tìm kiếm đủ mọi giải pháp để kích cầu thì sức mua của người tiêu dùng vẫn không được cải thiện đáng kể.
Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng ế ẩm kéo dài nói trên, nhiều người cho rằng đây là hệ quả của cuộc “khủng hoảng thừa” và thị trường xe máy ở Việt Nam đã chạm đến mức “bão hòa”.
Tuy nhiên, TS Lê Thẩm Dương cho rằng: “Nói thị trường xe máy trong nước đã bão hòa là chưa chính xác lắm. Thực ra Việt Nam vẫn là thị trường xe máy đầy tiềm năng. Không chỉ xe máy, mà ngay cả ô tô cũng thế, Việt Nam vẫn là một “sân chơi” còn rất “thoáng”, chưa được khai thác hết”.
Thị trường bão hòa là một thị trường có lượng cung cấp hàng hóa dịch hoặc dịch vụ hoặc cả 2 thứ trên bằng hoặc lớn hơn nhu cầu sử dụng của xã hội, xã hội không cần thêm nữa. Đối với thị trường xe máy trong nước hiện nay thì không thể gọi là “bão hòa” được. Bằng chứng là người dân vẫn có nhu cầu mua xe để sử dụng. Ngoài ra, mỗi khi có sản phẩm mới ra mắt trên thị trường là lại tạo nên những “cơn sốt” về giá.
Đặc biệt, thị trường ô tô ở Việt Nam vẫn còn “bao la” lắm. Vấn đề là giá thành của sản phẩm cao, khả năng tài chính của người tiêu dùng trong nước không cho phép, bởi thế mà dẫn đến những hạn chế về sức mua”.
Thị trường xe máy “đóng băng” vì niềm tin giảm sút
Về nguyên nhân chủ yếu khiến thị trường xe máy ở Việt Nam gặp khó khăn như hiện nay, TS Lê Thẩm Dương cho rằng đó là do tác động trực tiếp từ cuộc khủng hoảng kinh tế.
TS Lê Thẩm Dương phân tích: “Phải nhìn nhận một cách khách quan và đầy đủ rằng thị trường xe máy trong năm 2012 “đóng băng” là do tác động trực tiếp từ cuộc khủng hoảng kinh tế. Trên thực tế, không riêng gì xe máy mà nhiều ngành khác cũng lâm vào khó khăn tương tự.
Kinh tế khủng hoảng sẽ kéo theo vấn đề việc làm cũng như khả năng tài chính của người dân gặp khó khăn theo, chính vì thế, thay vì “mạnh tay” như trước đây thì họ sẽ tính toán đến việc thắt chặt chi tiêu tài chính, điều này dẫn đến sức mua đối với một số mặt hàng trên thị trường bị giảm xuống. Ngoài một số mặt hàng thiết yếu đối với đời sống sinh hoạt, những mặt hàng khác đều chịu sự tác động từ động thái thắt chặt chi tiêu này”.
“Khi kinh tế khủng hoảng, niềm tin vào thị trường của người dân rõ ràng sẽ bị giảm sút. Họ sẽ hạn chế việc mua sắm mà tìm cách bảo toàn nguồn tài chính của mình để chờ cơ hội. Một điều rất dễ nhận ra là trong thời gian qua, thị trường vàng khá sôi động vì người dân tập trung mua vàng để dự trữ khá nhiều.
Kinh tế khủng hoảng, niềm tin vào thị trường không còn nữa thì thường không ai mạo hiểm đầu tư tài chính vào việc mua sắm hay kinh doanh mà sẽ tìm cách bảo toàn nguồn tài chính của mình. Ở đây, mua vàng dự trữ được xem là một phương pháp để bảo toàn tài chính và chờ đợi, tìm kiếm cơ hội kinh doanh khác khi cơn khủng hoảng kinh tế đã qua đi”, TS Lê Thẩm Dương cho biết thêm.
Năm 2012: Thị trường xe chao đảo vì các quy định mới Hiện nay, hãng Honda Việt Nam đã đầu tư thêm 120 triệu USD xây dựng nhà máy xe máy thứ 3 tại tỉnh Hà Nam. Sau khi nhà máy này hoàn thành và đi vào hoạt động (cùng 2 nhà máy khác), Honda Việt Nam sẽ có công suất khoảng 2,5 triệu xe/năm. Năm 2012, hãng Yamaha Việt Nam cũng chi khoảng 50 triệu USD để tăng công suất của nhà máy hiện có lên khoảng 1,5 triệu xe/năm, tăng gấp đôi công suất hiện nay.Piaggio Việt Nam sau khi đưa nhà máy thứ nhất với công suất 100.000 xe/năm vào hoạt động cũng đang đầu tư thêm nhà máy thứ 2 để nâng công suất sản xuất xe máy lên 300.000 xe/năm. Cùng với sản lượng của SYM là 300.000 xe, Suzuki khoảng 200.000 xe/năm, một số doanh nghiệp khác khoảng hơn 100.000 xe/năm.Tuy nhiên, dù đầu tư lớn như vậy nhưng năm 2012 lại là năm ảm đạm nhất từ trước tới nay của thị trường xe máy. Lượng xe bán ra giảm hẳn so với các năm trước, tồn kho nhiều. Về nguyên nhân của tình trạng trên, một số chuyên gia kinh tế cho rằng bên cạnh ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thì những chính sách và quy định mới của Chính phủ trong thời gian qua như Nghị định 71 về xe chính chủ, nghị định về thu phí đường bộ,… được xem là những nhân tố gián tiếp tác động đến thị trường này. Lượng xe máy của các hãng bán ra bị giảm sút vì người tiêu dùng tỏ ra dè dặt hơn.Không chỉ thị trường xe máy, thị trường ô tô cũng bị “đóng băng” trong một thời gian dài. “Những đề xuất về phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, phí bảo trì đường bộ, cùng với mức phí trước bạ cao chót vót (lên tới 20% tại Hà Nội) khiến cho người dân dù có điều kiện cũng nản lòng sắm xe hơi”, một đại diện của đại lý xe hơi Huyndai ở Hà Nội cho biết. |
Theo Soha/TTVN