Uber Việt Nam sẽ giấu số điện thoại khách hàng và tài xế

05/03/2016 20:36 PM | Kinh doanh

Khi khách hàng và tài xế gọi điện cho nhau, số điện thoại sẽ được giấu để kết thúc chuyến đi không ai có thể làm phiền nhau.

Giám đốc Uber Việt Nam Đặng Việt Dũng hôm 4.3 chia sẻ với báo chí cho biết, Uber sẽ tiến hành việc giấu số điện thoại của khách hàng lẫn tài xế khi họ liên lạc với nhau để thực hiện chuyến gọi xe. Việc này nhằm phòng tránh khả năng khách hàng hoặc tài xế biết được số điện thoại của người kia, có thể làm phiền nhau về sau. Theo ông Dũng, phương thức này đã được thực hiện ở nhiều quốc gia, và sẽ áp dụng ở Việt Nam trong thời gian tới, do vấn đề kỹ thuật vẫn chưa hoàn chỉnh.

Về lý thuyết, lái xe và khách đặt xe có thể không cần gọi cho nhau nhưng vẫn biết được vị trí người kia nhờ định vị GPS, tuy nhiên theo ông Dũng, tín hiệu mạng ở Việt Nam vẫn chưa đủ mạnh để truyền thông tin vị trí chính xác, kịp thời, nên lái xe và khách hàng đặt xe Uber vẫn phải gọi điện cho nhau để liên lạc. Theo ông Dũng, nếu việc giấu số được thực hiện, khách hàng và tài xế có thể sẽ không nhắn tin được cho nhau.

Về thông tin dịch vụ UberMOTO – một hình thức “xe ôm” đã triển khai ở Thái Lan và được cho là sẽ triển khai ở Việt Nam và Indonesia – ông Dũng trả lời ICTnews cho biết đang cân nhắc giới thiệu ở thị trường Việt Nam.

Trước đó, ông Dũng cho rằng ở Thái Lan, xe ôm đắt hơn taxi nên việc triển khai UberMOTO ở nước này là hiệu quả, tuy nhiên ở Việt Nam, thị trường vận chuyển bằng xe máy (gồm xe ôm, giao hàng…) đã được các đối tác như GrabBike, Giao Hàng Nhanh làm rất tốt, nên Uber cần cân nhắc trước khi tung ra dịch vụ. Ông Dũng cho rằng, không phải doanh nghiệp tung ra dịch vụ trước thì sẽ tồn tại đến sau cùng.

Hướng phát triển tương lai của Uber, theo ông Dũng, sẽ vẫn là một công ty cung cấp dữ liệu. Uber có dữ liệu về lượng xe tham gia giao thông, về tần suất tham gia của xe trên đường, về số lượng xe tập trung ở khu vực nào, thậm chí có cả thông tin hành khách đi xe… nên có thể giúp các nhà hoạch định chính sách trong việc quy hoạch thành phố.

Bên cạnh đó, Uber cũng có thể liên kết với các đối tác như cửa hàng thời trang, rạp phim, trung tâm mua sắm,… để tạo lợi ích cho người dùng lẫn kéo khách hàng cho đối tác; ví dụ một khách hàng được ghi nhận là thường xuyên ghé các quán cà phê thì Uber sẽ làm việc với đối tác là quán cà phê để khuyến mại dịch vụ đến khách hàng đó, một cách như Facebook hay Google đưa quảng cáo đến người dùng dựa trên thói quen lướt web của họ.

Trong buổi gặp gỡ báo chí hôm 4.3, ông Dũng cũng đồng thời cho biết mong muốn cùng với các hoạch định chính sách ở Việt Nam thảo luận để tạo khung pháp lý cho các dịch vụ mới cung cấp như Grab hay Uber, tượng tự như Uber đã làm với chính phủ Mỹ và Mexico.

Ông Dũng cho rằng pháp luật vẫn thường đi sau công nghệ, không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước khác trên thế giới, do đó cần có những điều chỉnh phù hợp về chính sách để phù hợp với công nghệ.

Giám đốc Uber Việt Nam cho biết có khoảng 10.000 tài xế đang đăng ký lái xe Uber, mặc dù không phải tất cả trong số họ hoạt động lái xe hàng ngày. Thu nhập bình quân của lái xe UberX khoảng 75.000-85.000 đồng/giờ, người lái tốt có thể đạt 150.000 đồng/giờ, theo ông Dũng.

Uber Việt Nam dịp này cũng thông báo việc đổi logo trên toàn cầu, nhằm mở rộng dịch vụ và khách hàng thay vì chỉ logo màu đen - vốn được dùng cho dịch vụ UberBlack cao cấp, kén khách hàng. Uber Việt Nam cũng thông báo giảm giá 15% cho UberX nhằm kích cầu, đồng thời tung các khuyến mại như bảo dưỡng xe, học tập, cà phê dành cho lái xe.

Theo Hải Đăng

Cùng chuyên mục
XEM