Trước sức ép của Chính phủ Anh, Facebook đã không còn trốn được thuế, còn tại Việt Nam thì sao?
Nguồn tin BBC cho biết, Facebook sẽ thay đổi cấu trúc công ty để đóng nhiều thuế hơn tại Anh.
Trước đây, Facebook thường chọn cách kinh doanh đường vòng qua Ireland để hưởng thuế suất thấp hơn. Tuy nhiên, thời gian tới, Facebook sẽ phải tiến hành việc mua bán tại Anh.
Điều này đồng nghĩa với việc Facebook sẽ phải trả nhiều thuế doanh nghiệp hơn cho chính phủ Anh so với trước kia. Sự thay đổi sẽ diễn ra vào tháng 4 tới, và lần đóng thuế đầu tiên của Facebook sẽ là đầu năm 2017.
Mặc dù vậy, không phải tất cả các đơn hàng đều sẽ đi qua văn phòng của Facebook ở Anh. Những giao dịch lớn chắc chắn sẽ ở lại, tuy nhiên, những quảng cáo được bán tự động vẫn sẽ được đăng ký thông qua trụ sở Facebook ở Ireland.
Quyết định tái cấu trúc lại việc đóng thuế của Facebook đến sau khi chứng kiến Google - một gã khổng lồ công nghệ nổi tiếng về né thuế khác, bị chính phủ Anh chỉ trích và bắt phải trả 130 triệu USD tiền nợ đọng thuế khi hoạt động tại nước Anh suốt 10 năm qua.
Giới chức Anh cho rằng, tiền đóng thuế của Google tại Anh mới ở mức 3%, thay vì 20% như thuế doanh nghiệp nước này quy định.
Báo cáo cho thấy năm 2014, Facebook chỉ trả cho nước Anh 4.327 bảng tiền thuế doanh nghiệp. Trong khi đó, ban nhạc One Direction đã phải trả tới 8,24 triệu USD. Một sự so sánh cho thấy Facebook đã né thuế giỏi đến mức nào.
Trả lời trang Business Insider, Facebook cho biết:
Vào thứ 2 tuần sau, chúng tôi sẽ bắt đầu tập trung các khách hàng lớn tại Anh để bắt đầu từ tháng 4 năm nay, họ sẽ nhận được hóa đơn từ Facebook Anh quốc thay vì Facebook Ireland. Doanh thu của Facebook Anh quốc sẽ được tính từ những đơn hàng này.
Với sự thay đổi của luật thuế tại Anh, chúng tôi tin rằng hoạt động của Facebook tại Anh sẽ minh bạch hơn, đồng thời giúp việc định giá Facebook tại Anh trở nên dễ dàng hơn.
Biện pháp của chính phủ Anh có thể là một bài học hay cho Việt Nam. Tại Việt Nam, việc trốn thuế của các doanh nghiệp công nghệ toàn cầu như Google, Facebook diễn ra công khai và chưa có biện pháp ngăn chặn.
Hiện tại, cac đơn vị này đều không có văn phòng đại diện tại Việt Nam, vì vậy việc tính toán doanh thu để thu thuế diễn ra rất khó khăn. Chẳng hạn, với Google, các giao dịch đều được chuyển về văn phòng ở Singapore, ngoài lãnh thổ Việt Nam, vì vậy các cơ quan thuế cũng đành ... bó tay.
Anh không phải là quốc gia duy nhất siết chặt quy định với các công ty công nghệ. Pháp mới đây cũng tuyên bố Google phải trả cho quốc gia này 1,6 tỉ euro tiền nợ thuế. Ngay gần chúng ta, một quốc gia Đông Nam Á là Indonesia cũng cho biết sẽ cấm Google, Facebook nếu các công ty này vẫn tiếp tục làm ngơ nghĩa vụ thuế tại đây.