Triết lý kinh doanh của ông chủ cửa hàng ô mai trên phố Hàng Đường
Câu chuyện của một phóng viên nọ đến phỏng vấn một ông chủ cửa hàng ô mai trên phố Hàng Đường về cách xây dựng thương hiệu của cửa hàng.
Thưa ông trước khi bán ô mai ông làm gì?
Tôi là quân nhân. Lúc mới vào nghề cũng chưa biết hột ô mai từ đâu mà ra.
Không biết gì về ô mai thì làm sao ông làm được?
Tôi đọc sách nữ công gia chánh, vừa làm vừa thử, chỗ nào sai thì sửa đến bao giờ ăn thấy ngon là được.
Mình ông tự mình làm tất cả sao?
Sao làm được. Đến giã gừng mà tôi loay hoay mãi không được. Về sau tôi ra phố Hàng Đường thuê mấy bà bán ô mai giúp. Đến bây giờ các công đoạn làm ô mai tôi vẫn phải thuê như vậy.
Cửa hàng ô mai của ông đã mở được lâu chưa?
Hơn chục năm. So với những cửa hàng xung quanh vẫn chưa thấm tháp gì.
Vậy làm sao để cửa hàng ông cạnh tranh được với các cửa hàng khác?
Tôi làm một cái bảng tên thật to, có logo đàng hoàng để người ta đứng từ xa vẫn nhìn thấy. Để khách hàng nhìn rõ, tôi còn cho lắp đèn chiếu vào hạt ô mai nữa. Các cửa hàng bên cạnh không ai làm vậy.
Sao ông lại chiếu đèn vào hạt ô mai?
Giống như cửa hàng vàng người ta chiếu đèn vào nhẫn vàng, vòng vàng. Với tôi ô mai chính là vàng.
Vàng nên ghi giá rõ ràng cho mọi người dễ nhìn. Họ mà mua thì tôi cân đong khối lượng cẩn thận, không để họ bị thiệt một chút nào.
Tôi xem hàng ông chưa muốn mua mà muốn ăn thử trước được không?
Được chứ. Anh đeo nhẫn thấy đẹp mới mua. Ở đây anh nếm thử ô mai thấy ngon hãy bỏ tiền.
Nhẫn vàng thử đâu có bị hao. Ô mai khách ăn mà không mua ông không sợ thiệt à?
Thiệt gì đâu. Lẽ ra tôi phải mất tiền thuê người nếm giờ có người nếm hộ cho tôi thì tốt quá. Họ vào vừa nếm thử ô mai để tôi biết nó ngon hay dở, vừa giúp cửa hàng của tôi lúc nào cũng tấp nập.
Cửa hàng đông khách thế này, chắc công việc của ông rất bận rộn?
Tôi chỉ có một việc duy nhất ở cửa hàng. Đó là ngồi tán dóc với khách hàng. Nói chuyện với họ tôi ngộ ra nhiều điều.
Ví dụ là gì?
Cửa hàng của tôi đặt trong phố du lịch. Đa phần khách hàng đều là dân vãng lai, không biết nhiều về Hà Nội. Nếu muốn mua ô mai, họ cũng không biết mua ở đâu. Thế là tôi đóng gói sản phẩm của mình thành từng túi, có in tên thật to của cửa hàng, khách du lịch đi qua sẽ thấy tên của tôi rõ nhất.
Làm thế có đội chi phí sản phẩm lên không?
Có chứ. Người ta vẫn mua đều. Tôi biến hột ô mai của mình thành túi quà đẹp mắt. Khách hàng mua ô mai của tôi không chỉ để ăn mà còn đem biếu, đem tặng nữa nên giá cao hơn họ cũng hài lòng.
Cửa hàng ông bán ô mai chắc chỉ hấp dẫn phụ nữ?
Phụ nữ mua để ăn. Còn những người mua để làm quà thì nam nữ đủ cả. Họ chiếm tới hai phần ba tiền bán ô mai của tôi.
Làm ăn phát đạt thế này, ông có mở thêm cửa hàng không?
Hiện tôi có chục cái ở Hà Nội, dăm cái ở Hải Phòng. Chỗ nào chưa mở cửa hàng được thì tôi đưa vào các siêu thị để họ bán dùm.
Mở nhiều vậy lấy đâu ra ô mai mà bán?
Làm tay không kịp tôi chuyển sang làm máy. Hạt ô mai sản xuất máy vừa nhanh hơn, nhiều hơn, chất lượng đồng đều hơn.
Giờ ô mai của ông đã nổi tiếng, ông có dự định gì cho tương lai không?
Tôi sản xuất đủ cho người phụ nữ Việt Nam dùng thì mang đi xuất khẩu.
Theo ông người nước ngoài có ăn ô mai của người Việt không?
Người Việt thích ăn thì người Ả rập, người Ấn Độ, người châu Âu cũng thích ăn. Không chỉ xuất, tôi còn muốn nhập khẩu nữa.
Ông nhập gì?
Tôi nhập thêm vải khô Thổ Nhĩ Kỳ, hồng khô Hàn Quốc, chanh dây Địa Trung Hải,… toàn đặc sản thế giới về bán cho người Việt.
Nghĩa là cửa hàng sẽ không chỉ bán mỗi ô mai ?
Tôi muốn sau này người phụ nữ Việt Nam có thể thưởng thức tất cả các đặc sản ở Việt Nam và thế giới trong cửa hàng của mình.
Xin cảm ơn ông về cuộc nói chuyện này.
(*Bài viết được trích ra từ câu chuyện của Nguyễn Hồng Lam - chủ thương hiệu ô mai Hồng Lam)
>> Triết lý kinh doanh của quán cháo người Hoa
Trang Lam