Thu tiền tỷ từ nghề cây cảnh

24/05/2012 17:23 PM |

Đó là câu chuyện của 35 nông dân được đào tạo nghề trồng hoa cây cảnh ở huyện Hòa Vang (Đà Nẵng). Đến nay, hầu hết học viên đều có trang trại cho hiệu quả kinh tế cao, có người thu tiền tỷ mỗi năm.

Học cách nhìn mới

Hội nghị biểu dương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của TP.Đà Nẵng thời gian gần đây luôn nhắc đến những cái tên sau đây như là những điển hình của nông dân làm giàu: Nguyễn Thành Thiệt, Trần Ngọc Anh (quận Cẩm Lệ) Nguyễn Đá, Đỗ Bá Quang (Hòa Vang)…

Điều đặc biệt các cá nhân trên là đồng môn với nhau khi cùng tham gia khóa đào tạo trồng hoa cây cảnh do Trung tâm Đào tạo nghề Hòa Vang tổ chức theo Quyết định 1956/QĐ-TTg về dạy nghề cho lao động nông thôn (Đề án 1956).

Ông Nguyễn Thành Thiệt (tổ 5, Hòa Phát, Cẩm Lệ) hiện đang sở hữu một vườn hoa cây cảnh có thương hiệu ở Đà Nẵng. Mỗi năm, ông kiếm vài ba trăm triệu từ vườn cây này rất nhẹ nhàng. Ông Thiệt tâm sự là đã nghĩ đến nghề cây cảnh này từ lâu và đã nhiều năm làm nhưng không thành công. Phải đến khóa học nghề 4 tháng vào đầu năm 2010, ông mới thật sự được trang bị đầy đủ về kỹ thuật tạo thế dáng cây cảnh, tâm lý người tiêu dùng, kỹ thuật marketing cây cảnh, lựa chọn hướng đầu tư…
“Sau khi được đào tạo, điều quan trọng mà tôi tiếp thu được là xác định hướng đi riêng, tạo ra phong cách, làm cái khách hàng cần chứ không làm cái mình biết, mình có” – ông Thiệt chia sẻ.

Khác với ông Thiệt, nông dân Nguyễn Đá (Hòa Thọ Tây, Thanh Khê) nguyên là thợ cày nhưng đã quyết định chuyển đổi nghề nghiệp sau khi theo học khóa đào tạo nghề cho nông dân. Ông đã mạnh dạn đầu tư ươm trồng hàng vạn cây bàng, phượng vĩ, bằng lăng, xà cừ. Hiện tại, ông Đá còn “kiêm” thêm nghề thiết kế khuôn viên, có thể bao trọn gói cả về ý tưởng đến cung cấp cây giống, trồng trọt, chăm sóc cây cho khuôn viên công ty, công sở, công viên…

Dạy nghề thị trường cần

“Tôi chưa thu được bạc tỷ nhưng tôi có niềm tin là mình sẽ có đời sống khá hơn vì đã có hướng đi đúng. Nghề mà tôi đang theo đuổi có thu nhập cao gấp trăm lần nghề làm lúa, làm thợ cày trước kia”.

Ông Nguyễn Đá

Theo ông Ngô Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo nghề Hòa Vang, khi lập danh sách các nghề cần đào tạo cho nông dân theo Đề án 1956, điều mà Trung tâm muốn nhấn mạnh là định hướng thị trường, là đầu ra của sản phẩm nghề. “Chúng tôi đào tạo cái mà thị trường đang cần hoặc sẽ cần chứ không dạy cái mà mình biết, không dạy những nghề mà ai cũng biết, ai cũng làm nhưng không có ai thành công” – ông Anh chia sẻ.

Theo ông Anh, lý do chọn nghề cây cảnh đào tạo cho nông dân không phải đây là nghề mới trên thị trường.

“Phía Bắc, trong Nam đều có nghề cây cảnh, trong đó có nhiều làng nghề nổi tiếng, tiêu thụ rất mạnh trên thị trường cả nước. Trung tâm chỉ chọn lĩnh vực nào mà các nơi chưa có, chưa mạnh và phù hợp với điều kiện nông dân Đà Nẵng để đào tạo như gắn cây cảnh với thiết kế khuôn viên, định hướng nông dân làm cây cảnh “độc”.

Nhờ đào tạo không theo kiểu phong trào, cái gì họ biết thì mình biết, nên hầu hết các học viên theo khóa học này đều thành công”.

Ông Nguyễn Văn An -Giám đốc Sở LĐTBXH Đà Nẵng, cho biết, thời gian qua, thành phố đã mở được 3 khóa trồng hoa cây cảnh với 100 nông dân theo học. Phần lớn sau khi học đều áp dụng được, một số người đã thành công.

“Hiện chúng tôi mở thêm 4 khóa để đào tạo cho 135 nông dân nữa. Chúng tôi không tổ chức ồ ạt mà đào tạo kèm với kiểm tra, nghe ngóng, đo lường thị trường. Chỉ đào tạo thêm chừng nào thị trường còn có nhu cầu” – ông An bày tỏ.

Theo Vân Anh
Dân Việt

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM