Thiên thời địa lợi thời online

27/02/2014 09:59 AM | Kinh doanh

Dù bạn kinh doanh trên Internet, nghe có vẻ hiện đại nhưng cũng khó tránh khỏi ba yếu tố được mệnh danh là “tam tài” này.

“Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” – Những yếu tố mà một người kinh doanh thường hay nhắc đến và ước muốn để cầu thuận buồm xuôi gió cho doanh nghiệp, cho con đường nghề và nghiệp của mình. Và dù, bạn kinh doanh trên Internet, nghe có vẻ hiện đại nhưng cũng khó tránh khỏi ba yếu tố được mệnh danh là “tam tài” này.

Thiên thời, địa lợi là hai yếu tố mà bạn không tác động, không điều khiển hay thay đổi nó được. Nhân hòa thì có thể vì nó là đối nhân xử thế giữa người với người. Không tác động được nhưng hãy điểm qua xem những người đã thành công, họ đã cưỡi sóng “thiên thời, địa lợi” như thế nào?

Thuyền trưởng Alibaba.com, Jack Ma

Jack Ma (Mã Vân) bén duyên với Internet từ khá sớm. Nhân một chuyến đi Mỹ vào năm 1995, ông được tiếp cận với Internet và đã phát hiện ra biển trời mênh mông rộng mở với vô vàn thứ có thể làm được trên Internet. Vì vậy, trở về Trung Hoa ông liền từ bỏ việc đi dạy để chuyển sang khởi nghiệp với Internet. Ngay sau đó là sự ra đời công ty đầu tiên của ông là Những Trang Vàng (China Yellowpages) sau đó bán lại cho Chính Phủ và thành lập Alibaba.com vào 1999, nay đã là đế chế của thương mại điện tử của không chỉ Trung Hoa mà cả Thế Giới.

Thiên thời đã đem đến cho Jack Ma cái dịp đi Mỹ vào cái thời sơ khai của Internet. Địa lợi là đất nước Trung Hoa của ông lúc bấy giờ mật độ sử dụng Internet còn vô cùng thấp, thị trường còn vô cùng thô sơ và màu mỡ.

Ngay cả đến cái chuyện mua tên miền Alibaba.com cũng còn được trong khi bây giờ khởi nghiệp Internet thì một vấn đề đau đầu là chọn tên miền vừa ý. Ai cũng ưu tiên tên miền .com nhưng những cái tên gắn liền, gợi nhớ với dịch vụ của bạn thì hầu như .com là không còn.

Dẫu sao đi nữa, có thiên thời, có địa lợi nhưng vẫn cần đến cái “nhân hòa”, cái nhìn tinh tế của Jack Ma để nhận ra thị trường màu mỡ cho mình. Vì hẳn rằng trước năm 1995 cũng không thiếu giáo viên Anh Văn nói riêng và người Trung Quốc nói chung đi công tác sang Mỹ.


Viber, khởi nghiệp 2 năm, bỏ túi 800 triệu USD

Với câu chuyện của Viber Media (công ty sở hữu ứng dụng chat Viber trên nền tảng OTT), thiên thời của họ có lẽ bắt nguồn từ năm 2007 bởi phù thủy Steve Jobs. Nếu Steve Jobs không khai sinh ra iPhone thì chưa chắc Marco Talmon – CEO Viber Media - có thể nghĩ ra Viber. iPhone tạo nên trào lưu smartphone thông minh đúng nghĩa, hỗ trợ mạnh mẽ cho các ứng dụng chạy trên thiết bị di động. Nó là nền tảng, là tiền để và là điều kiện cần để Viber nói riêng và hàng loạt ứng dụng công nghệ nói chung khác ra đời.

Thiên thời đã đem đến cho nhà doanh nhân Israel này một sự bao phủ khắp hành tinh, mang tên Internet.

Địa lợi của Viber, ban đầu là địa lợi của các nhà mạng viễn thông khi con người có nhu cầu giao tiếp với nhau qua viễn thông nhằm xóa bỏ khoảng cách địa lý nhưng họ vẫn đang phải trả phí khá cao cho các cuộc nói chuyện.

Thế là, Viber ra đời nhắm kéo những cuộc nói chuyện ấy lên cái mạng lưới Internet bao phủ khắp hành tinh của chúng ta hiện nay. Internet giúp chúng ta truyền dữ liệu, dữ liệu đó có thể là hình ảnh, lời nói (voice), câu chữ (text) và nhiều định dạng khác. Thậm chí Internet còn có thể chuyển đi hàng Gigabyte, Terabyte huống hồ gì những ký tự hay text chỉ vào chục, vài trăm kylobyte.

Các nhà mạng không thích điều này, nhưng người dùng thì ngược lại. Niềm vui của người này lại là nỗi buổn của người khác. Sự thành công của Viber đã được đón nhận bởi gần 300 triệu thành viên. Và Rakuten – “đại gia” bán lẻ trực truyến của Nhật – đã chi 900 triệu USD để sở hữu Viber, vị chi là khoảng 3 USD để có một người dùng của Viber, con số này là chấp nhận được, không hề đắt.

Trong hai năm đầu, Viber lỗ 74,6 triệu USD. Một món nợ kếch xù nhưng lại bán được giá 900 triệu USD. Bỏ túi hơn 800 triệu USD từ một doanh nghiệp lỗ nặng và doanh thu chỉ được 1,5 triệu USD / năm, thậm chí còn tệ hơi doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam. Điều kỳ diệu ấy chỉ có thể đến từ một công ty trong ngành Internet.

Samsung – Ông vua Android

Theo bạn, ai là người lật đổ ngôi vương của Nokia? Samsung? Không phải, Apple mới đúng, Apple mới chính là kẻ bắn phát súng vào cuộc đua khốc liệt để đẩy Nokia từ vị trí số 1 rời khỏi bảng xếp hạng sau 14 năm chiếm giữ.

Thế nhưng, iPhone của Apple không hề chiếm vị trí số 1 ở bất cứ phương diện nào, từ thị phần, doanh số, sản lượng máy bán ra… đều thua hoặc Android (nếu xét về thị phần) hoặc doanh thu và sản lượng (nếu chỉ xét với một mình Samsung, không cần kể cả liên minh những hãng sử dụng Android).

Samsung đã lợi dụng “thiên thời” thứ nhất là Google cho ra đời hệ điều hành mã nguồn mở miễn phí Android, thứ hai là ung dung ngồi sao chép các thiết kế của Apple cho nhanh.

“Địa lợi” của hãng là sự chuyển mình khá chậm chạp của đối thủ như Sony Ericsson tưởng chừng bỏ cuộc nhưng phải sau 3-4 tháng kể từ khi Samsung ra smartphone Android thì hãng này mới giới thiệu sản phẩm Xperia đầu tiên chạy Android. Khi ấy, cuộc đua còn vài đại diện như LG, Motorola vốn cũng chỉ bám đua ở trận địa cũ.

“Nhân hòa” của Samsung là việc hãng này liên tục tung ra sản phẩm mới, từ phân khúc cực thấp cấp như Galaxy Y cho đến tầm trung như Galaxy Grand, cao cấp như S4 và tự mở ra thị trường cho riêng mình với phân khúc phablet (phone + tablet : ĐTDĐ lai máy tính bảng) Galaxy Note. Nhiều đến mức nhân viên của Samsung cũng không thể nhớ hãng hiện có bao nhiêu dòng sản phẩm đang kinh doanh.

Có một câu nói, muốn có một ý tưởng hay phải dẹp bỏ hàng ngàn ý tưởng tồi. Ý tưởng của Jack Ma lóe lên khi thị trường còn sơ khai, ý tưởng của Viber dựa trên khó khăn của người dùng và của Samsung dựa trên việc nắm bắt kịp thời trước chuyển mình của thời cuộc. Không thời nào là dễ hay khó, chỉ có con người chúng ta có đủ tinh tế để nhận ra khoảng trời riêng cho mình hay không mà thôi!

Tác giả là Giám đốc điều hành VHT, một công ty về mobile marketing.


Vũ Hoàng Tâm

duchai

Cùng chuyên mục
XEM