Thiên đường thuế (Kỳ cuối)
Rửa tiền, chuyển giá đều có đường dây mối nhợ với những đảo quốc “thiên đường thuế”. Mặc dù thế giới đã đưa ra nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng mỗi năm vẫn mất khoảng 200 tỉ USD vì những hoạt động lách luật này.
Ngành thuế ra tay
Ông Từa thừa nhận quá trình nhóm kiểm tra chống chuyển giá thu thập thông tin để chứng minh các doanh nghiệp này đang xuất khẩu tốt và thu lợi nhuận rất cao gặp không ít khó khăn nhưng quyết tâm làm bằng được. Theo ông Từa, thông tin về tình hình sản xuất của doanh nghiệp FDI quá ít. Nhóm công tác phải thu thập từ nhiều nguồn khác nhau, chủ yếu từ các cơ quan quản lý nhà nước như Chi cục Hải quan, Chi cục An toàn thực phẩm… để tìm ra những số liệu mâu thuẫn với những gì các doanh nghiệp đã khai báo.
Chứng minh doanh nghiệp không thua lỗ đồng nghĩa với việc có thể truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, để xác định mức truy thu cần phải xác định được khoản lãi của các doanh nghiệp này. Việc xác định giá xuất khẩu thực tế của doanh nghiệp được tiến hành. Để chứng minh các doanh nghiệp FDI khai báo lỗ giả phải huy động nhiều cơ quan cùng phối hợp thì việc chứng minh các công ty đang bán trà bằng giá ảo lại chủ yếu dựa vào so sánh thực tế.
Các tờ khai về giao dịch với các đối tác nước ngoài gửi cơ quan thuế đều cho thấy các doanh nghiệp bị nghi chuyển giá đã không định giá xuất khẩu phù hợp với giá thị trường trong thời điểm đó. Giá trà thành phẩm trong năm 2010 được kê khai trung bình 5,9 USD/kg. Để chứng minh các doanh nghiệp này đang tung giá ảo, tổ kiểm tra chống chuyển giá đã tham khảo quy trình chế biến của các doanh nghiệp trong nước cùng ngành, cùng quy mô và đưa ra phân tích đơn giản. Để có 1kg trà Oolong thành phẩm thì cần 5kg nguyên liệu chè búp tươi. Theo thời giá thì tổng chi phí cho nguyên liệu là 8,5 USD, chưa kể nhiều chi phí khác.
Thu nhập của người nông dân trồng trà chẳng là bao so với nguồn lợi khủng của các công ty kinh doanh trà trốn thuế. Cần trả lại công bằng cho họ - Ảnh: Mai Vinh
Nhóm kiểm tra nhận ra một điểm bất thường khác đang diễn ra ngay tại thị trường trà trong nước: chính những sản phẩm của các doanh nghiệp FDI này lại được bán với giá cao hơn giá xuất khẩu 18 lần (khoảng 1,2 triệu đồng/kg). Ông Từa thừa nhận việc công ty con và công ty mẹ tự thỏa thuận giá khiến cơ quan thuế không thể kiểm soát được. “Các hóa đơn chứng từ đều không phù hợp thời giá, chứng minh bằng phương pháp so sánh thời giá là biện pháp duy nhất trong thời điểm này” - chuyên gia thuế này kết luận.
Thừa nhận lãi
Sáu cuộc họp được tiến hành với 17 doanh nghiệp trong diện nghi vấn, nhóm kiểm tra đã đưa ra lập luận của mình, 12 doanh nghiệp bị kiểm tra đã tự điều chỉnh giá xuất khẩu bình quân lên 8,4 USD/kg, năm doanh nghiệp từ chối xác định lại giá cho phù hợp với giá hiện hành. Cơ quan thuế phải lấy giá trung bình trên thị trường ấn định giá trà xuất khẩu cho doanh nghiệp này. Sau đó, các doanh nghiệp này phải thừa nhận chuyển giá và đang kinh doanh có lãi. Sau khi xử lý “lỗ”, các doanh nghiệp tại Đà Lạt và Bảo Lộc đã công khai mức lãi gần 50 tỉ đồng.
Kết quả của đợt chống chuyển giá mà Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng tiến hành cuối năm 2010 đã thu về cho ngân sách tỉnh Lâm Đồng 5,8 tỉ đồng. Ông Nguyễn Văn Từa cho rằng thu về lớn nhất không phải là tiền mà là bộ khung chống chuyển giá và trốn thuế thu nhập doanh nghiệp trong lĩnh vực thu mua chế biến nông sản được hình thành, giảm thất thu với một tỉnh thu nhập ngân sách chủ yếu dựa vào nông nghiệp.
Theo Hải Minh- Việt Toàn- Mai Vinh- Hạ Quyên
Theo Tuổi trẻ
Copy link
Link bài gốc
Lấy link!