Tại sao người Nhật phải đau đầu cải cách "thùng thư" của mình?
Tại Nhật Bản, tập đoàn bưu chính quốc gia không chỉ là nơi đưa thư cho người dân, đây cũng là ngân hàng lớn nhất nước này tính theo số tiền gửi cũng là công ty bảo hiểm lớn nhất quốc gia. Theo hãng tin Bloomberg, rất nhiều chính trị gia Nhật Bản trước đây đã sử dụng hệ thống bưu chính như là nơi rút tiền cho các dự án đầu tư không hiệu quả của chính phủ.
Tập đoàn bưu chính quốc gia Nhật Bản sẽ được cổ phần hóa lần đầu ra công chúng (IPO) theo 3 đợt khác nhau với tổng trị giá 1,4 nghìn tỷ Yên (12 tỷ USD), trong đó đợt đầu tiên là vào ngày 4/11 tới đây. Đây là vụ IPO lớn nhất của Nhật Bản kể từ sau thương vụ IPO của hãng Nippon Telegraph & Telephone năm 1987.
Việc cổ phần hóa tập đoàn bưu chính quốc gia Nhật Bản là một trong những kế hoạch của Thủ tướng Shinzo Abe nhằm đưa nền kinh tế quốc đảo này thoát khỏi tình trạng tăng trưởng chậm trong suốt 20 năm qua. Động thái này của chính quyền Tokyo trước đó đã gặp phải nhiều tranh cãi trong suốt 10 năm qua. Nhiều chuyên gia lo ngại việc cổ phần hóa ngành bưu chính sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của ngành ngân hàng trong nước và đẩy số tiền lương hưu của tầng lớp người già Nhật Bản vào tình trạng rủi ro hơn.
Những khó khăn riêng
Tập đoàn bưu chính quốc gia Nhật Bản sẽ được tách thành 3 công ty riêng biệt, bao gồm công ty mẹ, công ty chịu trách nhiệm mảng ngân hàng và công ty bảo hiểm. Theo kế hoạch, cả 3 công ty này sẽ được IPO và đợt chào bán đầu tiên ngày 4/11 tới đây sẽ có 11% cổ phần sẽ được bán, số còn lại sẽ được chào bán rộng rãi dần ra công chúng vào 2 đợt chào bán sau. Kế hoạch của chính phủ là chỉ giữ lại 1/3 số cổ phần trong công ty mẹ.
Theo dự kiến , khoảng 80% số cổ phần chào bán sẽ được các nhà đầu tư cá nhân mua do Thủ tướng Abe có mục tiêu thu hút người dân đầu tư vào chứng khoán. Số liệu của Bloomberg cho thấy hiện nay bình quân mỗi hộ gia đình Nhật Bản đầu tư 11% tổng số tiền của họ vào chứng khoán, chỉ bằng một nửa so với tại Mỹ.
Cả 3 lĩnh vực chính của ngành bưu chính Nhật Bản đều đang có những khó khăn riêng trong việc cố gắng thúc đẩy tăng trưởng. Dịch vụ bưu chính Nhật Bản phải đối mặt với xu thế suy giảm doanh số do sự bùng nổ của công nghệ thông tin và đã phải cố gắng mở rộng hoạt động kinh doanh ra nước ngoài bằng việc mua lại công ty chuyển phát bưu phẩm Toll Holdings của Australia. Hơn nữa, theo luật thì ngành bưu chính Nhật Bản vẫn buộc phải duy trì hoạt động của hệ thống bưu chính trên toàn Nhật Bản dù đã cổ phần hóa và không được đóng cửa những chi nhánh không đem lại lợi nhuận trên thị trường nội địa.
Trong khi đó, ngành bảo hiểm của tập đoàn bưu chính Nhật Bản cũng đang tìm đường thâm nhập thị trường nước ngoài khi dân số quốc đảo này đang ngày càng già đi, khiến doanh thu bảo hiểm nhân thọ bị ảnh hưởng.
Mảng kinh doanh ngân hàng của bưu chính Nhật Bản thì đang bị giới hạn cho vay, vì vậy lĩnh vực này buộc phải chuyển sang tập trung vào mức lợi suất hơn và chất lượng dự án đầu tư hơn là số lượng. Kết quả là lĩnh vực ngân hàng của ngành bưu chính buộc phải bán bớt trái phiếu chính phủ để chuyển qua những dự án đầu tư có mức lợi suất cao hơn. Ngoài ra, do tiền gửi tại của ngân hàng bưu chính Nhật Bản được bảo lãnh bởi chính phủ nên theo quy định, tổng số tiền tối đa mỗi tài khoản được gửi là 10 triệu Yên (84.000 USD). Với việc được IPO, ngành ngân hàng bưu chính Nhật Bản có thể được dỡ bỏ quy định trần mức tiền gửi này và có sức cạnh tranh hơn với các ngân hàng thương mại khác.
Ý tưởng từ 10 năm trước
Ngành bưu chính Nhật Bản được thành lập từ năm 1871, khi dịch vụ thư tín bắt đầu được thành lập trong thời kỳ Minh trị, khoảng thời gian Nhật Bản thúc đẩy hiện đại hóa đất nước. Sau đó 4 năm, hệ thống gửi tiền tiết kiệm của ngành bưu chính được thành lập và đã thu hút rất nhiều dòng vốn trong người dân Nhật Bản thời đó, qua đó giúp chính quyền Tokyo có đủ tài chính cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng thời đó và trở thành một cường quốc kinh tế sau này.
Ý tưởng cổ phần hóa ngành bưu chính Nhật Bản lần đầu tiên được đưa ra bởi Cựu Thủ tướng Junichiro Koizumi. Ông Koizumi cho rằng chính ngành bưu chính là thủ phạm cho việc chi tiêu quá đà vào những dự án không cần thiết và khiến Nhật Bản ngập trong nợ nần.
“Tôi muốn dỡ bỏ một hệ thống đang nô dịch 120 triệu người dân Nhật Bản chỉ để bảo vệ cho vài trăm quan chức”-ông Koizumi nói năm 2005.
Cựu Thủ tướng Koizumi đã kêu gọi một cuộc trưng cầu ý kiến cử tri và chiến thắng vang dội cho đề xuất này. Tuy nhiên, ý tưởng của ông Koizumi đã phải mất 10 năm mới có thể vượt qua các nghị sĩ đối lập và trở thành hiện thực.
Việc chính quyền Tokyo cổ phần hóa tập đoàn bưu chính quốc gia không phải là điều xa lạ đối với nhiều nước bởi trước đó, các quốc gia từ Bỉ cho tới Đức cũng đã thực hiện IPO ngành bưu chính của mình. Năm 2013, Anh cổ phần hóa tập đoàn bưu chính quốc gia Royal Mail, còn Italy đã bán công ty bưu chính quốc doanh Poste Italiane của mình, trong khi Trung Quốc đang có ý định IPO ngân hàng bưu chính.
Trên toàn thế giới hiên đang có khoảng 1 tỷ người đang sử dụng dịch vụ tài chính thông qua hệ thống bưu chính. Nguyên nhân là hệ thống này chấp nhận thanh toán và giao dịch tại những vùng nông thôn không có chi nhanh ngân hàng.
Một số số liệu của ngành bưu chính quốc gia Nhật Bản
-Tổng mức giá IPO là 1,4 nghìn tỷ Yên (12 tỷ USD). Đây là đợt IPO lớn nhất tại Nhật Bản từ đầu năm 2015 đến nay
-Có 24.000 chi nhánh, nhiều hơn tổng số chi nhanh của tất cả các ngân hàng thương mại trong nước cộng lại.
-Có 178 nghìn tỷ Yên (1,4 nghìn tỷ USD) tiền gửi tiết kiệm. Là ngân hàng lớn thứ 5 thế giới tính theo số tiền gửi huy động. Một nửa số tiền này được dùng để mua trái phiếu chính phủ Nhật Bản.
-Mỗi năm xử lý khoảng 18,7 tỷ bưu thư và bưu phẩm.
-Có khoảng 86.000 chiếc xe máy với 200.000 nhân viên
Tranh cãi và nhất trí
Việc cổ phần hóa ngành bưu chính quốc gia Nhật Bản đã trở thành biểu tượng cho sự phân hóa, mối bất hòa và những tranh cãi trong xã hội quốc đảo này khi các nhà lãnh đạo muốn cải tổ nền kinh tế.
Những người ủng hộ việc IPO ngành bưu chính cho rằng đây là dấu mốc cho một trận chiến quan trọng đem lại sự thay đổi cho kinh tế Nhật Bản. Trong khi đó, những người phản đối cho rằng động thái này có thể khiến nhiều người trong ngành mất việc làm cũng như khiến một số dịch vụ bưu chính bị ngừng hoạt động.
Tuy nhiên, các nghị sĩ Nhật Bản đã đi đến sự đồng thuận sau khi một phần số tiền thu được sau IPO ngành bưu chính sẽ được dùng để tái xây dựng khu vực chịu ảnh hưởng của động đất và sóng thần năm 2011.
Các chuyên gia và nhà đầu tư chứng khoán Nhật Bản cũng đang theo dõi chặt chẽ vụ việc bởi động thái IPO ngành bưu chính với khối tài sản trị giá 1,7 nghìn tỷ USD có đủ sức làm thay đổi thị trường. Một nửa số tài sản của ngành bưu chính Nhật Bản hiện nay là trái phiếu chính phủ, qua đó khiến công ty này trở thành chủ nợ lớn nhất của chính quyền Tokyo sau ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ).
Theo Bloomberg, nếu chính phủ Nhật Bản từ bỏ quyền điều hành chi phối với ngành bưu chính, có khả năng tập đoàn này sẽ bán bớt trái phiếu và chuyển qua đầu tư những tài sản có lợi suất cao hơn như cổ phiếu và trái phiếu nước ngoài.