Suntory mua 51% PepsiCo VN: Ngoại nắm chuôi, nội ôm lưỡi
Nắm lấy phần chuôi là mảng sản xuất và kinh doanh đồ uống, Suntory nhường phần "lưỡi" - mảng thực phẩm và sữa đậu nành, cho chủ nhà.
PepsiCo Vietnam sẽ gặp thử thách lớn sau khi giao đứt mảng đồ uống cho Suntory của nhật. Thông tin chính thức được trang web của PepsiCo toàn cầu phát đi hôm 22.10 cho hay PepsiCo Vietnam và Suntory đã đồng ý thành lập một liên doanh chiến lược tại Việt Nam với 51% mảng đồ uống thuộc về Suntory và phần còn lại vẫn do PepsiCo Vietnam nắm giữ.
Mức giá chuyển nhượng của vụ mua bán - sáp nhập (M&A) này không được tiết lộ, nhưng có thể lên tới hàng trăm triệu USD vì đến nay, PepsiCo đã rót hơn 500 triệu USD vào Việt Nam với 5 nhà máy sản xuất đồ uống và thực phẩm.
Đối tác ngoại nhường lại mảng khó
Thỏa thuận cũng nêu rõ, Suntory và PepsiCo Vietnam sẽ nắm giữ các vị trí quản lý chủ chốt của liên doanh mới. Đồng thời, phía Việt Nam tiếp tục đảm trách hoạt động tiếp thị và sáng tạo cho các thương hiệu đồ uống truyền thống như Pepsi-Cola, 7-UP, Sting, Mirinda, Tropicana Twister, Lipton và Aquafina.
Suntory cho biết họ đang mở rộng hoạt động trên toàn cầu, trong đó có thị trường đồ uống ở Đông Nam Á. Năm 2011, tổng doanh thu của Suntory đạt hơn 23 tỉ USD và hiện tập đoàn này có gần 200 công ty thành viên.
“Suntory chọn PepsiCo vì họ là đối tác chiến lược của chúng tôi trong hơn 30 năm qua và thuộc nhóm dẫn đầu thị trường Việt Nam”, ông Henry Park, Giám đốc Điều hành Suntory Beverage & Food Asia Pte. Ltd, cho biết. Đây cũng chính là lý do để Suntory quyết định mua 51% cổ phần tại Việt Nam và nắm lấy phần chuôi là mảng sản xuất và kinh doanh đồ uống.
PepsiCo Vietnam đã bước vào mảng thực phẩm với bánh snack Poca và sữa đậu nành Body Naturals. Năm 2008, Công ty đã đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất thực phẩm đóng gói tại Bình Dương có vốn đầu tư 30 triệu USD để sản xuất bánh Poca.
Tuy nhiên, lĩnh vực thực phẩm của PepsiCo Vietnam chỉ có 2 thương hiệu là Poca và Body Naturals còn khá mờ nhạt và chưa thể cạnh tranh với Vinamilk hay Kinh Đô.
Tổng doanh thu năm 2010 của PepsiCo và Coca-Cola chiếm
hơn 88% thị trường nước giải khát Việt Nam
Suntory và Kirin có bắt tay?
Câu chuyện Suntory thâm nhập thị trường Việt Nam thông qua M&A làm liên tưởng tới thương vụ 2 tập đoàn nước giải khát và thực phẩm hàng đầu của Nhật là Kirin và Suntory. Hai hãng này từng chuẩn bị cho quá trình hợp nhất từ năm 2009. Nhưng vào tháng 2.2010, cả 2 quyết định chấm dứt quá trình M&A vì các bất đồng về vai trò sở hữu cũng như điều hành doanh nghiệp sau hợp nhất. Tuy nhiên, năm 2011, tờ Wall Street Journal cho biết, các bên liên quan có thể khởi động lại thương vụ này.
Động thái này trùng hợp với việc Công ty Nước giải khát Kirin Việt Nam đã quyết định hủy hợp đồng liên doanh 60 triệu USD với Tập đoàn Thực phẩm Acecook hồi tháng 5.2011. Vì vậy, nếu thương vụ M&A giữa Suntory và Kirin được khởi động lại thì sớm hay muộn, Kirin Việt Nam và Suntory thuộc liên doanh với PepsiCo Vietnam cũng sẽ bắt tay để cùng thực hiện chiến lược kinh doanh tại Việt Nam.
Ông Yokomizo Munechika, Tổng Giám đốc Kirin Việt Nam, từng cho biết: “Thị trường nước giải khát Việt Nam có mức phát triển khá tốt, hiện chỉ có 6.000 loại nước giải khát trong khi ở Nhật là 13.000-14.000 loại. Chúng tôi sẽ ưu tiên phát triển các dòng sản phẩm có lợi cho sức khỏe tại đây”.
Ngay sau đó, các sản phẩm chủ lực của Công ty là Jcha và Latte đã lần lượt được giới thiệu tại 2 thị trường Bắc, Nam với chiến dịch quảng bá rầm rộ trên các kênh truyền thông.
Như vậy, các sản phẩm có lợi cho sức khỏe sẽ đóng vai trò chủ lực trong chiến lược kinh doanh của Kirin Việt Nam và có thể đối với cả Suntory. Điều này cũng phù hợp với chiến lược của PepsiCo Vietnam khi cách đây không lâu, Hãng đã thực hiện chiến dịch làm mới thương hiệu 7-UP nhằm khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm có lợi cho sức khỏe.
Theo Nhịp cầu đầu tư