Sự thật về công nghiệp tình dục (P3): Ở Thụy Điển bên mua bị đi tù!
Người mua dâm ở Thụy Điển ngoài bị phạt tiền hoặc đi tù, còn bị công khai danh tính để phải cảm thấy xấu hổ.
Trong 30 năm, mại dâm là hoạt động hợp pháp ở Thụy Điển, nhưng đến năm 1998 đã bị xét lại khi nước này nhận thấy hợp pháp hóa mại dâm khiến nó lan tràn ngoài tầm kiểm soát, trong khi tổn hại về giá trị đạo đức xã hội lại quá lớn.
Năm 1999, với 70% dân số ủng hộ, Thụy Điển trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới chống mại dâm theo cách mới, từ đó coi hành vi mua dâm là tội hình sự.
Công dân Thụy Điển bị bắt gặp mua dâm tại nhà hay ở nước ngoài đều bị phạt 5.000 USD hoặc ngồi tù 6 tháng, nếu tái phạm có thể bị tù 4 năm. Chính phủ còn thiết lập cả hệ thống camera giám sát tại các “điểm nóng”. Cảnh sát cũng công khai danh tính kẻ mua dâm nơi công cộng để họ phải cảm thấy xấu hổ.
Cơ sở của luật này là hành vi mua dâm vi phạm quyền bình đẳng giới. Cơ quan lập pháp của Thụy Điển có quan điểm rằng đàn ông mua dâm từ phụ nữ là điều không thể chấp nhận được. Ngược lại, luật này không trừng phạt gái bán dâm.
Sau 10 năm nhìn lại hiệu quả của luật nhằm vào khách mua dâm, số lượng gái bán dâm đường phố ở Thụy Điển đã giảm một nửa. Không có bằng chứng cho thấy gái mại dâm đường phố giảm khiến những nơi khác tăng lên, cả trên mạng lẫn trong nhà. Chính phủ cũng cung cấp thêm nhiều dịch vụ để gái bán dâm chuyển sang làm nghề khác. Tất cả các trường trung học đều triển khai các biện pháp truyền thông để giáo dục học sinh về vấn đề mại dâm, rằng mua dâm là hành vi bất hợp pháp và trái đạo đức.
Tuy thời gian đầu bị chỉ trích, nhưng đến nay cảnh sát đã xác nhận luật này rất hiệu quả và có tác dụng răn đe những người tổ chức, môi giới bán dâm. Đến nay, Thụy Điển dường như là quốc gia duy nhất ở châu Âu mà số lượng gái mại dâm và nạn buôn bán người phục vụ bán dâm không tăng.
Nhiều nước học hỏi
Sau thời gian hợp pháp hóa mại dâm, xã hội Đức và Hà Lan chứng kiến nhiều hệ lụy nghiêm trọng như buôn bán phụ nữ, tội phạm có tổ chức. Vì thế, hai nước này đang đề xuất sửa luật để trừng phạt khách mua dâm từ những gái mại dâm không được cấp phép. Đề xuất này biến tấu từ luật của Thụy Điển, cho thấy việc trừng phạt khách mua dâm đã đạt được kết quả tốt.
Sự thất bại của chính sách hợp pháp hóa mại dâm ở châu Âu là lý do giúp mô hình của Thụy Điển trở thành kiểu mẫu ở khu vực Bắc Âu. Năm 2009, Na Uy ra luật cấm mua dâm phụ nữ và trẻ em. Một năm sau, khảo sát ở TP. Bergen, Na Uy cho thấy số lượng gái mại dâm đường phố giảm khoảng 20%, còn gái bán dâm trong nhà giảm khoảng 16%. Cảnh sát Bergen cho biết số lượng quảng cáo của gái bán dâm giảm đi 60%. Ngoài ra, cảnh sát còn quản lý số điện thoại của những người mua liên lạc với các quảng cáo đó nhằm nhận diện và phạt khách mua dâm. Cũng trong năm 2009, Iceland thông qua luật trừng phạt khách mua dâm.
Sự thành công của mô hình ở Bắc Âu không phải nhờ vào các hình phạt đối với khách mua dâm, mà là khiến khách mua dâm sợ bị lộ danh tính nên tự từ bỏ. Chính vì thế, những kẻ môi giới và dắt gái cũng chán dần, khi lợi nhuận thu được ngày càng ít.
Báo cáo cho thấy số nam giới từng tham gia mua dâm Thụy Điển giảm từ 12,7% năm 1996 xuống còn 7,6% vào năm 2008. Nạn buôn người cũng gần như không có cơ hội tồn tại ở Thụy Điển. Năm 2007, theo cảnh sát Thụy Điển, chỉ có từ 400 đến 600 phụ nữ nước ngoài được đưa đến Thụy Điển mỗi năm làm gái mại dâm, trong khi Phần Lan, dân số chỉ bằng một nửa Thụy Điển, con số đó lên tới 10.000-15.000 phụ nữ, hoặc ở Đức con số này là 40.000.
Nhìn thấy hiệu quả từ cách quản lý của Thụy Điển, một số nước châu Âu khác cũng như Na Uy, Iceland và bang Rhode Island của Mỹ năm 2009 cũng thôi công nhận nghề mại dâm. Từ năm 1988, Hàn Quốc cũng đã coi mại dâm là nghề phi pháp với hy vọng thay đổi thói quen đi nhà thổ cố hữu của nam giới.
Theo Gia Tùng
Khám phá