Sẽ đấu giá băng tần 4G LTE vào cuối năm 2015
Theo ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT&TT), Việt Nam dự kiến sẽ triển khai đấu giá các băng tần 4G LTE vào cuối năm 2015, chậm nhất là vào đầu năm 2016.
Sáng nay (6/2), Công ty điện tử Samsung đã phối hợp với các đơn vị của Bộ TT&TT tổ chức Hội thảo giới thiệu về công nghệ LTE, phản ánh về xu hướng thị trường LTE trên thế giới, quá trình phát triển của công nghệ LTE, việc phân bổ băng tần và nhu cầu phổ tần cho LTE cũng như trao đổi về kế hoạch phân bổ tần số cho LTE ở Việt Nam.
Tại Hội thảo, ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, cho biết, Việt Nam nhận định sự phát triển của băng rộng rất quan trọng. Theo số liệu ước tính của hãng Ericsson, đến cuối năm 2019, thế giới sẽ có 9,2 tỷ thuê bao di động, trong đó trên 80% sẽ là các thuê bao băng rộng di động. Tốc độ phát triển dữ liệu trên băng rộng cũng tăng rất nhanh, dự đoán đến năm 2018, mức độ dữ liệu sử dụng sẽ tăng 61% so với năm 2013, trong đó mức tăng trưởng dữ liệu tại khu vực châu Á Thái Bình Dương sẽ chiếm 42,4%, nhiều nhất trong các khu vực. Chính vì vậy, Việt Nam đang thiết lập chính sách phát triển băng rộng, trong đó sẽ nâng cao việc sử dụng băng tần, kể cả băng tần đã cấp phép và băng tần chưa cấp phép.
Ông Hoan cho rằng nhu cầu hiện tại của Việt Nam không chỉ là đảm bảo phổ cập băng rộng ở thành phố, mà cả ở các khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa. Vì thế, cần có chính sách hợp lý, giải pháp phân tích, tính toán chính xác nhu cầu về băng rộng và sử dụng tần số, làm thế nào để có thể sử dụng những tần số đang dùng hiện nay cho các dịch vụ khác.
“Thủ tướng đã quyết định sẽ thực hiện cơ chế đấu giá cấp phép băng tần. Hiện nay, Cục Tần số đang xây dựng hồ sơ đấu giá và dự kiến phiên đấu giá sẽ tiến hành chậm nhất vào đầu 2016, thậm chí nếu nhanh có thể sẽ diễn ra vào cuối năm 2015 này”, ông Hoan cho biết.
Kế hoạch đấu giá băng tần 4G của Việt Nam được các chuyên gia Samsung rất quan tâm. Ông Hoan chia sẻ thêm: “Chúng tôi có thể sẽ thực hiện việc bán đấu giá đối với băng tần 2.3 GHz và 2.6 GHz, còn đối với băng tần 850/900/1800 MHz, chúng tôi muốn xem xét thỏa thuận với các doanh nghiệp để phân bổ lại. Bộ TT&TT sẽ tiến hành để các doanh nghiệp có thể sớm sử dụng các băng tần này”.
Các chính sách về băng tần của Việt Nam sẽ phải đảm bảo luôn có băng tần và sử dụng hiệu quả băng tần cho các dịch vụ di động, thúc đẩy việc triển khai các mạng di động sử dụng các băng tần dưới 1 GHz. Ngoài ra, một trong những chính sách lớn của Việt Nam về tần số là hài hòa tần số khu vực và quốc tế, tạo điều kiện cho người dân sử dụng dịch vụ, nhắm tới việc phổ cập băng rộng trong nước và phối hợp tần số quốc tế tốt hơn.
Một hướng đi nữa đang được Việt Nam triển khai là thúc đẩy mạnh số hóa truyền hình. Dự kiến, đến năm 2020 tất cả các khu vực, tỉnh thành ở Việt Nam sẽ hoàn thành số hóa truyền hình. Tuy nhiên, đến năm 2018, về cơ bản các tỉnh, thành ở đồng bằng đã kết thúc việc số hóa truyền hình. Việc triển khai số hóa truyền hình sẽ giúp sớm giải phóng băng tần truyền hình cho di động. Vì thế, Việt Nam đang xem xét khả năng có thể cấp phép phát triển băng rộng trong băng tần truyền hình trước năm 2018, để sớm triển khai LTE ở băng tần thấp.
Ông Joon Ho Park, Phó Chủ tịch cấp cao của Samsung, phụ trách marketing và bán hàng, cho biết, công nghệ LTE trên thế giới đã rất phổ biến. Năm 2013, thế giới có khoảng 200 triệu thuê bao LTE, và đã tăng lên 450 triệu thuê bao trong năm 2014. Dự kiến, số lượng thuê bao LTE trên thế giới sẽ đạt 830 triệu vào năm 2015. Sự phân bổ thuê bao LTE cũng ngày càng đồng đều hơn giữa các khu vực, chứ không chỉ tập trung vào một số quốc gia. Thực tế này cho thấy xu hướng phát triển của công nghệ 4G LTE và những ưu việt của công nghệ này. Ông Park cho biết Samsung vốn nổi tiếng là một nhà sản xuất smartphone, các thiết bị di động, tivi, bán dẫn, tuy nhiên, Samsung cũng là một công ty đi đầu về các thiết bị mạng, đặc biệt là về các thiết bị LTE và 5G. “Samsung luôn mong muốn xây dựng quan hệ tốt đẹp với các nhà mạng Việt Nam và với chính phủ Việt Nam”, ông Park nói.
Hiện nay Samsung đang có 2 nhà máy ở Việt Nam, một nhà máy tại tỉnh Bắc Ninh và một nhà máy tại tỉnh Thái Nguyên, với trên 84.000 nhân sự người Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu của Samsung tại Việt Nam ra thế giới trong năm qua đạt 26,3 tỷ USD. Samsung nhận định Việt Nam sẽ là khu vực sản xuất smartphone lớn của thế giới. Công ty khẳng định sẽ đóng góp vào quá trình công nghiệp hóa tại Việt Nam, vào các ngành phụ trợ, đào tạo nguồn nhân lực tại Việt Nam. Samsung đã xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển ở Việt Nam, với trên 1.200 nhân viên.
>> BizChart: Doanh số khủng của ba đại gia viễn thông 2014
Theo Bảo Bình