Sân bay Changi: “Sân nhà” của khách Việt

26/02/2012 16:06 PM |

Sân bay quốc tế Changi ở đảo quốc Singapore hiện là “cổng vào” hải ngoại đón nhận nhiều nhất các chuyến bay khởi hành từ Việt Nam.

Năm 2011 vừa qua, Changi mừng trọn 30 năm tuổi đời với kỷ lục đón tiếp hơn 46,5 triệu lượt hành khách. Vậy mà khi đến, đi hoặc quá cảnh sân bay này, hành khách luôn cảm thấy chuyến lữ hành của mình thật thoải mái.

Đón 46,5 triệu lượt hành khách

Có rất nhiều khả năng khi đọc bài này thì bạn cũng đang hoặc sắp cất cánh bay đến sân bay quốc tế này ở Singapore. Vì hiện nay, trung bình mỗi tuần có 112 chuyến bay từ khởi hành từ Tân Sơn Nhất bay đến Changi, cung ứng bởi 5 hãng, gồm hai hãng hàng không quốc gia (Vietnam Airlines và Singapore Airlines) và ba hãng bay giá rẻ (Tiger Airways, Jetstar Asia, Lion Air dừng chân trên đường bay tiếp đến Jakarta).

Còn từ Nội Bài, số chuyến bay hàng tuần trực chỉ đảo quốc Singapore là 39, khai thác bởi Vietnam Airlines, Singapore Airlines, Tiger Airways và Jetstar Asia.

Sau khi hạ cánh xuống Changi, có thể bạn cùng nhiều hành khách khác làm thủ tục nhập cảnh Singapore để đi du lịch, du học, làm ăn, mua sắm, giải trí... và số khác thì nối chuyến bay đến Jakarta, Kuala Lumpur, các thành phố ở Úc, New Zealand, châu Âu, Bắc Mỹ, châu Phi...

Changi hiện là điểm đến/đi của các máy bay của hơn 100 hãng hàng không nối kết Singapore với 210 thành phố ở 60 nước và vùng lãnh thổ. Dĩ nhiên từ Singapore, hành khách có thể bay đến 9 nước còn lại trong khối ASEAN.

Với hai đường băng, ba nhà ga hàng không (được thiết kế xây dựng đủ khả năng xử lý 70 triệu lượt hành khách/năm), năm qua là năm Changi mừng sinh nhật thứ 30 với kỷ lục tiếp đón 46,5 triệu lượt hành khách (tăng 10,7% so với năm 2010) và xử lý 1,87 triệu tấn hàng hóa (tăng 2,8%).

Năm 2011, Changi đón thêm 7 hãng hàng không (gồm Air Macau, Hong Kong Airlines, Finnair của Phần Lan, TransAsia Airways của Đài Loan, Lao Airlines, IndiGo của Ấn Độ), cộng chung tiếp nhận 302.000 lần máy bay cất cánh/hạ cánh, tăng 14,5%.

Cửa hàng mỹ phẩm, T2, Changi - Ảnh: Alice
Đáng kể nhất là riêng tháng cuối năm vừa qua, sân bay này đã tiếp 4,53 triệu lượt hành khách (tăng 11,4% so với tháng 12/2010), trong đó chỉ một ngày 17/12, xử lý đến 165.000 lượt hành khách, phá kỷ lục xử lý 148.000 lượt hành khách ghi nhận ngày 19/6/2011.

Sang đầu năm 2012, trung bình mỗi tuần, Changi tiếp nhận hơn 6.300 chuyến bay lên lịch (tức chưa tính đến các chuyến bay thuê bao, chuyến bay bất thường...), tăng 16,7% so với tháng đầu năm 2010. Năm thành phố nhận nhiều chuyến bay khởi hành từ Changi nhất gồm có Jakarta, Hồng Kông, Kuala Lumpur, Bangkok và Manila.

Những điểm đến mới mở ra thời gian gần đây với việc khởi hành từ Changi gồm có Helsinki, Phần Lan, khai thác bởi hãng Finnair với tần suất 7 chuyến/tuần; Frankfurt-New York với máy bay A380 của Singapore Airlines; Barcelona-Sao Paolo với 3 chuyến/tuần của Singapore Airlines... và sắp tới đây là Darwin ở miền bắc nước Úc, bởi SilkAir (trực thuộc Singapore Airlines).

Người dân châu Á ngày càng du hành nhiều hơn, châu Á thu hút nhiều du khách, thương nhân và nhà đầu tư ngoại quốc hơn và thời điểm thực thì Bầu trời ASEAN mở rộng kể từ năm 2015 càng đến gần hơn. Trong bối cảnh này, Changi đang tính đến việc phải xây dựng cảng hàng không thứ tư.

Riêng trong năm qua, Changi đã vinh dự nhận thêm 23 giải của những tổ chức chuyên ngành vận tải hàng không và các tạp chí lữ hành, du lịch rất có uy tín. Sau ba thập niên hoạt động, số giải mà sân bay này đã thu thập được lên đến 390, trong đó có 24 năm liền được độc giả của tạp chí Business Traveller (bản phát hành ở Anh) bình chọn là Sân bay xuất sắc nhất thế giới.

Trục chính của nhiều LCC

Nhà gà T3, Changi - Ảnh: Hải Triều
Cũng rất đáng kể là bây giờ Changi còn là một cái trục hàng đầu châu Á của nhiều hãng hàng không giá rẻ (LCC). Hiện nay, cứ trong 4 hành khách qua lại Changi thì có 1 là bay với hãng giá rẻ (năm 2010, tỷ lệ này là 5/1).

Nhà ga hàng không dành riêng cho các hãng bay giá rẻ Budget Terminal đã đi vào hoạt động hồi năm 2003 với ba hãng Tiger Airways, ValueAir và AirAsia. Bảy năm sau, nhà ga này đã là điểm đến/đi của 11,9 triệu lượt hành khách (tăng 26,3%) với 13 hãng hàng không của 6 nước.

Nếu mọi chuyện diễn biến đúng theo kế hoạch thì từ tháng 6/2012, Budget Terminal lại là “nhà” của thêm một LCC. Đó là Scoot, một hãng bay xa giá rẻ trực thuộc hãng Hàng không Quốc gia Singapore Airlines. Đường bay đầu tiên của Scoot sẽ là Sydney, khai thác bằng máy bay thân rộng Boeing 777-200.

Tiện ích ở Changi

Tại Changi, được nhiều hành khách mô tả là “ốc đảo yên lành”, hiện có một số dịch vụ tiện ích tưởng khó tìm thấy được ở những sân bay quốc tế khác trên thế giới.


Chẳng hạn, 5 khu vườn nhiệt đới sẵn sàng đón bạn vào ngắm hoa lan (Terminal 2), hoa hướng dương (sân thượng, tầng 3, Terminal 2), xương rồng (tầng 3, Departure Transit Lounge), ngắm rất nhiều loại bướm lạ (Terminal 3).


Nếu phải chờ nhiều tiếng đồng hồ mới đến giờ bay nối chuyến tiếp theo, bạn có thể mua vé xem phim mới phát hành trên màn ảnh lớn ở Terminal 2 và Terminal 3.


Muốn được đàn cá “massage” làm sạch đôi bàn chân, bạn cứ tìm vào phòng khách khu vực quá cảnh ở Terminal 1. Bạn có thể tha hồ chơi game với Xbox 360, Playstation 3 miễn phí ở nhiều trạm rải khắp các nhà ga.


Còn trong nhà ga số 2 có sẵn các góc thưởng thức nhạc trong những không gian nhỏ nhưng êm ấm. Thích hương vị thơm ngon của cacao, chocolat và cần mua bánh kẹo làm quà mang về nhà, bạn tìm đến Guylian Belgium Chocolate Café ở nhà ga số 3.


Đây là điểm café chocolate Bỉ độc nhất vô nhị trong hàng ngũ các sân bay lớn khắp thế giới, phục vụ 24 tiếng mỗi ngày và bảy ngày trong tuần.


Còn muốn thưởng thức Singapore Sling, cocktail nổi tiếng của đảo quốc, địa chỉ phải tìm đến là khách sạn quá cảnh ngay trong sân bay Ambassador Transit Hotel.

Tại đây, bạn cũng có thể mua vé bơi trong hồ bơi trên sân thượng, mở cửa từ 6 giờ sáng đến 11 giờ đêm, hoặc tắm mát với nước mưa nhiệt đới.


Từ tháng 4/2010, những người thích ngắm máy bay cất cánh/hạ cánh đã có thêm địa chỉ mới để được thỏa mãn: tại tầng 3, Terminal 2 có Không gian Hàng không (Aviation Gallery) với hơn 600 mô hình những chiếc máy bay vẫn hằng ngày lên, xuống sân bay Changi.


Và nếu bạn muốn trở thành triệu phú đôla thì đừng quên tham gia chương trình mua hàng miễn thuế trúng thưởng Be a Changi Millionaire.


Ngày 12/2 vừa qua, nữ kỹ sư Jessica Down người Úc đã là người may mắn nhất (được 1 triệu đôla Singapore sau khi mua chai nước hoa Paco Rabanne Lady Million và một số mỹ phẩm khác ở cửa hàng dầu thơm-mỹ phẩm miễn thuế, trong nhà ga số 1) trong tổng số 1,8 triệu hành khách đã tham gia chương trình này trong năm qua.

 

Theo P.DŨNG NGUYỄN 

Doanh nhân Sài Gòn

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM