Rác thải điện tử - công nghiệp tỷ đô: Interpol vào cuộc
Việc mua bán rác điện tử vẫn diễn ra bất chấp Công ước quốc tế Basel được thông qua vào năm 1989 nhằm ngăn chặn các nước giàu đổ rác sang các nước nghèo. Cuối năm 2012, Interpol đã tiến hành một chiến dịch lớn tấn công vào ngành thương mại bất hợp pháp này.
Những nỗ lực ngăn chặn
Năm 1987, một nhà buôn Italia đã gây ra sự phẫn nộ quốc tế khi trút 8.000 thùng rác thải vào làng Koko ở Nigeria. Sau vụ bê bối Koko, Công ước Basel đã được thông qua vào năm 1989 làm nền tảng cho những nỗ lực quốc tế nhằm quản lý ngành thương mại rác thải, ngăn chặn các nước giàu đổ rác thải độc hại sang các nước nghèo.
Tuy nhiên, bất chấp Công ước Basel, những người buôn bán rác thải điện tử vẫn tìm được cách luồn lách, tiếp tục kinh doanh mặt hàng siêu lợi nhuận này. Tháng 10-2011 đánh dấu một bước tiến quan trọng của Công ước Basel khi hướng tới một lệnh cấm chung về xuất khẩu chất thải độc hại bao gồm cả phế liệu điện tử.
Ngày 9-1-2013, Nigeria đã phạt 1 triệu USD đối với những nhà nhập khẩu đang tìm cách nhập 2 container chất đầy các loại rác thải điện tử gồm tivi, máy tính, lò vi ba và dàn âm thanh nổi được gởi trên chuyến tàu xuất phát từ Tilbury ở Anh. Trong 3 năm gần đây, đã có 5 trường hợp như thế xảy ra.
Dù là nhập khẩu dưới danh nghĩa tái sử dụng hay tái chế đi nữa, nhưng ở nhiều nước, người nhập không hề làm theo cam kết. Chẳng hạn tại Nigeria, hầu hết rác tivi và máy tính nhập về sẽ bị đổ bỏ ra bãi rác. Để đối phó, Quốc hội Nigeria hiện đang xem xét một dự luật cấm việc lưu thông tất tần tận mọi thứ rác thải điện tử.
Ở Trung Quốc, cảnh sát cũng bắt đầu tích cực hơn trong việc kiểm soát, tịch thu các loại rác thải điện tử. Ngành công nghiệp rác điện tử phát đạt ở Guiyu rõ ràng đã gây tổn hại môi trường, nhưng làm sao để làm sạch nó mà vẫn duy trì nguồn sống cho cư dân địa phương thật sự là vấn đề nan giải đối với nhà chức trách.
Chiến dịch enigma
Diễn biến ngày càng phức tạp của ngành kinh doanh rác thải điện tử bất hợp pháp đã buộc Interpol phải ra tay. Trong 2 tháng cuối năm 2012, Interpol lần đầu tiên mở một chiến dịch quy mô lớn gọi là Enigma nhắm vào hoạt động mua bán rác thải điện tử bất hợp pháp ở châu Âu và châu Phi.
Trong lần ra quân này, Interpol đã bắt giữ hơn 240 tấn thiết bị điện - điện tử, đồng thời khởi động các cuộc điều tra hình sự đối với khoảng 40 công ty có liên quan trong tất cả các phương diện của ngành kinh doanh bất hợp pháp này. Chiến dịch Enigma đã huy động sự tham gia của một lực lượng hùng hậu bao gồm cảnh sát, hải quan, cảng vụ và các cơ quan thực thi pháp luật về môi trường và hàng hải trong 7 quốc gia châu Âu và châu Phi.
Chiến dịch đặt mục tiêu xác định và phá vỡ những hoạt động bất hợp pháp thu gom, tái chế, xuất khẩu, nhập khẩu và vận chuyển các sản phẩm điện tử bỏ đi như máy tính, tivi và các thiết bị điện tử khác, trước khi chúng được đổ vào bãi rác hoặc những nơi khác mà chúng có thể gây ra thiệt hại môi trường nghiêm trọng.
Các bước kiểm tra được thực hiện tại các cảng chủ chốt ở Bỉ, Đức, Hà Lan, Vương quốc Anh của châu Âu - khu vực được coi là nguồn phổ biến của các loại rác thải điện tử đang chu du quốc tế, và ở Ghana, Guinea, Nigeria ở châu Phi - một khu vực được coi là bãi đáp ưa thích của các thứ rác thải này. Kết quả gây sốc khi gần 1/3 các cuộc kiểm tra đã dẫn đến việc phát hiện ra các chất thải điện tử bất hợp pháp.
Chiến dịch Enigma đã tranh thủ được nhiều hành động phối hợp giữa các nước tham gia. Thí dụ, chính quyền Bỉ đã bắt giữ và trả về Hà Lan khoảng 100 tấn chất thải điện tử bất hợp pháp. Thông tin này được chia sẻ với Dịch vụ Điều tra và Tình báo của Cơ quan Thanh tra Giao thông vận tải và Môi trường con người, Cảnh sát Hà Lan và Văn phòng Công tố viên.
Chiến dịch Enigma cũng phát hiện bằng chứng cho thấy những phương pháp che giấu mới được sử dụng bởi các cá nhân và các công ty liên quan đến việc buôn bán bất hợp pháp rác thải điện tử. Những thông tin quý báu này sẽ giúp cộng đồng thực thi pháp luật quốc tế hành động hướng tới việc loại bỏ các hoạt động bất hợp pháp.
Giám đốc Chương trình Tội phạm môi trường Interpol David Higgins phát biểu: “Sau chiến dịch Haz của Interpol trong năm 2009 và 2010 nhắm vào hoạt động vận chuyển trái phép vật liệu nguy hiểm, chiến dịch Enigma là một minh chứng mới về sự nỗ lực liên tục của Interpol chống lại mọi hình thức tội phạm gây ô nhiễm xuyên quốc gia.
Khi nói đến rác thải điện tử, quốc gia bãi đáp phải chịu một gánh nặng không cân xứng, và chúng tôi muốn hỗ trợ họ phát triển các phương tiện cần thiết để đối phó với nó”.
Chiến dịch Enigma nằm trong Dự án Eden của Chương trình Tội phạm Môi trường, nhằm hỗ trợ các nước giải quyết nạn buôn bán trái phép chất thải nguy hại xuyên quốc gia bằng sự phối hợp can thiệp của nhiều cơ quan và hoạt động tình báo.
Giám đốc Các chiến dịch của Chương trình Tội phạm Môi trường Marco Araujo de Lima đánh giá: “Giải quyết vấn đề buôn bán trái phép chất thải điện tử cần có sự hợp tác đáng kể giữa nước xuất khẩu và nước bãi đáp. Enigma mang một ý nghĩa lớn vì nó cho cộng đồng quốc tế thấy rằng có sự sẵn sàng giữa các quốc gia thành viên trong việc hợp tác để đối phó mối đe dọa thời hiện đại đối với môi trường và an ninh toàn cầu”.
Theo Theo Sài Gòn đầu tư
Copy link
Link bài gốc
Lấy link!