Quyền mặc cả của Taylor Swift lớn tới đâu?

24/06/2015 15:44 PM | Kinh doanh

Thời Đại học, trong năm học đầu tiên, tôi có bài kiểm tra môn Kinh Tế Học mà lại trùng với ngày phỏng vấn xin thực tập. May mắn thay, giáo sư cho tôi làm bù bằng cách trả lời trực tiếp các câu hỏi của ông. Một câu hỏi trong số đó mà tôi nhớ nhất chính là: "Thế nào là 'hai bên độc quyền'?"

Nghe câu hỏi thì có vẻ rất mâu thuẫn vì độc quyền sao lại còn có 'hai bên'? Thực chất, một thị trường có giá cả được quyết định bởi đàm phán giữa bên mua và bên bán đều có quyền lực được gọi là "hai bên độc quyền" (bilateral monopoly). Vậy ai là người sẽ thắng buổi đàm phán? Đương nhiên là người có "tiếng nói" hơn.

Điều làm tôi nhớ tới khái niệm này chính là những nhượng bộ gần đây của Apple để đáp ứng yêu cầu của cô ca sĩ trẻ nổi tiếng Taylor Swift về vấn đề không trả tiền nghệ sĩ trong 3 tháng thử nghiệm. Taylor đã tuyên bố sẽ rút các tác phẩm của mình ra khỏi hệ thống của Apple để phản đối chính sách vô lý của ông lớn này.

Vì sao Apple nhượng bộ?

Apple lên kế hoạch sẽ tung ra Apple Music - cửa hàng cho tải nhạc giống iTunes nhưng người dùng sẽ mất thêm 10 USD phí đăng ký mỗi tháng - vào ngày 30/06, theo tờ báo New York Times cho hay.

 

Apple đã nhượng bộ vấn đề này vì họ có ít quyền mặc cả hơn Taylor Swift. Tại sao lại vậy? iTunes của Apple đang mất một lượng khách hàng cho Spotify và các dịch vụ cung cấp nhạc khác; thêm vào đó, Taylor đã từng không gần ngại tẩy chay Spotify nên sẽ không ngạc nhiên nếu cô ấy dám làm điều tương tự với Apple. Vì thế nếu Apple mất đi các sản phẩm âm nhạc của Taylor - đang được giới trẻ rất yêu thích - thì việc giành lại thị phần sẽ càng khó khăn hơn.

Toàn bộ sự việc này được tóm gọn như sau, vào ngày 21/06/2015, Taylor đã nói rằng cô ấy sẽ không tung ra album mới nhất "1989" trên hệ thống của Apple vì hệ thống này từ chối trả phí cho các nghệ sĩ trong 3 tháng thử nghiệm miễn phí của khách hàng.

Sau khi đọc được thông báo của Taylor trên Tumblr, Eddie Cue (người chịu trách nhiệm hệ thống tải nhạc mới của Apple) đã lập tức tuyên bố sẽ trả đầy đủ phí bản quyền âm nhạc kể cả trong giai đoạn thử nghiệm.

Khác với Spotify, hệ thống cho khách hàng nghe nhạc miễn phí hoặc trả phí để loại bỏ quảng cáo, hệ thống trả phí đăng kí của Apple không có chế độ miễn phí nào cả.

Quyền mặc cả của Taylor Swift đến từ đâu?

Taylor Swift, có bố là phó giám đốc tại Merrill Lynch và mẹ làm việc tại một quỹ đầu tư chung uy tín, đã tích luỹ được một lượng quyền mặc cả đáng kể kể từ khi cô được sinh ra năm 1989.

Tổng khối tài sản của cô tính tới thời điểm mùa thu năm ngoái là 196 triệu UDS. Tờ Vulture cho hay, Taylor kiếm được 239 triệu USD vào khoảng từ 2008 đến 2014 và cô sở hữu 86 triệu USD tài sản bất động sản cùng các loại máy bay. Vulture đã loại ra 94,6 triệu USD tiền thuế và 15% phí quản lý và nhân sự trong các khoản này và đưa ra con số cuối cùng là 196 triệu USD.

Nhưng khối lượng tài sản lớn không phải là điểm mấu chốt dẫn tới việc Taylor có một quyền mặc cả mạnh mẽ mà chúng ta phải nhìn vào vị trí trong thị trường âm nhạc và nguồn gốc thu nhập của cô.

Các album âm nhạc của Taylor liên tục đứng trong top đầu góp phần đóng góp vào con số 206 triệu USD cô kiếm được từ việc đi diễn, bán album và bản download.

Các buổi concert chiếm 52% thu nhập của Taylor. Trong năm 2013, cô kiếm được 108 triệu USD từ việc đi lưu diễn cho album Red, Speak Now, và Fearless. 48% còn lại là từ việc bán album và các bản download. Billboard đã nhấn mạnh rằng Taylor đã bán đc hơn 30 triệu bản album và 75 triệu bản download đơn.

Vulture thống kê được Swift kiếm được 78 triệu USD từ việc bán album và 19 triệu USD từ việc bán các bản download. Như vậy cho thấy, Taylor kiếm được nhiều hơn từ việc bán album so với bán bản download online.

Trong năm 2014, Taylor đã rút khỏi Spotify - hệ thống cung cấp nhạc miễn phí cho người dùng - vì tháng 11 năm 2014, cô chỉ kiếm được vỏn vẹn 500.000 USD từ Spotify, chẳng bõ bèn gì so với chi phí làm nhạc. Các nghệ sĩ được trả nhiều hơn trên hệ thống iTunes của Apple.

 

Tuy nhiên bởi vì lấy nhạc từ các nguồn online khác như Spotify rẻ hơn nhiều so với iTunes nên lợi nhuận của Apple đã sụt giảm đáng kể, khoảng 13 - 14% trong năm 2014, theo thống kê của Wall Street Journal. Spotify có tới 60 triệu người dùng và 25% trong số này chịu chi 10 USD mỗi tháng để tránh quảng cáo. Hãng này chiếm tới 50% doanh thu toàn thị trường.

Sẽ rất đáng trông đợi để theo dõi xem Apple làm thế nào để vừa trả tiền bản quyền cho các nghệ sĩ lại vừa cung cấp dịch vụ miễn phí cho khách hàng. Nhưng chắc chắn có thể thấy được, những phàn nàn của Taylor Swift sẽ khiến Apple phải tốn một khoản kha khá để giành lại lượng thị phần đã mất vào tay Spotify trong thời gian sắp tới đây.

Bích Liên

Cùng chuyên mục
XEM