Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh: Chính phủ đủ nguồn lực kiểm soát tỉ giá

17/08/2015 21:43 PM | Kinh doanh

Dự trữ ngoại hối tăng, nợ công và nợ nước ngoài trong tầm kiểm soát, chính sách tiền tệ, tỉ giá trong tầm kiểm soát

Phát biểu tại diễn đàn kinh doanh “Vượt lên dẫn đầu – Taking the lead” và lễ vinh danh 50 công ty niêm yết tốt nhất do Forbes Việt Nam tổ chức ngày 17-8, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh thông báo đến các doanh nghiệp rằng 6 tháng đầu năm 2015, nền kinh tế đã lấy lại được đà phục hồi, tăng trưởng đặt mức 6,28%, cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Dự trữ ngoại hối tăng, nợ công trong tầm kiểm soát, chính sách tiền tệ, tỉ giá trong tầm kiểm soát.

“Gần đây, khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, đã có những tác động đến thị trường Việt Nam. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư chắc hẳn cũng có những tâm tư, vui buồn, lo lắng, nhưng Chính phủ cam kết và khẳng định Việt Nam hiện nay có đủ khả năng, điều kiện, nguồn lực để triển khai thành công việc kiểm soát tỉ giá”, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, hiện nay cả nước có khoảng 500.000 doanh nghiệp tư nhân, dự báo năm 2015 khu vực kinh tế tư nhân sẽ đóng góp vào khoảng 30% ngân sách nhà nước và 40% GDP. Chính phủ đánh giá cao vai trò của khu vực kinh tế tư nhân và cam kết kiên trì theo đuổi mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, trên cơ sở đó đẩy mạnh những cải cách thủ tục hành chính. Thể chế kinh tế thị trường cũng đang được Chính phủ tiếp tục hoàn thiện nhằm tạo môi trường thuận lơi, bình đẳng, cạnh tranh cho các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cho biết Việt Nam sẽ tiếp tục hội nhập sâu rộng vào thị trường thế giới trong khuôn khổ pháp lý và cam kết phù hợp với Hiến pháp và pháp luật Việt Nam. Đồng thời thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế, đẩy mạnh việc tái cơ cấu đầu tư công, cổ phần hóa doanh nghiệp (đặc biệt là doanh nghiệp Nhà nước), tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng, ngân hàng, tài chính đảm bảo cho tổ chức tín dụng tài chính hoạt động lành mạnh.

Ông Nguyễn Bảo Hoàng – Chủ tịch Công ty TNHH Truyền thông Tương tác Forbes Việt Nam nhận định nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng chắc chắn với những dấu hiệu tích cực ở hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế. Doanh nghiệp từ sản xuất, thương mại tới bán lẻ đều đang mở rộng hoạt động, đặc biệt trong khối FDI. Thị trường bất động sản có nhiều chuyển biến tốt, trong khi hệ thống ngân hàng cũng đang mạnh khỏe dần lên nhờ vào những nỗ lực tái cơ cấu gần đây.

“Thêm vào đó, viễn cảnh tham gia vào Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương TPP và một số hiệp định thương mại quốc tế khác đang đưa đến cơ hội đặc biệt cho doanh nghiệp tăng trưởng và vượt lên dẫn đầu, không chỉ tại thị trường nội địa mà cả khu vực và quốc tế”, ông Nguyễn Bảo Hoàng nói.

Ông Vũ Tiến Lộc – Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết qua một điều tra của VCCI gần đây cho thấy niềm tin của doanh nghiệp đang trở lại. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn nhiều vấn đề như khoảng 2% doanh nghiệp quy mô vừa, 96% nhỏ và siêu nhỏ, khu vực kinh tế cá thể tạo ra 33%. Điều này cho thấy sự manh mún trong nền kinh tế khá lớn.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, việc có rất ít doanh nghiệp lớn trong nền kinh tế là điều dễ hiểu nhưng số doanh nghiệp vừa chỉ chiếm 2% thì đây chính là vấn đề. Còn nhìn vào từng khu vực cụ thể của nền kinh tế, có trên 1.000 DN nhà nước sở hữu 100% vốn, nhưng cũng có quá ít doanh nghiệp thành công. Hiện nay có bất cập là cơ chế các Bộ ngành can thiệp vào việc điều hành các doanh nghiệp Nhà nước. Còn doanh nghiệp FDI không kết nối được vào nền kinh tế nội địa vì khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu đến từ các DN FDI, nhiều ngành hàng xuất khẩu có đến 90% phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.

Tại khu vực tư nhân trong nước, có nhiều doanh nghiệp đã cạnh tranh được với doanh nghiệp thế giới. Tuy nhiên đa số doanh nghiệp lớn lại đầu tư nhiều vào lĩnh vực ngân hàng, bất động sản, rất ít đầu tư sản xuất hàng công nghiệp “made in VN”. Quy mô cũng như khả năng quản trị của DN chưa tương xứng. Việt Nam cũng đang thiếu nền công nghiệp hỗ trợ. Khu vực các doanh nghiệp không kết nối được với nhau nên không sản sinh nhiều giá trị gia tăng cho nền kinh tế.

Ông Marco Breu – Giám đốc quốc gia Công ty McKinsey Việt Nam cho biết ông cảm nhận thấy năm 2015 là thời điểm những khởi đầu mới được mở ra. Theo đó, rất nhiều các ngành nghề như công nghệ, sản xuất, tiếp thị… và các doanh nghiệp khởi nghiệp đang phát triển với tốc độ nhanh chóng. Tất nhiên, Việt Nam có lợi thế là đội ngũ nhân công rẻ nhưng cũng phải cần tăng hiệu suất sản xuất. Đa số Việt Nam phải tái cấu trúc để có thể vươn mình lên tầm các doanh nghiệp quốc tế.

Ông Phạm Hồng Hải – Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cho rằng hiện nay đa số ngân hàng không ưu đãi doanh nghiệp vừa và nhỏ mà chỉ ưu tiên cho khách hàng lớn vay để tăng doanh thu và giảm rủi ro nợ xấu. Do đó nếu chỉ trông cậy vào các ngân hàng tự thay đổi chính sách để cung cấp vốn cho doanh nghiệp thì rất khó mà Chính phủ cần có biện pháp để các ngân hàng mạnh dạn hơn trong việc cho vay với doanh nghiệp vừa và nhỏ có dự án tốt. Ngoài ra, việc phát triển thị trường vốn từ các kênh huy động tiền trong dân cư như Quỹ hưu trí, Quỹ đầu tư mạo hiểm… cũng rất bức thiết. Nếu không thì 5 – 10 năm sau nguy cơ nợ xấu trở lại cũng rất cao.

Ông Mai Hữu Tín – Chủ tịch, CEO Công ty CP đầu tư U&I đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong việc đàm phán các hiệp định thương mại tự do. Tuy nhiên ông kiến nghị Nhà nước cần ưu tiên giải quyết những thách thức các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gánh như: Chi phí vốn luôn cao, khó thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, chi phí không chính thức, chi phí logistic cũng tạo gánh nặng lớn, khả năng quản trị kém. Ông Tín nêu ví dụ điển hình là doanh nghiệp Việt Nam có 2.500 lao động với vốn đầu tư 10 triệu USD chỉ sinh lời khoảng 3%/doanh số. Trong khi doanh nghiệp FDI chỉ sử dụng 1.000 lao động với vốn đầu tư 15 triệu USD thì tỉ suất sinh lời là 10% .

Bà Sommathai Panichewa – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Amata Việt Nam cho biết chi phí tại Thái Lan ngày càng cao nên doanh nghiệp Thái đang tìm kiếm địa điểm đầu tư mới. Bà đánh giá chính sách kinh tế của Việt Nam đặc biệt là chính sách tiền tệ và tỉ giá rất ổn định, đây là điều rất quan trọng đối với các nhà đầu tư nước ngoài như Amata để tính đến việc đầu tư lâu dài.

Danh sách 50 Công ty niêm yết tốt nhất do Forbes Việt Nam bình chọn:

BẢO HIỂM:

Bảo Việt (BVH, HOSE)

Bảo hiểm ngân hàng BIDV (BIC, HOSE)

NGÂN HÀNG:

Vietcombank (VCB, HOSE)

Ngân hàng Quân đội (MBB, HOSE)

CHỨNG KHOÁN:

Chứng khoán TP.HCM (HCM, HOSE)

Chứng khoán Sài Gòn (SSI, HOSE)

BẤT ĐỘNG SẢN, XÂY DỰNG & HẠ TẦNG:

Vingroup (VIC, HOSE)

Nam Long (NLG, HOSE)

Hà Đô (HDG, HOSE)

Coteccons (CTD, HOSE)

Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII, HOSE)

Kỹ thuật nền móng & Công trình ngầm Fecon (FCN, HOSE)

DẦU KHÍ

Khoan & Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD, HOSE)

Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS, HNX)

Dung dịch khoan & Hoá phẩm Dầu khí (PVC, HNX)

BÁN LẺ & CÔNG NGHỆ

PNJ (PNJ, HOSE)

FPT (FPT, HOSE)

Thế Giới Di Động (MWG, HOSE)

HÀNG HÓA GIA DỤNG

Thiên Long (TLG, HOSE)

Dệt may Thành Công (TCM HOSE)

Bóng đèn Điện Quang (DQC, HOSE)

Dây cáp điện Việt Nam (CAV, HOSE)

Bóng đèn phích nước Rạng Đông (RAL, HOSE)

F&B

Kinh Đô (KDC, HOSE)

Vinamilk (VNM HOSE)

CHĂM SÓC SỨC KHỎE

Dược Hậu Giang (DHG, HOSE)

Traphaco (TRA, HOSE)

LOGISTIC

Ánh Dương Việt Nam (VNS, HOSE)

Cảng Đình Vũ (DVP, HOSE)

Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (NCT, HOSE)

NÔNG NGHIỆP & NGÀNH PHỤ TRỢ

Vĩnh Hoàn (VHC, HOSE)

Hùng Vương (HVG, HOSE)

Đạm Phú Mỹ (DPM, HOSE)

Giống cây trồng Trung ương (NSC, HOSE)

ĐA NGÀNH

Hoàng Anh Gia Lai (HAG, HOSE)

Masan Group (MSN, HOSE)

Cơ điện lạnh (REE, HOSE)

VẬT LIỆU XÂY DỰNG

Hoa Sen (HSG, HOSE)

Hòa Phát (HPG, HOSE)

Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP, HNX)

Nhựa Bình Minh (BMP, HOSE)

Xi măng Hà Tiên 1 (HT1, HOSE)

Đá ốp lát cao cấp (VCS, HNX)

TIỆN ÍCH

Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS, HOSE)

Nhiệt điện Phả Lại (PPC, HOSE)

PHỤ TÙNG Ô TÔ

Pin Ắc quy Miền Nam (PAC, HOSE)

Hóa dầu Petrolimex (PLC, HNX)

Cao su Đà Nẵng (DRC, HOSE)

Cao su Miền Nam (CSM, HOSE)

Duy Khánh

Cùng chuyên mục
XEM