Nông nghiệp Việt chủ động trong sân chơi hội nhập

09/01/2016 13:34 PM | Kinh doanh

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, Bộ NN&PTNT nhìn nhận đây là cơ hội, cũng như thách thức của toàn ngành và đã đề ra nhiều giải pháp để chuẩn bị cho hội nhập. Trong đó, thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật; thu hút FDI đầu tư vào nông nghiệp… là những nội dung trọng tâm.

Thúc đẩy tái cơ cấu ngành, nâng cao giá trị nông sản

Hiện, Việt Nam đã tham gia đàm phán, ký kết và đang triển khai thực hiện nhiều Hiệp định FTA: Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), FTA ASEAN - Trung Quốc, FTA ASEAN - Hàn Quốc, …

Việc ký kết các hiệp định sẽ mở ra cơ hội xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào các thị trường với thuế suất giảm đáng kể và ngược lại. Tháng 10/2015, Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đạt được thỏa thuận, được dự báo sẽ tác động mạnh đến nền nông nghiệp Việt Nam.

Với Hiệp định TPP được ký kết, Bộ NN&PTNT nhận định: Thị trường xuất khẩu rộng lớn hơn, thị trường chuỗi cung cấp mới sẽ được hình thành, giúp Việt Nam giảm áp lực phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống hay bị thay đổi.

Quan trọng hơn, hầu hết các mặt hàng nông sản sẽ được giảm thuế suất xuống 0% theo lộ trình sẽ giúp Việt Nam tăng lợi thế cạnh tranh so với các nước có cùng điều kiện sản xuất. Bên cạnh đó, nền nông nghiệp sẽ thu hút được nhiều vốn ngoại trong bối cảnh nhiều năm bị suy giảm vốn đầu tư (FDI đầu tư vào nông nghiệp chỉ chiếm 1,4% tổng vốn FDI vào Việt Nam).

Chiến lược Hội nhập kinh tế ngành NN&PTNT đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, là tiền đề để ngành Nông nghiệp chuẩn bị sẵn hành trang để tham gia cuộc chơi hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo đó, ngành hàng lúa gạo vẫn giữ vai trò quan trọng và là ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Thúc đẩy liên kết doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam với doanh nghiệp của các nước nhập khẩu để xây dựng chuỗi giá trị kết nối trực tiếp với nơi tiêu thụ là một trong các giải pháp để thúc đẩy phát triển thị trường lúa gạo.

Trong năm 2015, Bộ NN&PTNT cũng đã đề ra nhiều giải pháp ngắn, trung và dài hạn để chuẩn bị cho hội nhập. Trong đó, giải pháp tổng thể chính là thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Cụ thể, với các nhóm ngành nhỏ được dự báo sẽ hưởng lợi như nông sản, thủy sản cần chủ động về lao động, vốn, đất đai và các nguyên liệu đầu vào.

Với các nhóm ngành dự báo sẽ gặp nhiều tác động bất lợi như chăn nuôi, lâm nghiệp, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành. Giảm thiểu phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, gắn chặt với các tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng theo cam kết quốc tế. Bộ cũng chủ trương thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật; tổ chức sản xuất theo chuỗi hiệu quả; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp...

Đại sứ tiếp thị nông sản

Song hành với những thuận lợi, hội nhập cũng khiến ngành nông nghiệp đối mặt với những hạn chế tồn tại: Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, hạn chế trong mô hình cánh đồng lớn và trong áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Những trang thiết bị, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, con giống… phụ thuộc vào nhập khẩu. Tất cả đều ảnh hưởng đến hai yếu tố quan trọng là chất lượng và giá cả nông sản.

Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát đã đề ra 3 nhóm giải pháp để tháo gỡ nút thắt trong sản xuất nông sản. Giải pháp đầu tiên được nêu ra là rà soát lại các chuỗi giá trị đối với những sản phẩm có thị trường, có thể mở rộng sản xuất để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp.

Nhóm giải pháp thứ hai là thực hiện đồng bộ các biện pháp để cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, làm đầu tàu thúc đẩy các chuỗi giá trị đối với các loại nông sản chủ lực để có hiệu quả cao hơn. Giải pháp thứ ba là duy trì, mở rộng thị trường xuất khẩu, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân, tạo điều kiện cho nông sản nước ta có thể xâm nhập vào các thị trường.

Bộ NN&PTNT cũng đã thực hiện nhiệm vụ kết nối, phối hợp cùng các Bộ, ngành liên quan tổ chức nhiều diễn đàn, hội nghị, hội thảo lớn trong nước và quốc tế nhằm tìm đầu ra cho các sản phẩm nông sản Việt. Từ đầu năm 2015, các loại hoa quả: Xoài, vải, thanh long… liên tiếp nhận tin vui khi xuất khẩu vào những thị trường khó tính như Mỹ, Australia, Nhật Bản...

Ngoài công sức của nông dân, doanh nghiệp, sự năng nổ của lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, đại sứ quán Việt Nam đã đóng góp không nhỏ cho thành công của những chuyến hàng Việt ra thế giới.

Đơn cử như hình ảnh vị Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường liên tiếp xuất hiện với hình ảnh cầm trên tay xoài Cát Chu, thanh long Việt trong các dịp tiếp xúc ngoại giao, đã khiến hoa quả Việt Nam trở nên thân quen hơn trong mắt bạn bè quốc tế.

Câu chuyện quan chức đứng ra quảng bá cho sản phẩm nông nghiệp nước nhà cũng không còn mới lạ. Đại sứ Việt Nam tại Úc Lương Thanh Nghị còn được gọi là “Đại sứ vải thiều”, do sự hỗ trợ nhiệt tình của ông để nâng cao hình ảnh của vải thiều, đồng thời giúp vải thiều Việt Nam có mặt tại thị trường Úc.

Theo Trần Hoàng

Cùng chuyên mục
XEM