Những quốc gia hài lòng sau tấm màn TPP

06/10/2015 11:38 AM | Kinh doanh

Sau hơn 5 năm đàm phán, đại diện từ 12 quốc gia châu Á và Mỹ cuối cùng cũng đã đạt được thỏa thuận cuối cùng cho hiệp định TPP – một hiệp định thương mại tự do đầy tham vọng và tranh cãi.

Đây là thỏa thuận thương mại đa phương sâu nhất và lớn nhất từ trước đến nay, với sự tham gia của các quốc gia chiếm tới 40% nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, nó còn trở nên quan trọng hơn nếu đạt được tham vọng “xác định quy tắc đường thương mại tại châu Á”, như đại diện của Mỹ, Michael Froman phát biểu.

Ông Froman ước tính, TPP sẽ khiến 18.000 loại thuế cho hàng hóa của Mỹ về 0. Nhưng thuế quan giảm mạnh giữa các thành viên thuộc TPP, chưa phải là thứ hấp dẫn nhất. Quan trọng hơn đó là những tiêu chuẩn tối thiểu cho quyền sở hữu trí tuệ, lao động và môi trường. Chẳng hạn, tất cả các bên sẽ phải tuân thủ theo nguyên tắc cơ bản về quyền của người lao động do tổ chức Lao động quốc tế quy định. Tương tự như vậy với vấn đề môi trường.

Những quốc gia không đạt quy định có thể bị kiện theo cơ chế tương tự việc giải quyết các trang chấp thương mại. Thậm chí, có cả những nguyên tắc cản trở các quốc gia hỗ trợ cho doanh nghiệp Nhà nước – một bước tiến lớn cho các quốc gia như Malaysia hay Việt Nam.

Có hai nhà lãnh đạo đặc biệt hài lòng sau khi TPP được ký kết. Với Barack Obama, TPP là bằng chứng cho thấy Mỹ đang chuyển “trục” hướng về châu Á. Nó cho thấy cam kết của Mỹ tiếp tục quan tâm tới khu vực này, cũng như sẵn sàng cạnh tranh với Trung Quốc. Trong năm nay, Trung Quốc đã thành công khi lôi kéo những đồng minh của Mỹ vào thành lập ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), và TPP là câu trả lời của ông Obama.

Shinzo Abe, Thủ tướng Nhật Bản, coi TPP là một cơ hội cho “mũi tên thứ ba” trong kế hoạch tái thiết nền kinh tế Nhật Bản. Những nhóm lợi ích lớn như Hội nông dân Nhật Bản sẽ không còn được nâng niu như trước. Những cơ hội xuất khẩu sang các thị trường lớn hơn đang mở ra cho Nhật Bản, đặc biệt là khi đồng Yên đang yếu như hiện nay, sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, TPP sẽ thúc đẩy giao thương giữa Mỹ và Nhật Bản – 2 nền kinh tế lớn thứ nhất và thứ ba trên thế giới.


Một số quy định TPP có phần lỏng hơn với nhóm quốc gia Australia, Canada, New Zealand. Những quốc gia này cũng đã đàm phán rất nhiều để có được sự nhượng bộ của Mỹ. Chẳng hạn, Canada vẫn giữ được quy tắc bảo hộ cho ngành ô tô cũng như New Zealand cho ngành sữa của mình.

Những thông tin đầy đủ của thỏa thuận này hiện vẫn chưa rõ ràng, và hiệp định TPP từ trước đến nay luôn được đàm phán sau một tấm màn bí mật. Mục đích của việc này đó là để quá trình ký kết dễ dàng hơn mà không bị áp lực từ phía quê nhà. Nhưng nó cũng khiến các ngành công nghiệp ở những quốc gia đàm phán cảm thấy lo lắng. Sẽ mất nhiều tuần nữa để 30 chương của hiệp định này được dịch và xuất bản đầy đủ.

Các nhà lập pháp của 12 quốc gia tham gia cũng phải đồng thuận với nội dung của hiệp định. Điều này sẽ diễn ra nhanh chóng ở những quốc gia như Nhật Bản, nơi mà đảng cầm quyền lãnh đạo đa số. Nhưng Canada sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn trong cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 19/10 tới. Một trong 3 đảng chính của quốc gia này đang vận động chiến dịch chống lại TPP, với lý do TPP sẽ phá hủy ngành nông nghiệp.

Vấn đề lớn nhất lại nằm ở nước Mỹ, khi Quóc hội sẽ có 90 ngày để xem xét lại những thỏa thuận trong Hiệp định trước khi quyết định phê duyệt (không có việc sửa đổi nào). Mặc dù đảng Cộng hòa, luôn ủng hộ tự do thương mại, đang nắm nhiều ghế ở cả Thượng viện lẫn Hạ viện, nhưng trước TPP, Đảng này cũng đang chia làm hai. Donald Trump, ứng viên của Đảng Cộng hòa tranh cử Tổng thống vào năm sau, đã miêu tả TPP là “một cuộc tấn công vào các doanh nghiệp Mỹ”. Hillary Clinton, ứng cử viên của Đảng Dân chủ, cũng đã từ chối tán thành Hiệp định này.

Những quan điểm đối lập như vậy có vẻ quá tiêu cực. Việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và phục hồi toàn cầu từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế đang khiến thương mại toàn cầu sụt giảm trong thời gian dài. Đây là vấn đề đáng lo ngại bởi thương mại vẫn là con đường tốt nhất để giúp các quốc gia nghèo khó trở nên giàu có hơn.

TPP chắc chắn sẽ giúp thúc đẩy nó, đặc biệt là với những quốc gia nghèo hơn trong nhóm. Hơn nữa, các thành viên TPP cũng tuyên bố họ sẽ tiếp tục mở ra để thêm nhiều quốc gia nữa tham gia vào hiệp định này. Điều này giúp tiềm năng của TPP không chỉ là giải phóng thương mại, mà còn là nơi thiết lập trật tự - môi trường kinh doanh, kể cả ở những nơi bị loại ra khỏi thỏa thuận này. Điểm trừ lớn nhất của TPP, lại cũng là vấn đề lớn nhất của hiệp định này, chính là sự vắng mặt của Trung Quốc.

Trang Lam

Cùng chuyên mục
XEM