Những bằng chứng cho thấy Elon Musk thực sự là một con "quái vật" trong làng công nghệ
“Tôi không kinh doanh, tôi chỉ đơn giản theo đuổi những mục tiêu của mình”.
Với khối tài sản khổng lồ lên tới 13,1 tỉ USD, Elon Musk, doanh nhân công nghệ sinh năm 1971 tại Nam Phi, chưa bao giờ nghĩ về việc kiếm tiền. Elon Musk nhắc đi nhắc lại rằng: “Tôi không kinh doanh, tôi chỉ đơn giản theo đuổi những mục tiêu của mình”.
Dù cho Musk có nói thế nào đi nữa, chúng ta cũng phải công nhận, ông đã tạo ra một khối tài sản khổng lồ, đồng thời đóng góp hết sức tích cực cho thế giới. Musk đã và đang thay đổi cách chúng ta sử dụng internet, tìm ra các giải pháp sáng tạo nhằm giải quyết các vấn đề môi trường và tính bền vững, thúc đẩy hoạt động các dự án tạo ra lợi ích vô cùng lớn cho nhân loại.
Làm việc trung bình 100 giờ mỗi tuần nhưng vẫn sống một cách hết sức khoa học, Elon Musk đang tạo nên hình mẫu mới về sự thành công trong thế kỷ 21. Ông từng được ví như Steve Jobs của thời đại công nghệ vũ trụ và năng lượng.
Chúng ta hãy cùng điểm qua 18 thứ Elon Musk đã và đang xây dựng trong hơn 10 năm qua.
1. Năm 1995: Khởi nghiệp với Zip2 Corporation – cuốn niên giám đầu tiên trên internet
24 tuổi, sau khi bỏ học khóa cao học tại đại học danh giá Stanford (Mỹ), Musk thành lập công ty đầu tiên - Zip2, chuyên cung cấp bản đồ và danh bạ các doanh nghiệp cho các tờ báo mạng.
Zip2 liên kết bản đồ kỹ thuật số của Navteq với danh sách các doanh nghiệp tại mỹ, tạo nên cuốn niên giám trực tuyến đầu tiên, tương tự như Google Business hiện nay.
4 năm sau, Musk bán Zip2 cho Compaq với giá 307 triệu USD. Vào thời điểm năm 1999, đó là khoản tiền lớn nhất được chi trả để mua lại một công ty internet.
2. Năm 1999: sáng lập X.com (về sau sáp nhập vào PayPal)
Sau khi bán Zip2, Musk lập tức sử dụng 10 triệu USD để thành lập ra X.com – công ty dịch vụ tài chính trực tuyến. Musk muốn tập trung công nghệ để đẩy nhanh tốc độ phát triển phương thức thanh toán qua email vì vậy ông chấp nhận sáp nhập X.com của mình với công ty đối thủ - Confinity.
Tuy nhiên, vì bất đồng quan điểm mà Musk đã bị các đồng sáng lập của Confinity yêu cầu rời khỏi Confinity, sau đó đổi tên công ty thành PayPal. Vào năm 2003, PayPal được eBay mua lại với giá 1,5 tỷ USD.
3. Năm 1998: Đồng sáng lập công ty công nghệ Everdream Corporation sau đó bán lại cho Dell
Thành lập năm 1998 bởi anh họ của Musk – Lyndon Rive, ban đầu Everdream là công ty tư nhân chuyên cung cấp các giải pháp quản lý máy trạm cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Mỹ. Ngoài ra, Everdream quản lý và sửa lỗi phần mềm, diệt virus, thực hiện backup dữ liệu và mã hóa dữ liệu.
Trong khi đang bận bịu quản lý dự án Paypal, Musk vẫn luôn quan tâm đến Everdream và góp vốn ở vòng gọi vốn thứ tư. Đến năm 2007, Rive và anh trai sinh đôi Russ đã bán lại Everdream cho Dell.
4. Năm 2002: thành lập Space Exploration Technologies ( SpaceX)
Trong 1 cuộc phỏng vấn với Inc., Musk giải thích lý do ông cho rằng SpaceX là một trong những phát kiến vĩ đại nhất trong lịch sử 4,5 tỉ năm của trái đất như sau:
“Sự sống trên trái đất phát triển từ đơn bào thành sinh vật đa bào, lên đất liền, trở thành cây cối và động vật phức tạp. Theo đó tôi cho rằng, việc sự sống đi từ trái đất sang một hành tinh khác quan trọng không kém gì sự sống đặt chân từ đại dương lên đất liền”.
Cuối năm 2002, Musk sáng lập nên SpaceX, công ty sản xuất hàng không vũ trụ tại California, với mục tiêu tạo nên tên lửa vũ trụ với giá thành rẻ hơn nhiều lần.
Tàu Dragon trở thành tàu bay thương mại đầu tiên trên thế giới năm 2012. Tuy nhiên mục tiêu của Musk là đưa con người lên vũ trụ một cách dễ dàng, thường xuyên và xa hơn nữa là đưa con người lên sống ở sao Hỏa. Musk nhắn gửi quyết tâm trở thành người sao Hỏa của mình vào tháng 9 năm 2015 và hứa sẽ mô tả chi tiết hơn vào cuối năm 2015.
5. Năm 2002: sáng lập Musk Foundation cùng với em trai Kimbal
Mục tiêu của Quỹ Musk Foundation là tài trợ các nghiên cứu về năng lượng tái tạo, khám phá vũ trụ, giáo dục khoa học - kỹ thuật, và các chứng bệnh của trẻ em.
Theo Inside Philanthropy, quỹ này đã trao tặng tổng cộng 783.700 USD, trong đó bao gồm 250.000 USD để xây dựng hệ thống năng lượng mặt trời ở Soma, tỉnh Fukushima của Nhật Bản, sau thảm họa sóng thần năm 2011. Tuy nhiên trái ngược với quyết tâm mạnh mẽ của Musk Foundation, trang web của quỹ lại khá là sơ sài và buồn cười.
6. Năm 2004: Đầu tư vào Tesla Motors, thay đổi ngành công nghiệp xe điện
Sau khi đầu tư mạnh vào Tesla Motors - thành lập bởi Martin Eberhard và Marc Tarpenning năm 2003, Musk tham gia vào ban điều hành công ty. Sản phẩm đầu tiên là dòng xe Roadster, đã gây ấn tượng mạnh với người tiêu dùng vì khả năng tăng tốc 0-60 mph dưới 4 giây như một chiếc xe thể thao và quãng đường đi lên tới 250 dặm chỉ với 1 lần sạc.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế thế giới năm 2008, Musk càng tham gia tích cực hơn vào Tesla, trở thành CEO và tiếp tục giữ vị trí đó đến nay. Chiếc xe mới nhất của Tesla, chiếc Model S đã tạo nên chuẩn mực mới cho ngành công nghiệp ô tô, trở thành chiếc xe tuyệt vời nhất trong lịch sử xe điện nói riêng và ngành ô tô nói chung.
7. Sở hữu cổ phần trong công ty vệ tinh Surrey Satellite Technology
Musk mua 10% cổ phần của Surrey Satellite Technology (SST) đầu năm 2005. SST hỗ trợ và tạo ra cơ hội lớn cho SpaceX trong việc trở thành nhà sản xuất tàu bay vũ trụ và vệ tinh nhỏ với chi phí vừa phải
Ban đầu, Surrey Satellite Technology chỉ sản xuất các vệ tinh vô tuyến nghiệp dư. Nhưng hiện nay dưới sự giúp đỡ của Musk, SST bắt đầu sản xuất, điều hành các tàu bay cỡ nhỏ dùng cho theo dõi thời tiết, thông tin liên lạc và nhiều mục đích khác ví dụ như tham vọng cung cấp Wifi toàn trái đất của Musk trong tương lai.
8. Giải quyết bài toán thiếu hụt điện năng toàn cầu với hệ thống cung cấp điện Solarcity
Musk luôn quan tâm sâu sắc đến phát triển bền vững và công nghệ xanh. Để tạo nên người bạn đồng hành cùng Tesla, Musk đầu tư mạnh mẽ vào SolarCity, một trong những những công ty lớn nhất thế giới về sản xuất pin năng lượng mặt trời cho gia đình – thành lập năm 2006 bởi hai anh em họ của Musk: Lyndon và Peter Rive.
Hiện nay, Musk là chủ tịch hội đồng quản trị của công ty. SolarCity thiết kế và lắp đặt hệ thống điện mặt trời sạch, đồng thời sản xuất lắp ráp các trạm nạp điện cho xe điện.
Tháng 4/2015, SolarCity tuyên bố hợp tác, sáp nhập Tesla batteries để tạo nên một hệ thống dự phòng năng lương mặt trời.
9. Đầu tư vào Mahalo.com
Theo Crunchbase, Musk đầu tư vào Mahalo khi trang web được thành lập vào năm 2007.
Mahalo là web có tính năng tổng hợp của Wikipedia, Ask Jeeves, và Quora. Về cơ bản Mahalo cho phép mọi người đăng và trả lời các câu hỏi.
Tuy nhiên. sau khi Google nâng cao chức năng tìm kiếm của mình, Mahalo đã cắt giảm 10% nhân viên trong năm 2011 dưới áp lực cạnh tranh. Từ đó tới nay, Mahalo chuyển đổi mô hình và chiến lược phát triển, tạo nên nhiều video hướng dẫn how-to và các câu hỏi theo thời gian thực. Musk đã từng gửi 1 chuỗi các video của mình lên website này vào năm 2011.
10. Năm 2010: đầu tư vào Stripe
Sau PayPal, Musk đầu tư vào Stripe - 1 trong những startup đối thủ lớn nhất của PayPal.
Công ty đặt mục tiêu cung cấp giải pháp thanh toán nhanh chóng cho các ứng dụng trực tuyến và các công ty như Facebook, Lyft và người dùng trên toàn thế giới. Gần đây, Stripe được định giá 5 tỷ USD, hợp tác với Twitter để gắn nút “Thanh toán” lên các bản tin nhắn Tweets, hứa hẹn nhiều cơ hội kinh doanh mới.
11. Năm 2012: Halcyon Molecular Inc - nghiên cứu về AND, một trong những thất bại hiếm hoi của Elon Musk
Công ty khởi nghiệp đầy tham vọng trong lĩnh vực nghiên cứu gen này được thành lập bởi hai anh em William và Michael Andreg năm 2008 với mục tiêu giải mã bí mật lớn nhất ẩn trong chuỗi AND.
Năm 2009, công ty thông báo rằng sẽ giải mã 100% mã gen con người chỉ trong 10 phút với chi phí nhỏ hơn 100 USD. Nhưng do có nhiều doanh nghiệp khác cùng cạnh tranh về giá thành và tốc độ giải mã, công nghệ gen, Halcyon đã phải đóng cửa năm 2012.
12. Năm 2014: đầu tư vào Trung tâm khoa học Tesla ở New York
Musk đã tặng 1.000.000 USD, đầu tư xây dựng 1 bảo tàng khoa học riêng cho Nikola Tesla – một trong những nhà phát minh vĩ đại nhất trong lịch sử loài người, vào năm 2014.
Trung tâm nằm tại Wardenclyffe, New York - nơi Tesla đã đặt phòng thí nghiệm trước đây. Musk dự định sẽ xây dựng trạm tiếp nhiên liệu điện nhanh nhất thế giới mang tên Tesla Supercharger Station trong khu gửi xe của trung tâm khoa học này.
13. Đầu tư vào trí tuệ nhân tạo với Vicarious
Musk không hề tin tưởng về trí tuệ nhân tạo (AI). Ông đã so sánh việc tạo nên AI thông minh giống như "triệu hồi ma quỷ" tại hội nghị chuyên đề hàng năm AeroAstra của MIT vào cuối năm 2014. Vì thế cũng rất dễ hiểu khi Musk liên tục đầu tư vào các công ty nghiên cứu trí tuệ hàng đầu với mục tiêu tìm cách giúp các cỗ máy tương lai trở nên thân thiện hơn với con người.
Một trong những công ty đó là Vicarious, thành lập năm 2010. Musk đã đóng góp 1 phần không nhỏ vào khoản 40 triệu USD đầu tư cho Vicarious năm 2014. Đây là một dự án rất bí mật nhưng về cơ bản có mục tiêu “xây dựng cấu trúc thuật toán đồng nhất nhằm tạo ra trí thông minh cấp độ con người về cả tầm nhìn, ngôn ngữ và hoạt động thể chất”.
Nhà sáng lập Vicarious trong bài phỏng vấn với Wall Street Journal đã nói rằng, mục tiêu của Vicarious là “tạo nên một cỗ máy suy nghĩ như con người, nhưng lại không cần ăn hay ngủ.”
14. Đầu tư DeepMind
Trong 1 bản tin trên đài CNBC, Musk nói rằng các khoản đầu tư của mình trong lĩnh vực AI "không phải nhằm mục đích lợi nhuân”. “Tôi muốn theo dõi sự phát triển của trí thông minh nhân tạo. Tôi lo ngại về khả năng xảy ra kết cục nguy hiểm với loài người."
“Tôi đã xem một số bộ phim nói về AI, như "Terminator "”, Musk tiếp tục, "Kết cục xảy ra khi AI thông minh hơn khá đáng sợ. Vì thế, chúng ta cần phải cố gắng nhằm đảm bảo rằng sự phát triển của AI sẽ tạo nên một tương lai tốt đẹp hơn chứ không phải xấu hơn cho con người."
Minh chứng cho quan điểm của mình, Musk đã mạnh tay đầu tư vào công ty AI mang tên DeepMind (thành lập năm 2011 và được mua lại năm 2014 bởi Google, với tên gọi mới là Google DeepMind). Mục tiêu của DeepMind là kết hợp năng lực học tập của máy móc với cấu trúc thần kinh của con người, tạo nên thuật toán máy tính mạnh mẽ, toàn năng hơn.
15.Quyên góp tiền cho quỹ Future of Life Institure - Học viện cuộc sống tương lai
Vào tháng 1/2015, Musk tặng 10 triệu USD cho FLI, nhằm mục đích hỗ trợ nghiên cứu để giảm thiểu những rủi ro gắn liền với sự phát triển trí thông minh nhân tạo.
Một số dự án tiêu biểu bao gồm tạo ra các quy tắc và hệ thống đạo đức cho AI trong khi một số khác tập trung vào việc kiểm soát vũ khí điều khiển bởi AI.
16. Thành viên trong Ban quản trị X Prize Foundation – tổ chức trao thưởng cho các sáng chế đem lại lợi ích cho con người
X Prize Foundation tổ chức các cuộc thi nhằm khuyến khích các sáng chế công nghệ đem lại lợi ích nhân loại. Các hạng mục giải thưởng rất đa dạng và hứa hẹn phần thưởng tiền mặt cho các sáng chế, ví như giải pháp đánh bắt cá một cách bền vững, giải pháp đổi hướng các thiên thạch bay vào trái đất, quần áo tàng hình và tái tạo các dạng vật thể sống ngoài không gian.
Giải thưởng vừa được trao gần đây bao gồm 30 triệu USD (mang tên Google Lunar XPrize) dành cho giải pháp mang một robot tư nhân lên mặt trăng, và 2 triệu USD (Wendy Schmidt Ocean Health XPrize), giải pháp phục hồi hệ sinh thái biển.
17. Đầu tư vào NeuroVigil
Ra mắt vào năm 2007, NeuroVigil phát triển thành công hệ thống theo dõi não bộ di động đầu tiên trên thế giới mang tên iBrain. Musk trở thành nhà đầu tư chủ chốt của công ty vào tháng 5 năm 2015.
NeuroVigil tập trung phân tích các tín hiệu điện từ từ não bộ để giúp các công ty dược tiến hành các thử nghiệm lâm sàng cũng như chẩn đoán và điều trị các bệnh nhân bị bệnh về thần kinh và suy nhược thần kinh.
NeuroVigil đồng thời đang nghiên cứu giúp NASA theo dõi não bộ của phi hành đoàn trong khi họ đang ở tại trạm vũ trụ không gian ISS.
18. Hyperloop
Năm 2013, thông qua SpaceX, Musk công bố ý tưởng tạo nên phương thức di chuyển tốc độ cao mang tên Hyperloop đồng thời công khai toàn bộ tài liệu nghiên cứu cũng như ý tưởng của mình cho tất cả mọi người để phổ biến công nghệ rộng rãi.
Hyperloop là 1 hệ thống đường sắt chở người nối liền San Francisco và Los Angeles, với tốc độ hơn 500 dặm một giờ với tiêu chí: nhanh chóng, an toàn, tiết kiệm năng lượng.
Tuy Musk và SpaceX đã thông báo không có ý định thương mại hóa công nghệ này, nhưng nhiều công ty tư nhân như Motherboard đang cố gắng lợi dụng phát triển công nghệ này cho mục đích kinh doanh của mình.
Kết
Elon Musk hiện nay được so sánh với những nhà phát minh vĩ đại nhất trong lịch sử loài người, bao gồm cả CEO Apple Steve Jobs. Đồng nghiệp mô tả ông là một con người sáng lạn, tài năng, nhiệt huyết, một con "quái vật" của tạo hóa. Ông đã thay đổi cách chúng ta sử dụng internet, tìm ra các phát kiến, giải pháp bảo vệ môi trường, và đầu tư các dự án đem lại sự tốt đẹp hơn cho xã hội.
Mặc dù chỉ cho phép bản thân được ngủ đúng 6 tiếng mỗi đêm và làm việc liên tục 100 giờ mỗi tuần nhưng thật khó có thể tin được rằng Musk sẽ có thể hoàn thành mọi thứ trong danh mục "to do list" của mình cho đến cuối đời.
Nhưng ai mà biết được, có thể rằng điều đó sẽ chẳng còn quan trọng nếu khi đó, Musk đem tất cả, bạn và tôi lên sao Hỏa sinh sống.