Nhìn từ vụ mua lại Metro: 'Chiến lược của người Thái cao tay hơn'

13/08/2014 11:42 AM | Kinh doanh

Nhìn bề ngoài, việc chuyển nhượng lĩnh vực bán sỉ Cash&Carry từ tay Metro Việt Nam sang Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan chỉ là một thương vụ mua bán, sáp nhập bình thường.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn của nhiều chuyên gia kinh tế, sự đổ bộ của BJC vào Việt Nam đang đặt ra một thách thức lớn về mặt chính sách vĩ mô cũng như khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp bán lẻ nội khi mà thời điểm Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được hình thành vào cuối năm 2015.

"Người Thái cao tay"

Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, nhiều doanh nghiệp trong nước đang phải co cụm để chống đỡ làn sóng tràn vào đầu tư của các tập đoàn bán lẻ lớn của thế giới như: Lotte, E-Mart Co, Aeon, Auchan…

Điển hình nhất là sự đổ bộ của các tập đoàn bán lẻ Thái Lan, trong đó BJC ngoài vụ mua lại Metro Việt Nam đầu tháng Tám vừa qua, tập đoàn Thái Lan này đã hợp tác với Family Mart Việt Nam sau khi đối tác Nhật Bản rút hoàn toàn khỏi liên doanh này và đổi tên thành chuỗi bán lẻ B’mart (thương hiệu lâu đời của BJC).

"Rõ ràng phải nhìn nhận sự xâm nhập này là có chiến lược, từng bước và khâu phân phối là cuối cùng," ông Phú nói.

Ý kiến này cũng được ông Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp Viện nghiên cứu Thương mại đồng tình. Ông Thắng cho rằng, việc BJC thâm nhập vào thị trường Việt Nam được tính toán một cách rất kỹ lưỡng. Từ việc tổ chức các triển lãm, hội chợ hàng Thái Lan, đến việc hình thành các cửa hàng tiện ích len lỏi vào từng khu dân cư tại hầu khắp các tỉnh thành trong cả nước.

Quan trọng hơn, tại các cửa hàng Thái Lan chỉ bán hàng "Made in ThaiLand" mà không có bất cứ một loại hàng hóa của nước khác chen chân vào được. Cao tay hơn, chiến lược của người Thái là "lấy mỡ nó rán nó", tức là phát triển mạng lưới phân phối hàng Thái Lan dựa vào chính vốn của người Việt, từ cửa hàng, lao động đến cơ sở vật chất.

Người dân chọn lựa thực phẩm an toàn tại Metro Bình Phú quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN)

Trong khi đó, sự mạnh mún của các doanh nghiệp bán lẻ nội vẫn chưa được khắc phục nhiều, thậm chí một số cơ sở bán lẻ của Việt Nam cứ thấy lợi là làm, miễn là thu được tiền. Đơn cử là một số doanh nghiệp nhập hàng Trung Quốc nhưng tẩy nhãn mác để thành hàng Việt Nam. Theo ông Thắng cái lợi đó sẽ hủy hoại hàng Việt và danh tiếng của hệ thống phân phối mà mình cất công xây dựng.

"Điều đó cho thấy doanh nghiệp bán lẻ nội vẫn chưa có chiến lược, chưa có đường đi nước bước và khi họ bắt đầu thâu tóm được các đại gia bán buôn, bán lẻ thì thị trường là của họ," ông Thắng nói.

Từ phân tích trên, ông Thắng đưa ra cảnh báo, các nhà bán lẻ trong nước và các nhà hoạch định chính sách phải có cách nhìn phù hợp nhằm đảm bảo năng lực cạnh trạnh của doanh nghiệp trong bối cảnh một Khu vực thương mại tự do ASEAN (AEC) sẽ được hình thành vào cuối năm 2015, khi đó các mặt hàng nhập khẩu trong nội khối sẽ trở về mức 0%, như vậy thách thức với hàng Việt sẽ ngày càng lớn.

Muốn tồn tại phải tự lo cho chính mình

Những điểm yếu của các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam cũng được bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam đề cập tới, đó là năng lực quản trị còn yếu, thiếu mặt bằng logictis (kho vận), kho bãi, điểm bán hàng, thậm chí nhân viên tại một số siêu thị vẫn chưa coi người tiêu dùng làm trung tâm để được chăm sóc.

"Các doanh nghiệp phải coi người tiêu dùng là trung tâm, mọi hoạt động là để phục vụ chứ không phải chỉ là kinh doanh, làm sao để phục vụ người tiêu dùng một cách tốt nhất và có trách nhiệm với cộng đồng. Nói cách khác, đây là yếu tố tiên quyết quyết định sự thành công của các nhà bán lẻ," bà Loan cho biết.

Đồng quan điểm với bà Loan, chuyên gia Phạm Tất Thắng cũng cho rằng, các nhà bán lẻ trong nước cần sớm thay đổi tư duy và cách quản trị để nâng cao năng lực cạnh tranh của chính mình.

Cụ thể, theo ông Thắng để thích ứng tốt hơn trong điều kiện hội nhập và cạnh tranh gay gắt, trước tiên các nhà làm chính sách cần khai thác tối đa những đặc tính riêng của thị trường nội địa để tạo chỗ đứng vững chắc cho hàng Việt.

Theo đó, tại các chợ truyền thống, phải đảm bảo để hàng Việt chiếm ưu thế. Bên cạnh đó, cần chú trọng mô hình các đường phố thương mại chuyên bán các mặt hàng theo lĩnh vực ngành nghề của địa phương về gia dụng gần với cuộc sống.

Một hình thức nữa cũng được chuyên gia này đề cập tới là mô hình các hộ gia đình nhỏ lẻ dùng ngay nhà của mình để bán hàng tạp hóa phục vụ cho nhu cầu tại các khu dân cư, theo ông cần phải tính toán để đưa hàng Việt vào đây. Sau đó tiếp tục xây dựng đội ngũ bán hàng Việt lưu động gần các khu công nghiệp và mở rộng mạng lưới bán hàng về vùng nông thôn.

"Muốn cạnh tranh không gì khác là tự mình làm tốt hơn nữa, từ chất lượng hàng hóa, giá cả đến dịch vụ," ông Thắng cho hay.

>> 12 năm không bình thường của Metro Việt Nam 

Theo Đức Duy

anhnt

Cùng chuyên mục
XEM