Nguyên tắc ở Hollywood: 'Không ai biết trước được điều gì'
30 năm qua Hollywood vẫn vậy - chẳng ai biết bộ phim sắp tới sẽ là bom tấn hay bom xịt. Bởi tiền "khủng" chưa chắc đã "nổ to".
Nội dung nổi bật:
"Không ai biết trước được điều gì" được coi là yếu tố quyết định một bộ phim sẽ trở thành "bom tấn" hay "bom xịt" theo cách nói của nhà biên kịch William Goldman. Đây cũng là tình hình chung ở Hollywood:
- Không phải cứ tiền nhiều là phim hay. Đến nay vẫn còn tình trạng phim được đầu tư mà vẫn cứ "xịt" một cách ngoài dự đoán.
- Các nhà làm phim thích đi đường an toàn, thường làm phim sequel, prequel, franchise theo những bộ phim đã thành công.
- Rạp vắng, DVD hết thời vì khán giả có thể xem online.
- Muốn bán ra nước ngoài, phải giảm bớt "yếu tố Mỹ".
Năm 1983, khắp Hollywood xôn xao khi nhà biên kịch nổi tiếng William Goldman tiết lộ các hoạt động bên trong ngành điện ảnh qua cuốn sách "Adventures in the Screen Trade" (Tạm dịch: "Hành trình vào thế giới màn bạc").
Các hãng phim hoang mang vì hàng loạt thất bại, đáng kể nhất là tác phẩm "Heaven's Gate", một bộ phim miền Tây được tung ra vào năm trước đó với tổng vốn đầu tư 44 triệu USD (một khoản tiền khổng lồ so với ngày ấy) gây thiệt hại cho hãng phim United Artists.
Cuốn sách của Goldman được ghi nhớ sâu sắc bởi với câu nói gần như đã trở thành nguyên tắc trong ngành điện ảnh: "Không ai biết trước được điều gì", đây là yếu tố quyết định bộ phim sẽ trở thành "bom tấn" hay "bom xịt".
Tiền "khủng" chưa chắc đã "nổ to"
Ba thập kỷ trôi qua, thực trạng ở Hollywood vẫn không có gì khác lắm khi còn tồn tại những bộ phim tốn kém mà vẫn "xịt" như "The Lone Ranger" (Kỵ sĩ cô độc). Các hãng phim thời nay cho rằng phim phải thật gây chú ý mới lôi được khách vào rạp nên không ngần ngại vung hơn 300 triệu USD cho ngân sách làm phim, cộng thêm 100 - 150 triệu USD để làm thị trường.
Sau quả "bom xịt" khoa học viễn tưởng "Johnny Carter" (Người hùng sao Hỏa) ra mắt năm ngoái, hãng Walt Disney đã phải chịu thiệt hại 160 triệu USD.
Đạo diễn Steven Spielberg cho rằng chỉ cần vài phim lớn "hỏng" một cùng lúc, các hãng sẽ phải đối mặt với khủng hoảng nặng nề. Càng ngày phim càng có xu hướng chỉ rơi vào đúng hai loại: hoặc là được đầu tư siêu khủng, hoặc là ngân sách chỉ dưới 25 triệu USD.
Các hãng phim tiếp tục cắt giảm chi phí vào phim để tập trung vào khách hàng và phương thức tiếp thị. Nhưng sau khi phim được ra mắt, người ta vẫn không thể hiểu nổi vì sao nó lại trở thành "bom tấn" hay "bom xịt". Do đâu mà "Gravity" (Cuộc chiến không trọng lực) với sự góp mặt của George Clooney và Sandra Bullock ban đầu không được Warner Bros đặt niềm tin, cuối cùng lại trở thành cú hit của năm, trong khi đó "The Lone Ranger" lại là một cú ngã đau cho dù Disney vẫn luôn gửi gắm rất nhiều hy vọng vì có Johnny Deep đóng vai?
Công nghệ đáng nhẽ phải giúp Hollywood giảm chi phí phát hành phim nhưng cuối cùng lại "đốt tiền nhiệt tình" khi các nhà làm phim không ngừng tô vẽ cho sản phẩm của mình với hàng tấn kỹ xảo đặc biệt, đắt tiền. Truyền thông xã hội tiêu cực cũng góp phần giết chết bộ phim ngay khi còn đang phôi thai.
Như lời Goldman miêu tả, quản lý của hãng phim không khác gì quản lý đội bóng chày: "Họ thức dậy mỗi sáng với nhận thức rằng sớm hay muộn mình cũng sẽ bị đuổi việc". Một lần nữa, điều này đúng hơn bao giờ hết. Khi ngân quỹ dành cho phim được mở rộng, rủi ro nhà quản lý bị đuổi việc vì một bộ phim thất bại cũng sẽ tăng theo.
Suốt 18 tháng qua, giới điện ảnh chứng kiến ngày càng nhiều nhà quản lý bị thay thế: bốn trong sáu hãng phim lớn đã có sự thay đổi từ cấp trên. Ví dụ như Jeff Shell, người tiếp quản Comcast's Universal Pictures vào tháng 9 vừa qua, vốn là một ông chủ truyền hình, không hề có nền tảng trong điện ảnh.
Đi đường có sẵn cho "lành"
Việc dốc tiền vào những bộ phim sequel (phần tiếp theo hay phần mở rộng của bộ phim trước đó), prequel (phim gồm những sự kiện diễn ra trước có liên tới sự kiện trong bộ phim đã ra đời trước đó), franchise (phim chép đã nhượng quyền) được coi là một cách giảm rủi ro vì chỉ việc sao chép lại những gì đã có tác dụng. Tuy nhiên đây lại là một mối nguy lớn vì làm giảm độ "khó đoán" của phim.
Goldman miêu tả trong cuốn sách: đến năm 1983, các hãng phim có thể làm mọi thứ ngoại trừ đi tìm ý tưởng riêng. Các biên kịch, sản xuất tự do và những người ngoại đạo đi khắp Hollywood để lùng ra những "gói mỳ ăn liền" như các ngôi sao đã sẵn sàng vào cuộc hay kịch bản đã được viết.
Giờ đây các hãng còn giảm ngân quỹ làm phim để đầu tư vào marketing, họ lại ngày càng phụ thuộc vào những người ngoại đạo hơn trong việc thiết kế nên sản phẩm. Các hãng còn tìm nguồn vốn từ bên ngoài để làm phim, từ đó một dạng trung gian mới xuất hiện như Village Roadshow Entertainment Group và Skydance bắt đầu nổi lên để tài trợ cho các dự án.
Rạp vắng, DVD hết thời
Hệ số thu nhập trên vốn sử dụng (ROC) trong ngành điện ảnh đang "mắc bệnh" thiếu sức sống mãn tính. Các tập đoàn truyền thông sở hữu các hãng phim lớn luôn mồm cằn nhằn về việc kinh doanh tệ hại của ngành, nhất là từ khi doanh số DVD đạt đỉnh cao năm 2004 và sau đó hết thời nhanh chóng, khách hàng chuyển sang xem online giá rẻ bằng những dịch vụ như Netflix.
30 năm trước, Hollywood cố gắng làm ra những bộ phim thu hút khách hàng từ 16 đến 24 tuổi. Khán giả từng kéo nhau đến rạp lũ lượt trước khi trở nên bận bịu với smartphone như ngày nay. Sau đó họ chỉ mua DVD của các bộ phim bán chạy để xem ở nhà. Năm 2004, doanh số DVD đạt đỉnh cao, chiếm 48% lợi nhuận các hãng phim lớn tại Mỹ (Số liệu của IHS). Nhưng sau đó, doanh số tụt đi gần một nửa.
Muốn bán ra nước ngoài thì "kiểu Mỹ" ít thôi
Ngày nay, Hollywood cố gắng điều chỉnh sản phẩm sao cho phù hợp thị hiếu của khán giả tại những thị trường mới nổi, nhất là Trung Quốc - thị trường điện ảnh lớn thứ hai thế giới. Phim càng đi xa thì càng tốt, có nghĩa các hãng phim phải xuất khẩu tác phẩm với ít yếu tố Mỹ hơn. "Ngày nay các bộ phim lớn của Hollywood không mang sắc thái dân tộc nữa", Michael Lynton, ông chủ của Sony Pictures nhận định.
Ví dụ như bộ phim hoạt hình "Ice Age" (Kỷ băng hà) của Fox với doanh thu vào khoảng 800 triệu USD có bối cảnh thời gian, không gian không xác định và nhân vật có thể được lồng tiếng địa phương dễ dàng.
Hollywood luôn là một "thị trấn có giai cấp", mượn lời Goldman. Điều đó đến nay vẫn đúng nhưng các tầng lớp trong dịch chuyển. Trước đây những ai sắp thất nghiệp, không còn đường nào để đi nữa mới vào truyền hình làm. Nhưng ngày nay đây lại là "mỏ vàng". Vì thế các nhà biên kịch, sản xuất và hãng phim cũng đang tập trung vào truyền hình.
Còn như Goldman, ông vừa chuyển tới New York và hiện đang viết nhạc kịch. Và như ta đã thấy, các hãng phim lớn cũng đang đổ tiền vào nhạc kịch Broadway. Vở "Springtime for Hitler" (Mùa xuân của Hit-le) ban đầu tuyển chọn diễn viên toàn những người gàn dở, diễn xuất tưởng chừng tệ lắm cuối cùng lại ăn khách vô cùng. Đúng là "không ai biết trước được điều gì" thật!
Thùy An