Nghệ thuật như làm socola

08/03/2013 14:00 PM | Kinh doanh

Những tác phẩm made in Việt Nam, được làm từ đôi bàn tay tài hoa, khéo léo của những nghệ nhân socola Việt.

Sau khi mở hộp quà được trang trí sang trọng và bắt mắt nhân ngày lễ tình nhân, cô bạn tôi hết sức ngạc nhiên khi món quà nhận được là chiếc giày màu trắng sữa được thiết kế rất đẹp và vừa vặn với chân cô ấy. Thoáng băn khoăn vì sao đôi giày chỉ còn một chiếc bên trái, cô bạn nhanh chóng nhận ra chất liệu làm giày là socola. Thật ngọt ngào và ý nghĩa.

Ngạc nhiên hơn nữa, đây là tác phẩm made in Việt Nam, được làm từ đôi bàn tay tài hoa, khéo léo của những nghệ nhân socola Việt. Trên thế giới, món socola đã được người ta thưởng thức từ lâu, nhưng socola nghệ thuật cũng mới chỉ có chừng chục năm trở lại đây. Tại Việt Nam, sản phẩm này được du nhập vào từ năm 2010 với thương hiệu Graphics bởi chàng trai trẻ tuổi Đỗ Duy Hải.

Tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin tại Đại học Bách khoa nhưng máu kinh doanh từ gia đình đã ngấm vào Hải từ khi nhỏ. Thay vì làm kĩ sư công nghệ thông tin như định hướng của bố mẹ, Hải nhất mực đi theo nghiệp kinh doanh. Tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh tại Canada năm 2008, Hải cứ lân la rồi tiến sâu vào lĩnh vực nhà hàng ăn uống. Anh dần bén duyên với những công việc chế biến socola và mê mẩn với ngành công nghiệp này.

nghe-thuat-nhu-lam-socola
Một sản phẩm socola nghệ thuật độc đáo của D'Art


Được một người gợi ý, năm 2010, Hải cùng một người bạn đưa thương hiệu socola nghệ thuật Graphics về Việt Nam. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, Hải nhận thấy người đồng hành không đồng quan điểm kinh doanh, anh quyết định ra riêng và lập công ty chuyên sản xuất socola nghệ thuật với thương hiệu D’Art Chocolate năm 2011. Cho đến thời điểm này, cũng chỉ có Graphics và D’Art Chocolate là 2 hãng sản xuất socola nghệ thuật tại Việt Nam với thị phần tương đương nhau.

Mới bắt tay vào kinh doanh, khó khăn lớn nhất với Hải là vốn bởi để sản xuất socola thì máy móc phải nhập từ châu Âu mà máy làm socola lại không hề rẻ. Chỉ một cái nồi để đun chảy socola cũng có giá tới 2000USD. Để có socola ngon, Hải phải nhập toàn bộ nguyên liệu sản xuất của hãng socola Bỉ - Barry Callebaut. Đầu tư ban đầu lên tới 15 tỉ đồng, Hải đặt mục tiêu trong vòng 3 năm phải thu hồi được vốn.

Việc sản xuất socola nghệ thuật cũng không hề dễ dàng. Để có miếng socola đẹp, mịn, bóng, ngon, giòn, người thợ phải nhanh nhẹn và khéo léo bởi nếu thao tác không nhanh tay, socola sẽ có màu không đồng đều và không giòn. Socola nguyên liệu cần phải được đun chảy ở nhiệt độ 40-45 độ C, sau đó giảm nhiệt độ socola xuống27-28 độ và nâng dần lên 30-31 độ. Việc chế biến socola thành phẩm phải được tiến hành ở nhiệt độ 30-31 độ. Nếu làm không nhanh, socola nguội đi thì phải đun lại và thực hiện quá trình này từ đầu. Vì vậy, người kinh doanh socola, phải đồng thời là chuyên gia về lĩnh vực này.

nghe-thuat-nhu-lam-socola
Showroom trưng bày của D'Art Chocolate

Ngày đầu thành lập, D’Art Chocolate khá thuận lợi trong việc giới thiệu sản phẩm tới khách hàng lẻ cũng như doanh nghiệp, bởi sản phẩm socola nghệ thuật rất thích hợp để làm quà tặng mà dịp này trùng với các ngày Giáng sinh, Tết và Valentine. Nhiều ngân hàng, doanh nghiệp dược, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đặt hàng D’Art Chocolate để làm quà. Với các công ty dược, đơn vị nào đặt ít cũng 500-1000 hộp quà tặng, đơn vị đặt hàng nhiều có thể lên tới 4000 hộp.

Năm 2012, kinh tế tiếp tục khó khăn, nhiều ngân hàng và doanh nghiệp cắt giảm khoản quà tặng là socola. Doanh số của D’Art Chocolate năm này cũng chỉ bằng nửa năm 2011 khi mới thành lập công ty. “Nguyên nhân cũng là bởi socola nghệ thuật là mặt hàng mang tính thời vụ và chủ yếu để làm quà biếu”, anh Hải cho biết. Theo anh Hải, thời gian từ tháng 9 đến hết tháng 2 năm sau là mùa làm ăn của các hãng socola nghệ thuật tại Việt Nam bởi thời gian này có các ngày Giáng sinh, Tết và Valentine. Trong khoảng thời gian này, doanh số bán hàng chiếm tới khoảng 70% doanh số cả năm. Đặc biệt, dịp Valentine, chỉ trong vài ngày, một cửa hàng socola của D’Art Chocolate cũng có thể bán được tiền tỉ.

Cũng do sản phẩm chủ yếu làm quà tặng nên để đáp ứng nhu cầu thị trường vào từng thời gian, D’Art Chocolate luôn phải thực hiện những nghiên cứu thị trường kĩ lưỡng để nắm bắt thị hiếu và tung ra những dòng sản phẩm phù hợp. Ngoài ra, theo anh Hải, làm socola nghệ thuật cũng luôn phải tìm tòi khách hàng xem đối tượng nào sẽ là khách hàng mục tiêu trong những thời điểm khác nhau và phải biết tìm tòi, chịu khó sáng tạo và thiết kế riêng để phù hợp với từng đối tượng khách hàng. Chính vì vậy, doanh nghiệp nào khi nhận được sản phẩm từ D’Art Chocolate cũng tỏ thái độ hài lòng và thích thú. “Tất nhiên công việc này đòi hỏi nhiều thời gian và chi phí, nhưng đã gọi là socola nghệ thuật thì mình phải sáng tạo và chịu khó chiều lòng khách hàng”, Hải cho biết.

Do sản phẩm này còn khá mới mẻ tại Việt Nam, Hải xác định kế hoạch đầu tư dài hạn. Để duy trì hoạt động sản xuất trong khoảng thời gian sản xuất thấp điểm từ tháng 3 đến hết tháng 8, D’Art Chocolate rất đau đầu với việc tìm kiếm khách hàng. Anh Hải phải cố gắng chào hàng nhiều nơi như các tiệm bánh, nhà hàng, resort… Hiện đã nhiều tiệm bánh chọn D’Art Chocolate để đặt hàng logo sản phẩm như hãng bánh Tuos Les Jours, Brodard bakery, Haagen – Dazs… Để đi đường dài, Hải cũng đang lên kế hoạch sản xuất socola phục vụ nhu cầu ăn uống để chào bán tại các siêu thị, các cửa hàng tiện lợi. Trong năm nay, Hải đặt chỉ tiêu phải đạt tỉ lệ giữa socola nghệ thuật và socola ăn uống tương đương là 80% và 20% và trong 2 năm tiếp theo, tỉ lệ này phải đạt 50/50.

Bên cạnh cung cấp cho thị trường trong nước, Hải cũng đặt kế hoạch phải đưa được socola nghệ thuật của D’Art Chocolate xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Hiện tại, D’Art Chocolate đã xuất được công hàng đầu tiên đi thị trường Hàn Quốc. Hải đang làm việc với nhiều thị trường khác như Nhật, Philipine… bởi những thị trường này vẫn chưa có mặt socola nghệ thuật.

Hiện tại, Hải rất muốn mở rộng vốn đầu tư nhưng việc kêu gọi vốn với anh không phải điều dễ dàng do mới về Việt Nam chưa lâu, Hải chưa có nhiều mối quan hệ với các doanh nghiệp cũng như quỹ đầu tư. Cũng có người đặt vấn đề đầu tư nhưng lại không cùng chí hướng với Hải nên anh cũng không hợp tác. Lại cũng có người đặt vấn đề muốn mua đứt thương hiệu này, nhưng với anh D’Art Chocolate như một đứa con tinh thần, như niềm đam mê và anh chưa có ý nghĩ sẽ bán nó. 

Theo Nhịp cầu Đầu tư

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM