'Nghệ thuật' đạo nhái sản phẩm tạo ra công ty tỷ đô ở Trung Quốc

28/05/2015 09:07 AM | Kinh doanh

Giới công nghệ tại Trung Quốc cho rằng chiến thắng trong cuộc đua trở thành người thực thi một ý tưởng mới đầu tiên thường chẳng mang lại lợi ích gì cả.

Nội dung nổi bật:

- “Đạo”, “nhái” là những thuật ngữ gắn liền với giới công nghệ Trung Quốc trong khoảng một thập kỷ gần đây.

- Nguyên do là bởi giới công nghệ nước này cho rằng chiến thắng trong cuộc đua trở thành người thực thi một ý tưởng mới đầu tiên thường chẳng mang lại lợi ích gì cả.


“Đạo”, “nhái” là những thuật ngữ gắn liền với giới công nghệ Trung Quốc trong khoảng một thập kỷ gần đây. Việc sao chép mẫu mã sản phẩm hiện vẫn khá phổ biến trong bối cảnh thị trường startup Trung Quốc bùng nổ. Không chỉ sao chép theo các hãng nước ngoài, bản thân các công ty Trung Quốc cũng cóp nhặt của nhau.

Vậy tại sao các công ty công nghệ của Trung Quốc lại thường xuyên copy (sao chép) sản phẩm?

Làm đầu tiên không quan trọng, quan trọng là người làm tốt nhất

Quy luật này gần như đúng tuyệt đối tại Trung Quốc. Giới công nghệ tại đây cho rằng chiến thắng trong cuộc đua trở thành người thực thi một ý tưởng mới đầu tiên thường chẳng mang lại lợi ích gì cả. Trong bối cảnh các công ty khởi nghiệp mọc lên ngày càng nhiều như tại Trung Quốc, việc trở thành người tiên phong thường không mang lại lợi thế cạnh tranh. Nếu một công ty khác cũng thực hiện theo ý tưởng đó nhưng ra mắt muộn hơn một vài tháng nhưng có trải nghiệm tốt hơn thì họ chính là người chiến thắng.

Thực tế tại Trung Quốc, trở thành người đi đầu đôi khi còn là điều bất lợi. Ví dụ, Fanfou là trang blog đầu tiên tại Trung Quốc. Họ đã đánh bại cả đối thủ trong và ngoài nước. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc lúc đó không tin tưởng vào tiềm năng của loại hình dịch vụ này, chính vì vậy Fanfou đã sớm phải đóng cửa. Điều này khiến khác hãng khác như Sina và Tencent có thời gian để cân nhắc lại việc kinh doanh blog của mình. Bên cạnh đó, họ cũng có thời gian thuyết phục chính phủ Trung Quốc gạt bỏ những mối nghi ngờ với loại hình kinh doanh này.

Kết quả là một thời gian sau đó, khi những quy định đã rõ ràng thì Fanfou được cấp phép mở lại. Tuy nhiên, đã quá muộn: Các đối thủ cạnh tranh của hãng đã cho ra đời những dịch vụ cao cấp hơn như Sina Weibo.

Là người tiên phong trong bất kỳ mảng công nghệ nào tại Trung Quốc cũng đồng nghĩa với việc đối mặt với thất bại. Lý do là bởi nhìn chung bạn không thể biết được khách hàng sẽ phản ứng thế nào với sản phẩm của mình và chính phủ liệu có thích thú với lĩnh vực đó hay không.

Chờ đợi và copy theo một ai đó nhưng lại thực hiện và triển khai tốt hơn thường là con đường an toàn và dễ dẫn đến thành công hơn. Lý do là bởi bạn không chỉ tránh được những rủi ro không biết trước và còn được thỏa sức sao chép theo các ý tưởng đã có sẵn.

Liệu có copy mãi được không?

Như đã nói, các công ty công nghệ Trung Quốc thường copy sản phẩm của các hãng phương Tây bởi họ biết rằng chúng sẽ mang lại lợi nhuận. Bản thân hệ sinh thái internet của Trung Quốc kém phát triển hơn của Mỹ nên bắt chước theo những công ty công nghệ thành công của Mỹ giống như nhìn vào tương lai của Trung Quốc vậy. Một mô hình đã thực hiện được ở Mỹ hoàn toàn có tiềm năng triển khai tại Trung Quốc.

Đây rõ ràng là lợi thế dành cho các doanh nhân bởi họ sẽ trả lời được câu hỏi liệu loại hình kinh doanh nào sẽ mang lại thành công công trong 1 hoặc 2 năm nữa. Chính vì vậy, những công ty nói không với copy thường sẽ bị tụt hậu lại phía sau.

Bản thân rất nhiều công ty internet thành công nhất tại Trung Quốc hiện nay cũng thường khởi đầu như kẻ “bắt chước” theo các hãng công nghệ lớn ở phương Tây. Tuy nhiên hiện nay tình thế đã thay đổi. Bản thân những khách hàng người Trung Quốc có thói quen và mong muốn khác hẳn so với người phương Tây.

Chính vì vậy, dù có thể bắt chước theo các công ty thành công ở phương Tây nhưng các hãng công nghệ tại Trung Quốc có lẽ sẽ phải thay đổi một chút để phù hợp với “khẩu vị” của khách hàng trong nước.

Nói như vậy có nghĩa là, một công ty Trung Quốc có thể “lấy cảm hứng” tạo ra sản phẩm từ những doanh nghiệp internet thành công ở Mỹ nhưng việc copy nguyên gốc sẽ rất khó thành công trong lâu dài và họ cần phải tạo ra một số thay đổi nhỏ để phù hợp với người dùng.

Cần phải nói thêm rằng cũng chưa có bất kỳ công ty công nghệ hoàn toàn nhái và sao chép sản phẩm nào thành công tuyệt đối tại Trung Quốc. Có thể những website thủa sơ khai tại Trung Quốc đã copy các sản phẩm ở phương Tây và thành công bởi vì hầu như họ chưa có đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên hiện nay thế trận đã thay đổi. Thị trường Trung Quốc vốn rất khác biệt, vì vậy yếu tố quyết định hiện giờ nằm ở việc triển khai và thực thi.

Có thể nói, “copy” đã là một thuật ngữ lỗi thời và quá đơn giản để miêu tả về ngành công nghệ của Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc hiện nay có thể vẫn “lấy cảm hứng” từ những công ty nước ngoài nhưng họ đã biết cách biến đổi để phù hợp hơn với thị trường trong nước.

Sina Weibo là một ví dụ. Thời điểm vừa ra mắt, nó bị gọi là “hàng nhái” của Twitter tuy nhiên thực tế thì sản phẩm này có rất nhiều điểm khác biệt. Nó cho phép những bình luận trực tiếp trên các dòng tweet để đáp ứng nhu cầu trải nghiệm nhiều hơn của người Trung Quốc. Ngoài ra, Weibo cũng có 140 biểu tượng mang ý nghĩa Trung Quốc phục vụ người dùng. Weibo có thể bị mang tiếng là sản phẩm đạo, nhái Twitter nhưng sự thật thì nó là dịch vụ thành công trên thị trường.

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM