Ngành chăn nuôi: Sản xuất thức ăn cho lợi nhuận cao nhất

23/01/2013 15:53 PM | Kinh doanh

Là một đất nước có ngành chăn nuôi truyền thống, nhưng xung quanh vấn đề thức ăn cho ngành chăn nuôi (TACN) của VN lại đang tồn tại nhiều nghịch lí.

Trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế (2010-2012), trong khi nhiều Cty trong nước phải thu hẹp sản xuất hoặc phá sản thì các DN FDI trong lĩnh vực chăn nuôi không ngừng mở rộng thị phần. Theo khảo sát của Cục Chăn nuôi ở 17/34 DN nước ngoài cho thấy, tổng đầu tư các DN FDI là 269,7 triệu USD năm 2010 tăng lên 365,3 triệu USD năm 2012 (tăng 35,5%).

3 lý do quan trọng

Câu hỏi đặt ra là tại sao cùng một mảnh đất “dụng võ”, lại lợi thế sân nhà, tại sao DN VN lại không thể làm được như DN nước ngoài, có 3 lý do chính sau đây:

Thứ nhất, tiềm năng thị trường thức ăn chăn nuôi của VN rất lớn, sản xuất trong nước mới đáp ứng được khoảng 1/3 nhu cầu. Trong chiến lược phát triển của ngành chăn nuôi VN đến năm 2015, cần 18-20 triệu tấn thức ăn công nghiệp và năm 2020 cần 25-26 triệu tấn. Trong ngành chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi có lợi nhuận cao nhất, nên trong 9 tháng đầu năm 2012 đã có 346,8 triệu USD vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi, chiếm gần 95% tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, trong khi đó đầu tư vào lĩnh vực sản xuất giống chỉ thu hút 4% vốn đầu tư và chỉ hơn 1% đầu tư vào các lĩnh vực khác trong ngành chăn nuôi.

Các Cty nước ngoài có lợi thế rất lớn về vốn từ Cty mẹ, họ tập trung đầu tư thu mua nguyên liệu với số lượng lớn vào mùa vụ thu hoạch, giá thấp hơn, làm giảm chi phí nguyên liệu.. Trong khi các DN VN phải vay vốn với lãi suất rất cao để sản xuất thức ăn chăn nuôi (lãi suất năm 2011 là 18-24%/năm; hiện nay khoảng 13-15%/năm) thì các DN nước ngoài lại được Chính phủ của họ cho vay lãi suất thấp, khoảng 1- 4% để khuyến khích đầu tư ra nước ngoài.

Thứ hai, hàng năm nước ta vẫn phải nhập khá lớn các nguyên liệu từ nước ngoài và xu hướng năm sau nhập nhiều hơn năm trước. Trong đó, nguồn nguyên liệu giàu đạm, giàu năng lượng, thức ăn bổ sung, phụ gia phải nhập khẩu tới 80- 90%.

Thứ ba, do tổ chức khép kín từ khâu sản xuất thức ăn chăn nuôi tới tổ chức hệ thống chăn nuôi gia công nên các DN nước ngoài mặc dù liên tục tăng sản lượng TACN nhưng vẫn có thị trường tiêu thụ ổn định; họ lại không phải nộp thuế giá trị gia tăng và tiền thuê đất...

Làm gì để thắng thế ?

Nhu cầu thị trường TACN là rất lớn, trong vòng 8 năm tiếp theo phải nâng sản lượng TACN lên ít nhất gấp 2 lần so với hiện nay, đạt 25-26 triệu tấn/năm vào năm 2020. Đó là chưa kể tới việc sản xuất TACN là khâu có lợi nhuận cao nhất và ổn định nhất trong ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, xét theo điều kiện thực tế khả năng nguyên liệu tự có trong nước là rất hạn hẹp. Trong khi đó, theo Chiến lược sử dụng đất nông nghiệp đến năm 2020 không phân bổ quỹ đất cho chăn nuôi, ngay cả đất trồng cây nguyên liệu TACN và đồng cỏ. Do đó, Bộ NN-PTNT cần xem xét lại và ưu tiên dành quỹ đất cho chăn nuôi.

Cùng với đó, ưu tiên dành đất khuyến khích DN trong nước đầu tư kho tạm trữ nguyên liệu như: ngô hạt, khô đậu… tại các cảng hàng hóa. Đây là cơ sở vật chất rất cần thiết cho ngành chăn nuôi khi mà hàng năm nước ta phải nhập khẩu trên chục triệu tấn nông sản làm nguyên liệu TACN. Không nên tách biệt ngành chế biến TACN ra khỏi ngành chăn nuôi vì TACN là đầu vào quan trọng, chiếm đến 70% giá thành chăn nuôi. Nhà nước nên có quy hoạch phát triển nguồn nguyên liệu trong nước một cách cụ thể, đồng thời có những chính sách bảo hộ ngành sản xuất TACN. Thật vô lý khi một số loại nguyên liệu chế biến TACN nhập khẩu vẫn đang phải chịu thuế trong khi thuế xuất khẩu bắp, khoai mì... lại bằng 0.

Ngân sách nhà nước nên hỗ trợ vốn dưới hình thức cho nhà đầu tư vay để xây dựng các hạng kết cấu hạ tầng cứng và mềm cần thiết và sử dụng lâu dài tại vùng nguyên liệu TACN. Ngân sách nhà nước và các tổ chức tín dụng triển khai các hình thức tín dụng ưu đãi cho người chăn nuôi và DN để đầu tư trực tiếp vào các hoạt động trồng trọt để tạo vùng nguyên liệu TACN đáp ứng yêu cầu kinh doanh có hiệu quả. Chính quyền tỉnh và các huyện có vùng nguyên liệu TACN của dự án FDI có trách nhiệm bảo vệ và duy trì các vùng nguyên liệu đã quy hoạch cho dự án FDI để đảm bảo cung cấp đầy đủ nguyên liệu tập trung cho nhà đầu tư.

Ngoài ra, nhà nước cần nghiên cứu đưa ra các quy định phù hợp về cả quyền và trách nhiệm của nhà đầu tư với vùng nguyên liệu TACN, đủ đảm bảo giúp nhà đầu tư duy trì và phát triển các vùng nguyên liệu TACN, đồng thời có chính sách hỗ trợ nhà đầu tư xây dựng hạ tầng của vùng nguyên liệu theo quy hoạch. Vì vậy muốn người dân phát triển chăn nuôi hiện đại cần có cơ chế tín dụng ưu đãi cho họ. Hiện nay giá đất nông nghiệp của VN cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực, lãi suất của VN quá cao không thể đầu tư lâu dài cho chăn nuôi.

Chuỗi giá trị

Theo Hiệp hội thức ăn chăn nuôi VN, hiện cả nước có 233 cơ sở và nhà máy sản xuất TACN và thuỷ sản, trong đó có 58 nhà máy của DN liên doanh và 100% vốn nước ngoài, năm 2011 sản xuất được gần 7 triệu tấn thức ăn chăn nuôi hỗn hợp, chiếm thị phần khoảng 60%. Những Cty nước ngoài chiếm thị phần lớn như Cty cổ phần CP VN: 18%; Proconco: 12%, New Hope: 9-10%, Cargill: 8-9%; còn 175 cơ sở, nhà máy sản xuất thức ăn của DN VN, năm 2011 chỉ sản xuất khoảng 4,5 triệu tấn, chiếm khoảng 40% thị phần. 

Trong khi các DN sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước đang loay hoay với việc tiếp cận vốn, công nghệ, chiến lược kinh doanh thì các DN nước ngoài đang tận dụng ưu thế để mở rộng nhà máy, mạng lưới kinh doanh, khai thác tiềm năng thị trường. Tháng 3 năm 2012, Cty TNHH Cargill VN (thuộc tập đoàn Cargill-Mỹ) đã khánh thành nhà máy sản xuất TACN số 9 tại VN đưa công suất lên 1 triệu tấn /năm và dự kiến tăng lên 1,5 triệu tấn/năm vào năm 2015. Tập đoàn CP đã thông báo sẽ thêm 6 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi - thuỷ sản tại VN từ nay đến năm 2014. Cty New Hope (Trung Quốc) cũng khẳng định sẽ xây thêm 6 nhà máy tại VN trong những năm tới.

Không chỉ chi phối sản xuất TACN mà các Cty nước ngoài cũng chi phối cả thức ăn cho thuỷ sản. Hiện họ đang nắm trong tay tới 95% thị phần thức ăn cho tôm.

Thực tế diễn ra những năm gần đây có thể nói giá cả TACN đều do DN nước ngoài chi phối và liên tục tăng làm tăng giá thành chăn nuôi và giảm lợi nhuận của người chăn nuôi.

Các Cty nước ngoài thành công bởi họ có cách quản lý khoa học và cách thâm nhập thị trường chuẩn. Họ liên kết với người dân chặt chẽ và hiệu quả thông qua hệ thống nuôi gia công bằng việc cung cấp con giống, TACN, cán bộ kỹ thuật, đồng thời bảo đảm tiền công nuôi hoặc giá mua cố định cho người dân.

Ngược lại, quy trình quản lý chất lượng của các DN trong nước yếu hơn hẳn và hầu như không có liên kết với nông dân. VN cũng chưa có ngành sản xuất con giống chất lượng cao dù có nhiều cơ quan nghiên cứu do xuất phát điểm của chúng ta quá thấp, các đề tài nghiên cứu thiên về cơ chế hành chính phân bổ đề tài nên xa rời thực tế hoặc làm xong vẫn cất trong tủ. Vì vậy, để cạnh tranh, các DN trong nước buộc phải sản xuất theo chuỗi giá trị giống như các DN nước ngoài đã và đang làm.

Theo Đoàn Xuân Trúc
Tổng thư ký, Phó chủ tịch Hội chăn nuôi Việt Nam
Diễn đàn Doanh nghiệp

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM