Ngăn Google, Amazon, Microsoft 'né' thuế? Đừng có mơ!
'Google Tax' - đề xuất đánh thuế Google tới 25% lợi nhuận của hãng tại Vương quốc Anh. Không chỉ vậy, Amazon, Facebook và Google sẽ bị buộc phải công bố doanh thu và lợi nhuận của hãng tại từng quốc gia.
Nội dung nổi bật:
- "Google Tax" - "Đánh thuế Google" - hướng tới việc đánh thuế tới 25% vào lợi nhuận của chi nhánh Google tại Anh và bắt Google phải công khai lợi nhuận khu vực của hãng, tránh việc lợi nhuận bị thất thoát sang các đường thuế trên thế giới.
- Nghe có vẻ quyết liệt, nhưng trên thực tế, nhiều người nhận định đấy là chính sách "làm mầu" của Bộ trưởng tài chính George Osborn trước khi ngân sách cho năm tài chính mới được thông qua.
Trong cuộc bỏ phiếu tại Vương quốc Anh tháng 5 tới, những công ty công nghệ lớn sẽ trở thành tâm điểm thu hút sức nóng. Một bài viết đăng trên tờ Sunday Times mới đây đã cung cấp thêm nhiều chi tiết xung quanh bản đề xuất của Bộ trưởng Tài chính George Osborne về cái gọi là "Google Tax" - "Đánh thuế Google" - hướng tới việc đánh thuế tới 25% vào lợi nhuận của chi nhánh Google tại Anh.
Trước đó, thông qua những biện pháp "lách luật", các công ty công nghệ đã chuyển lợi nhuận của mình ra nước ngoài, qua đó tránh được hàng triệu USD tiền thuế. Những khoản thuế thu về sẽ được đưa vào ngân sách của Vương quốc Anh và nhiều khả năng, sẽ được áp dụng vào cuối tháng này.
Hiện tại, vẫn chưa rõ Google sẽ phải nộp thêm bao nhiêu triệu USD, hay hãng có phải chịu việc truy thu thuế hay không. Khi ông Osborne lần đầu công bố kế hoạch này vào tháng 12/2014, đã có ước tính rằng Vương quốc Anh có thể truy thu tới 1,5 tỉ USD trong vòng 5 năm.
Đề xuất "Đánh thuế Google" đưa ra mức thuế tới 25% cũng cao hơn so với mức thông thường là 20% tại Vương quốc Anh, và chỉ được áp dụng cho các doanh nghiệp có doanh thu hàng năm lớn hơn 376 triệu USD.
Một điểm đáng chú ý là tờ Sunday Times cho biết các khoản thuế cao sẽ đi kèm với những báo cáo chặt chẽ về công ty. Amazon, Facebook và Google sẽ bị buộc phải công bố doanh thu và lợi nhuận của hãng tại từng quốc gia.
Nếu những số liệu này công bố, nó sẽ giúp cho các cơ quan thuế có một bức tranh rõ ràng hơn các công ty trên đang thu về bao nhiêu tiền trên từng thị trường. Kết hợp với các số liệu tính toán khác như số lượng nhân viên đang làm việc tại từng quốc gia, hoạt động của Google hay Amazon tại Vương quốc Anh sẽ trở nên rõ ràng.
Trích tờ Sunday Times:
"... Thông qua những thủ đoạn kế toán hợp pháp, Facebook và Google đã chuyển phần lớn doanh thu của mình sang những thiên đường thuế như Caribbean, những nơi không đánh thuế doanh nghiệp. Đề xuất của ông Osborne sẽ kiểm soát tình trạng này".
Đưa ra một chính sách như vậy trước khi báo cáo về Ngân sách được công bố vào ngày 18/3, rõ ràng là một bước đi có tính toán. Bộ trưởng Osborne đang cố gắng muốn Quốc hội thấy Đảng Bảo Thủ của ông đang chiến đấu với những kẻ trốn thuế.
Mặc dù vậy, một số người cũng đánh giá đây chỉ là hành động "làm màu" trước khi việc bỏ phiếu cho Ngân sách mới diễn ra và rất khó để tạo ra một sự thay đổi lớn.
"Cuối cùng, sẽ chỉ có một phần rất nhỏ lợi nhuận của những tập đoàn quốc gia trong danh sách của ông ta sẽ được truy thu. Với những biện pháp mà chính sách này đưa ra, các tập đoàn đa quốc gia sẽ rất nhanh chóng nghĩ ra cách 'lách' mà chẳng tốn một giọt mồ hôi", Toby Ryland, chuyên gia thuộc hãng kế toán HW Fisher & Company trả lời tờ Guardian khi đề xuất này mới được công bố.
Trong bối cảnh việc quản lý chặt chẽ những tập đoàn như Google khiến công chúng không hài lòng, việc đưa ra một đạo luật như Google Tax cũng sẽ không được hoan nghênh.
Quý 4/2014, Google công bố doanh thu đạt 1,7 tỉ USD tại Anh (không phải lợi nhuận). Năm 2013, tập đoàn này có doanh thu đạt 5,4 tỉ USD và chỉ trả 30 triệu USD tiền thuế.
Google cũng không phải là hãng công nghệ duy nhất trong lịch sử bị Vương quốc Anh hay các quốc gia châu Âu để ý tới. Năm 2013, Amazon có doanh số hơn 6,5 tỉ USD, nhưng chỉ trả có 6,3 triệu USD tại Anh. Apple, cũng bị cho là tìm mọi cách trốn thuế ở châu Âu, sau khi thu về tới 54 tỉ USD lợi nhuận tại khu vực này.
Ngoài ra, không có gì ngạc nhiên khí có những "lực cản" cho chính sách này của Bộ trưởng tài chính Osborne. Hội đồng ngoại thương Quốc gia, một tổ chức chuyên thực hiện vận động hành lang, đại diện cho khoảng 300 doanh nghiệp lớn của Mỹ, trong đó có Google, eBay và Microsoft đã cánh bảo rằng chính sách thuế mới này sẽ khiến các tập đoàn công nghệ từ bỏ việc đầu tư vào nước Anh. Một số công ty khác cũng đang đặt câu hỏi về tính hợp phá của các chính sách tính thuế đang được áp dụng ở châu Âu.
>> Google sắp cạnh tranh với Viettel, Mobifone trong tương lai?
Trang Lam