Nấm, lan về quê, tiền tỷ theo về
Trồng nấm và “nuôi” lan là những nghề khó, thế nhưng có 2 DN tư nhân mạnh dạn bỏ ra tiền tỷ để đầu tư cho nông dân, kết quả thành công không ngờ.
Theo ông Lê Duy Thắng (Trường Đại học KH Tự nhiên TP.HCM), VN đang tồn tại 2 kiểu trồng nấm. Một là, trồng theo kiểu thủ công, truyền thống, lệ thuộc rất nhiều vào tự nhiên và kinh nghiệm nên sản lượng và chất lượng không ổn định; Hai là, trồng kiểu công nghiệp, phổ biến nhất là trong nhà trồng kín với hệ thống điều khiển nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, oxy... hoàn toàn tự động, đáp ứng yêu cầu sinh trưởng tốt nhất cho nấm và mang lại hiệu quả cao nhất cho người trồng, nhưng trồng theo cách này vốn đầu tư ban đầu có thể từ vài tỉ lên vài chục tỉ đồng mà điển hình là Cty Nấm Trang Sinh (quận 5, TP.HCM) đã dám làm, bỏ ra 7 tỷ đồng để xây dựng 1 nhà máy nấm hiện đại tại Khu nông nghiệp công nghệ cao (Củ Chi, TP.HCM).
Bà Hàng Châu Trang, GĐ Cty cho biết, ý tưởng xuất phát từ việc thành lập nhà máy nấm là do bà nhận thấy hiện ở các siêu thị hoặc các quầy bán rau chợ truyền thống, xuất hiện hầu hết các gói hay hộp nấm, trọng lượng 125g đến 180g nhưng nếu gắn mác ngoại thì giá bán của mỗi đơn vị từ 15 - 18 ngàn đồng, trong khi nấm nội được đóng gói dạng kg (nấm bào ngư) mà giá chỉ có 20.000 - 30.000 đồng. Điều này có nghĩa giá trị của nấm ngoại cao hơn nấm nội đến những 6 - 7 lần.
Theo bà Trang, nguyên nhân chính do nấm của ta đóng gói trong bọc ni lông, số lượng lớn, hình thức xuề xòa, khó kiểm tra dẫn đến người mua không an tâm với chất lượng bên trong, chưa kể trong quá trình thu hoạch, bảo quản nấm cũng chưa tốt. Trái lại, nấm nước ngoài chứa trong hộp bao kín, có thể nhìn rõ bên trong, hình thức đẹp, hấp dẫn nên người tiêu dùng vừa dễ quan sát mà cũng dễ lựa chọn. “Chúng tôi đầu tư xây dựng nhà máy nấm công nghiệp với qui mô SX 1,5 tấn nấm/ngày, trong đó chủ yếu các loài nấm sống ở nhiệt độ từ 20 - 25oC cũng chỉ với mong muốn khắc phục những nhược điểm nói trên” - bà Trang nói.
Được biết, tại TP.HCM mỗi ngày tiêu thụ không dưới 15 tấn nấm các loại, nhưng trong đó có hơn 80% nguồn gốc từ Trung Quốc, bao gồm nấm kim châm, đông cô, ngọc bích, đùi gà... Sự xuất hiện của nấm Trung Quốc có mặt hại là chưa thể kiểm soát hết được chất lượng của nấm nhập khẩu.
Với tầm nhìn xa, Cty Nấm Trang Sinh cho rằng chỉ cần “thuyết phục” được người dân TP.HCM tiêu thụ 1 năm từ 50 - 100g nấm tươi, tức mỗi ngày nhà máy chỉ cần đảm bảo SX 2 - 3 tấn nấm tươi là đủ đáp ứng nhu cầu, đánh bật hàng TQ. Việc này nằm hoàn toàn trong khả năng Cty, bởi trong 6 tháng qua, cùng với nhà máy nấm, Cty đã xây dựng được một hệ thống “vệ tinh” với gần 500 hộ nông dân liên kết, tập trung nhiều nhất là khu vực Hóc Môn, Củ Chi (TP.HCM). Theo đó, các hộ nông dân sẽ mua meo giống (nấm bào ngư và linh chi) của Cty, sau 2 tháng trồng Cty mua lại sản phẩm.
Ông Trang Cải (Tân Xuân, Hóc Môn) cho biết, tháng 9 vừa rồi, sau khi được tham gia lớp tập huấn trồng nấm của Cty, ông về nhà “cải tạo” chuồng heo thành nhà nấm với DT khoảng 60 m2. “Cty tập huấn có thể làm khung sườn bằng sắt tráng kẽm mất 16 - 17 triệu, nên tôi quyết định làm bằng cây tầm vông giá thành chưa đến 8 triệu. Sau đó, tôi nhận 5.000 bịch phôi nấm bào ngư của Cty giá 3.600 đ/bịch, nếu cộng thêm tiền chuyên chở khoảng 400 đ/bịch. Sau hơn 2 tháng trồng, NS đạt 300 g nấm tươi/bịch, thu về sản lượng 1,6 tấn nấm. Tôi bán cho công ty giá 30.000 đ/kg tương đương số tiền gần 50 triệu. Sau khi trừ hết chi phí, lãi phân nửa” - ông Cải khoe.
...Lâu nay, cây lan hồ điệp chỉ ra hoa xứ lạnh ở Bảo Lộc, Đà Lạt (Lâm Đồng), không thể trồng ở vùng có nhiệt độ nóng quanh năm như tại TP.HCM và các tỉnh lân cận. Trong khi đó, trên thị trường loại cây kiểng này lúc nào cũng có giá 80 ngàn/cây, đặc biệt vào dịp lễ, Tết có thể lên đến 100 ngàn, nhưng luôn trong tình trạng “cháy” hàng.
Lan hồ điệp nở hoa trong điều kiện nóng tại nhà bà Dung (Cần Giuộc, Long An)
Nắm bắt được nhu cầu thị trường, 2 năm trước, Cty Long Đỉnh (quận Tân Phú, TP.HCM) đã bỏ ra hơn 3 tỷ để thành lập 1 phòng cấy mô ở KCN Tân Bình và 1 vườn thử nghiệm lan giống tại xã Trung An, Củ Chi chỉ nhằm mục đích cho việc nghiên cứu, phát triển đại trà lan hồ điệp ra hoa trong điều kiện nhiệt độ nóng.
“Những năm trước, tôi là cán bộ giảng dạy bộ môn sinh lý thực vật của trường ĐHNL TP.HCM, từng ấp ủ đề tài này nhưng không có kinh phí và điều kiện thực hiện. Sau khi nghỉ dạy, cùng một số người bạn thành lập Cty, thay vì đầu tư địa ốc lúc đó đang "hot", tôi quyết định nghiên cứu, trồng lan hồ điệp nên có cơ hội biến giấc mơ trở thành sự thật” - ông Hoàng Quí Châu, một trong những thành viên sáng lập Cty bộc bạch.
Thường lan hồ điệp chỉ trồng được ở xứ lạnh (20 - 23 oC) nhưng Cty Long Đỉnh đã chuyển giao thành công kỹ thuật ra hoa cho nông dân trong điều kiện nhiệt độ phía Nam nóng trên 30 oC. Ngày 13/12, chúng tôi đến thăm 4.000 m2 trồng 10 ngàn cây lan hồ điệp đang ra hoa khoảng 50% của chị Nguyễn Kim Dung ở ấp Lộc Hậu (Mỹ Lộc, Cần Giuộc, Long An). Chị Dung nhớ lại, ban đầu, năm 2011, khi Cty Long Đỉnh đưa về trồng thử nghiệm 1.000 cây lan hồ điệp chị hồi hộp lắm. Lúc đó, hết đợt vườn lan ra hoa có 30%, 700 cây còn lại không ra hoa xem như... vứt! Tuy nhiên, với giá vốn 6.000 đồng/cây, bán hoa đợt đầu chị thu hồi được vốn và chút ít tiền công.
“Tôi cho rằng, đây là những nhà đầu tư khôn ngoan còn đứng vững được trong bối cảnh nhiều DN “chết” hàng loạt như hiện nay. Có thể ban đầu họ chưa có lãi, do phải đầu tư nhà máy, vườn ươm, rồi ứng vốn cho nông dân thông qua việc cung cấp meo giống, cây lan giống, nhưng trong tương lai thì đây mới chính là SXNN bền vững bởi nhu cầu thị trường luôn luôn có...” - Ông Nguyễn Văn Phụng, Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM.
Đầu năm nay, rút kinh nghiệm những đợt trước, cùng sự hướng dẫn kỹ thuật của nhân viên Cty, vườn lan của chị đạt 50% tức khoảng 5.000 cây ra hoa. Với giá bán 1 cây tại vườn là 80 ngàn, từ đây đến Tết, chị Dung cầm chắc trong tay 400 triệu, đúng là thành công của nhà nông ít ai nghĩ tới. “Tuy nhiên, cũng khó “nuốt” nó lắm. Bón phân gì, thời điểm nào, nhất là kỹ thuật xử lý ra hoa đều phải làm rất công phu, tỉ mỉ” - chị Dung nói.
Hiện nay, Cty Long Đỉnh đang đầu tư cây giống, phân bón và chuyển giao kỹ thuật cho nông dân 3 tỉnh Long An, Tiền Giang và Bến Tre trồng lan hồ điệp. Cty bán giá 1 cây cấy mô (cao 5 cm) là 6.000 đồng; cây 1 tháng tuổi 9.000 đồng; 3 tháng tuổi 15.000 đồng; 5 tháng tuổi là 30.000 đồng. Gặp chúng tôi tại vườn lan giống ở Củ Chi, nông dân Trương Văn Thỉnh ở huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre cho biết, năm 2011 ông trồng thử 200 cây, mới 8 tháng đã ra hoa đạt 70% tức được 140 cây, bán giá 80 ngàn/cây thu được hơn 11 triệu đồng. Năm nay, ông mở rộng DT tiếp tục đầu tư trồng 4.000 cây. Dự kiến vào tháng 10/2013 (từ khi đưa lan cấy mô 2 lá về trồng thì sau 9 tháng cây mới phát dục) sẽ thu hoạch, nếu tính hao hụt 50% và chỉ cần 2.000 cây ra hoa, ông Thỉnh sẽ cầm chắc trong tay số tiền 160 triệu.
Nghiên cứu thành công giống lan chịu nhiệt của Cty Long Đỉnh đã giúp cho nông dân có thêm mô hình kinh doanh mới, còn thị trường hoa lan cũng không phải phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu.
Theo Đỗ Quyên
Nông nghiệp