MobiFone mua AVG, thì sao?

08/01/2016 14:56 PM | Kinh doanh

Không rõ MobiFone sẽ trả tiền mặt hay bằng cách “hoán đổi” cổ phần?...

Thông tin Tổng công ty Viễn thông MobiFone mua Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG - Truyền hình An Viên) được đồn đại suốt thời gian qua, nhưng đến nay, vẫn chưa có một đơn vị liên quan nào chính thức xác nhận.

Hôm 25/12 vừa qua, Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ cũng có mặt tại buổi hội nghị triển khai công tác 2016 của MobiFone. Tại đây, ông chia sẻ với truyền thông rằng, MobiFone và AVG có kế hoạch hợp tác, có lĩnh vực kinh doanh gần gũi và dễ tìm được tiếng nói chung.

Sự xuất hiện của ông Vũ được xem như là một… tín hiệu mở. Nếu MobiFone mua AVG thật thì sao?

AVG có lợi thế gì?

Truyền hình AVG chính thức phát sóng ngày 11/11/2011 sau một năm phát sóng thử nghiệm trên hai hạ tầng truyền dẫn phát sóng truyền hình là truyền hình số mặt đất và truyền hình số vệ tinh, sử dụng công nghệ truyền dẫn phát sóng truyền hình kỹ thuật số mặt đất thế hệ 2 (DVB-T2), chuẩn nén MPEG4 và công nghệ mạng đơn tần (SFN).

Thời điểm đó, lãnh đạo AVG giới thiệu là công nghệ truyền hình tiên tiến nhất thế giới trong việc truyền dẫn, phát sóng và là đơn vị đầu tiên của châu Á thử nghiệm thành công và triển khai áp dụng trên diện rộng.

Dù vậy, ở thời điểm hiện tại, nhiều đài truyền hình như VTV, Công ty TNHH Truyền hình kỹ thuật số Miền Nam (SDTV), Công ty Cổ phần Truyền dẫn phát sóng truyền hình đồng bằng sông Hồng (RTB)… cũng đang sử dụng công nghệ kỹ thuật số mặt đất thế hệ 2 (DVB-T2) như AVG.

Công nghệ của AVG chỉ còn hơn công nghệ truyền hình kỹ thuật số mặt đất thế hệ 1 của VTC - công nghệ đầu tiên mà nhà đài này đã tiên phong cách đây hơn 10 năm.

Nguồn lực của AVG còn được cộng hưởng với hệ thống kênh tần số (còn được gọi là giấy phép) - điều kiện để phát sóng các chương trình truyền hình - với bốn kênh tần số trên hạ tầng truyền hình số mặt đất gồm 56, 57, 58 và 59 mà Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp. Tuy nhiên, do số lượng kênh tần số này là của Nhà nước cấp cho AVG sử dụng (không phải bán) nên khi AVG không sử dụng sẽ phải trả lại, còn nếu bán (bán công ty) thì phải chuyển giao.

“Các kênh tần số này, AVG không thể tính như một giá trị tài sản của mình để đem bán”, lãnh đạo một doanh nghiệp truyền hình trả tiền nói với VnEconomy.

Kế tiếp là về nội dung, yếu tố cốt tử của việc thành bại đối với doanh nghiệp truyền hình.

Hiện AVG là nhà cung cấp dịch vụ và xây dựng hạ tầng truyền hình nên không được độc lập đứng tên làm chủ các kênh truyền hình và tự chủ sản xuất nội dung mà phải liên kết với các đài phát thanh và truyền hình để sản xuất. Tiêu biểu như kênh truyền hình về Phật Giáo (kênh An Viên) mà AVG đã liên kết với Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Dương (BTV) sản xuất nội dung; kênh An ninh TV (ANTV) mà AVG hợp tác với Trung tâm Phát thanh - Truyền hình, Điện ảnh CAND; hay liên kết với Truyền hình Hà Nội để sản xuất nội dung cho kênh An ninh thế giới…

Một số kênh như kênh ca nhạc (Việt Teen), kênh thiếu nhi (SAM) và các kênh liên kết trên của AVG, dưới đánh giá của người dùng, là những kênh xem được, dù không quá đặc sắc. Dù vậy, trong số các doanh nghiệp lớn về truyền hình trả tiền, như hai “ông lớn” SCTV hay VTVcab thì nội dung của AVG còn kém khá xa, với K+, HTV…, AVG cũng không lợi thế bằng.

Có lẽ thành quả và tài sản lớn nhất của AVG ở thời điểm hiện tại là khoảng hơn 400.000 thuê bao. Trong tổng số 9,9 triệu thuê bao truyền hình trả tiền hiện nay và so với các doanh nghiệp lớn về truyền hình trả tiền thì lượng thuê bao của AVG cũng gần như là thấp nhất.

Chưa kể, thuê bao của đơn vị này chủ yếu phát triển ở nông thôn nhờ giá rẻ (trung bình 30-50 nghìn thuê bao) và nhờ chính sách miễn phí thuê bao từ 1-2 năm. Do đặc điểm của lượng thuê bao này nên khả năng gia tăng các nguồn thu từ các dịch vụ giá trị gia tăng cũng là không cao.

Tóm lại, nếu AVG đứng một mình như hiện nay chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, trong bối cảnh vẫn phải chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ của các “ông lớn” như SCTV và VTVcab và sự trỗi dậy của truyền hình cáp quang từ các đại gia viễn thông như VNPT, Viettel, FPT.

Giá bao nhiêu?

Nhiều câu hỏi được đặt ra đối với thương vụ MobiFone mua AVG, như vì sao MobiFone lại mua AVG mà không phải doanh nghiệp truyền hình trả tiền khác? Tại sao MobiFone không tự xây dựng hạ tầng như AVG khi việc xây dựng này được xem cũng không có nhiều khó khăn? MobiFone sẽ mua AVG trước cổ phần hóa hay sau? Sau khi mua AVG việc định giá lại giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa như thế nào? MobFone mua AVG với cách thức như thế nào và giá bao nhiêu?

Tất nhiên câu trả lời sẽ chính xác nhất nếu đến từ lãnh đạo MobiFone. Tuy nhiên, khó để nhận được câu trả lời của MobiFone ở thời điểm hiện tại.

Nhiều lãnh đạo gạo cội đương nhiệm của doanh nghiệp truyền hình trả tiền và nhà mạng lớn nhìn nhận, nếu MobiFone tự xây dựng mạng lưới (là việc hoàn toàn trong khả năng của MobiFone) thì nhanh nhất cũng phải mất 6-9 tháng, và chừng khoảng sau một năm thì mới có thể cung cấp được dịch vụ ra thị trường.

Trong khi, nếu mua AVG, MobiFone có thể tận dụng được hạ tầng mạng lưới, thuê bao sẵn có của AVG để triển khai cung cấp dịch vụ ngay mà không phải mất khoảng thời gian tự xây dựng.

Đối với trường hợp mua doanh nghiệp truyền hình trả tiền khác, không phải AVG, chẳng hạn như K+, HCTV… thì vấn đề là các doanh nghiệp này có muốn bánh hay không (khả năng này được nhìn nhận là không có khả thi), và thứ hai là giá cũng sẽ đắt hơn AVG rất nhiều.

Thứ hai, về cách thức mua. Không rõ MobiFone sẽ trả tiền mặt hay bằng cách “hoán đổi” cổ phần?

Theo một chuyên gia tài chính chuyên về mua bán sáp nhập doanh nghiệp, do MobiFone là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, AVG là công ty cổ phần, nên MobiFone chưa thể “hoán đổi” cổ phần với AVG do chưa là doanh nghiệp cổ phần, mà MobiFone có thể mua lại cổ phần của các cổ đông AVG, hoặc dùng các hình thức khác cho phép như mua tài sản.

Theo vị chuyên gia này, điều quan trọng của thương vụ là phải định ra giá phù hợp cho cả bên mua và bên bán.

Ông cũng cho rằng, nếu hợp tác này được thực hiện trước khi MobiFone cổ phần hóa, thì MobiFone phải tuân theo quy định quản lý tài chính của doanh nghiệp Nhà nước, các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt sau đó sẽ được tiến hành. Còn nếu mua sau cổ phần hóa sẽ phải được sự đồng ý của đại hội đồng cổ đông, thủ tục, quy trình cũng phức tạp hơn.

Theo Hoàng Bảo

Cùng chuyên mục
XEM