Mô hình 'cà phê chỉ tính tiền NGỒI': Liệu có thể thành công ở Việt Nam? (P1)
Ở Anti cafe, bạn không trả tiền cho dịch vụ, bạn trả tiền cho thời gian.
Một mô hình kinh doanh mới đang thu hút được sự chú ý, và nhanh chóng được bắt chước ở châu Âu. Liệu nó có thể thành công ở Việt Nam?
Anti café
Với 9 quán ở Moscow và 200 ‘’copycat’’ ở Nga chỉ trong vòng 3 năm, Ivan Meetin đã tạo ra một khái niệm kinh doanh mới xuất sắc. Đã có vài quán tương tự ở Pháp, Đức, và giờ đây được đưa tới London, một ‘’thử nghiệm xã hội’’ – theo cách gọi của họ xem chừng có thể áp dụng phổ biến trên toàn cầu.
Ý tưởng có vẻ đơn giản, thay vì đến quán cà phê, gọi đồ uống và chịu ánh nhìn thiếu thiện cảm của người phục vụ khi bạn ngồi quá lâu, đến anti cafe, trà, bánh ngọt, cà phê là miễn phí, bạn còn có thể tự mang đồ ăn hoặc bất cứ thứ gì bạn thích, trừ rượu, và chỉ trả tiền cho thời gian ngồi tại quán. Nó mất khoảng 1,8 pound/giờ, không quá rẻ, cũng tương đương nếu bạn trả cho một tách cà phê Starbucks và ngồi trong 2 tiếng.
Cũng đã có không thiếu những ý tưởng kinh doanh dịch vụ mới lạ. Có quán ăn mà bạn trả tiền tương ứng với thời gian lúc đó (nếu là 5h chiều – 5USD, 19h30 – 7,5 USD). Có quán bạn sẽ được miễn phí nếu hoàn thành thử thách nào đó (một tô phở to chẳng hạn).
Ở Việt Nam có cà phê sách, cà phê mèo, cà phê ngủ trưa… và vô vàn các kiểu kinh doanh tìm sự khác biệt ở cách thiết kế theo chủ đề. Còn Anti cafe được xây dựng trên một khái niệm khác, không có sự phục vụ, mọi người bình đẳng và trả tiền cho thời gian sử dụng không gian.
Đâu là sự tương đồng giữa một người mua một ly cappuccino và ngồi trong 2 tiếng với một người mua mang đi?
- Họ cùng trả một giá tiền.
Và đâu là sự khác biệt giữa một nhóm người chỉ gọi vài món snack và trò chuyện cả buổi với một người thưởng thức cà phê trong vòng 15 phút?
- Người đó trả nhiều tiền hơn.
Nếu là người tìm kiếm một tách cà phê ngon, không ai quan tâm điều này, nhưng nếu bạn đến quán cà phê để tìm không gian, thì đó có thể là hạn chế của mô hình kinh doanh dịch vụ truyền thống.
Ở Anti cafe, bạn không trả tiền cho dịch vụ, bạn trả tiền cho thời gian, vì thời gian là tiền bạc, theo đúng nghĩa đen.
Vì vậy họ cũng tránh dùng từ ‘’khách hàng’’, vì không ai phục vụ khách hàng, mà người đến Anti cafe để thuê chung không gian, nó tạo cảm giác họ là một phần của không gian này, và cùng với chủ quán, có trách nhiệm với nó.
Đó là lý do khi bước vào, mọi người tự lấy cho mình một chiếc đồng hồ (dù thực sự nó chỉ mang tính biểu tượng hơn là để tính giờ), được hướng dẫn tự pha cà phê, chỗ để cốc, tách… Có thể ngồi chơi piano cho người khác nghe, và thường thì họ sẽ tự rửa chén đĩa sau khi sử dụng dù điều này là không bắt buộc.
Điều quan trọng cuối cùng là đừng quên bỏ tiền vào hộp để sẵn ở cửa, tương ứng với thời gian mà họ ở tại đây.
Tất nhiên ở Anti cafe cung cấp mọi thứ tương tự như một quán cà phê thông thường: chỗ ngồi, đồ uống, sách, wifi tốc độ cao… tất cả chỉ trừ việc tự phục vụ. Nó giúp giảm chi phí quản lý và chi phí lớn nhất là địa điểm. Chi phí này được chia sẻ lại bởi người dùng, theo đúng tinh thần kinh doanh. Vì vậy cách định giá cũng được dựa theo thời gian sử dụng thực tế.
Ở Nga, nó sẽ tốn 2 rúp/phút trong giờ đầu tiên, và 1 rúp/phút cho giờ tiếp theo, sau 5 giờ thì miễn phí, tức là khoảng gần 4 USD cho giờ đầu tiên và không quá 12 USD cho một ngày.
Ở Anh, người dùng trả 3 pence/phút và 1,8 pound/giờ (khoảng 3 USD), và dùng không hạn chế bánh, cà phê, wifi.
Một phiên bản ở Pháp còn có gói theo ngày (14 euro/ngày) và tháng (200euro/tháng).
Nhưng nếu bạn nghĩ chỉ cần vài cái bàn, trà gói, cà phê hòa tan và đầu máy DVD chiếu phim để kinh doanh được theo mô hình này thì bạn đã nhầm. Điều quan trọng nhất trong kinh doanh cà phê vẫn là cách tạo môi trường và không khí, nếu không ai cũng có thể bắt chước được bạn.
(Còn nữa)
>> Lạ kì mô hình quán cà phê miễn phí mọi thứ, chỉ tính tiền NGỒI
Nguyên Linh