Mạng di động ảo Việt trước nguy cơ bị thu hồi giấy phép

27/09/2012 07:54 AM | Kinh doanh

Bộ Thông tin truyền thông gửi tối hậu thư cho VTC và Đông Dương Telecom.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã gửi “tối hậu thư” cho các doanh nghiệp được cấp giấy phép mạng viễn thông ảo, nếu không triển khai cung cấp dịch vụ sẽ bị thu hồi lại giấy phép.

Đã ba năm tính từ thời điểm tấm giấy phép gần nhất được cấp cho mạng viễn thông di động mặt đất không có tần số đầy đủ VTC.
 
Còn nhớ, khi nhận giấy phép từ Bộ Thông tin và Truyền thông, đại diện của doanh nghiệp đã tiết lộ, sẽ hợp tác với EVN Telecom để cung cấp mạng di động ảo.
 
Còn giờ, khi thương hiệu EVN Telecom đã không còn tồn tại trên thị trường viễn thông Việt, VTC vẫn chưa có động tĩnh gì để chứng tỏ sẽ ra mắt một mạng di động ảo của mình.
 
Trước VTC khoảng 1 năm, công ty Đông Dương Telecom cũng đã nhận giấy phép mạng di động ảo. Khi được cấp phép, theo cam kết lúc đó, công ty sẽ triển khai mạng vào quý I/2010. Sau đó, lại có khẳng định được đưa ra, kiểu gì, doanh nghiệp cũng phải triển khai cung cấp dịch vụ trong năm 2011.
 
Đông Dương Telecom còn được “chia sẻ” đầu số vàng 099 với Beeline Việt Nam khi đó và nay là mạng di động Gmobile.
 
Tuy nhiên, ở thời điểm này, khi quý 3/2012 đã gần kết thúc, vẫn chưa có một động thái nào thể hiện doanh nghiệp sẽ tham gia cung cấp dịch vụ trên thị trường.
 
Trao đổi với báo giới mới đây, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, từ cuối năm ngoái, đúng ra cơ quan quản lý nhà nước đã phải thu hồi giấy phép của doanh nghiệp, song khi đó, họ đã đưa ra một số lý do chưa triển khai được và còn cam kết chắc chắn sẽ triển khai mạng nên Cục mới chỉ cảnh báo.

Và cho tới thời điểm này, vẫn chưa có động thái gì cho thấy mạng ảo được triển khai nên Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra tối hậu thư. Theo đúng quy định, nếu quá thời gian cho phép mà doanh nghiệp không triển khai thì thu hồi lại giấy phép.

Các chuyên gia viễn thông cho rằng, sở dĩ các tấm giấy phép triển khai mạng di động ảo của Việt Nam khi các doanh nghiệp nhận được lại chỉ… để đó vì họ gặp khó khăn trong bài toán kinh doanh khi cung cấp dịch vụ.
 
Với các điều kiện không quá khắt khe như hiện nay, việc để có tấm giấy phép khá dễ dàng, nhưng để các mạng di động ảo thực sự đi vào hoạt động lại là câu chuyện hoàn toàn khác.
 
Theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia, việc triển khai MVNO có hiệu quả hay không hoàn toàn phụ thuộc vào doanh nghiệp.
 
Thế nhưng, khi đệ đơn xin cấp phép, doanh nghiệp này đã không lường trước được sự khắc nghiệt của thị trường thông tin di động Việt hiện nay.
 
Nhiều chuyên gia cho rằng, cơ hội thành công trong việc kinh doanh mạng di động ảo giờ đang ngày càng ít hơn khi mà cuộc chiến giữa các mạng có hạ tầng mỗi ngày một quyết liệt hơn.

Với con số khoảng 120 triệu thuê bao di động, thị trường dù được nhận định cơ hội để các nhà mạng nâng cao số lượng thuê bao vẫn còn nhưng không quá lớn khiến ngay cả các doanh nghiệp vốn được xây dựng hạ tầng nhưng “sinh sau đẻ muộn” như Vietnamobile hay Gmobile còn đang chật vật kinh doanh, thì mạng di động ảo được dự báo khi tham gia cung cấp sẽ còn gặp khó hơn rất nhiều để có được thị phần nhất định.

Mạng di động ảo là mạng viễn thông di động mặt đất không có tần số đầy đủ (Full Mobile Virtual Network Operator - Full MVNO). Khi được nhận tấm giấy phép này, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động ảo không phải xây dựng hệ thống trạm truy cập vô tuyến (BTS) của mình mà dùng chung cơ sở hạ tầng với các nhà khai thác di động đầy đủ (Mobile Network Operator - MNO) khác, tuy nhiên, vẫn phải xây dựng hệ thống liên quan đến mạng lõi, dịch vụ, cước phí, chăm sóc và phát triển thuê bao của mình.

Theo Hiền Mai
Vnmedia

duchai

Cùng chuyên mục
XEM