M&A dầu khí: Cuộc chơi 'lặng lẽ' của các ông lớn

15/11/2013 09:30 AM | Kinh doanh

Nội dung nổi bật:

- Các thương vụ M&A dầu khí đều diễn ra lặng lẽ với ít nhà đầu tư tham gia, chủ yếu là sân chơi của các ông lớn. 

- Tuy nhiên, trong lĩnh vực M&A, không phải ông lớn nào cũng đấu được, kể cả ông lớn tập đoàn nhà nước như PVN. Lý do: Định giá tài sản thấp, nguồn lực vốn không sẵn sàng;  PVN không sử dụng quyền ưu tiên mua triệt để; và mặt khác các tập đoàn đa quốc gia thường có xu hướng lựa chọn lẫn nhau ...

- Nếu chỉ xét riêng về giá trị của 10 thương vụ M&A lớn nhất trong năm 2012 và quí I/2013, dầu khí đã có tới 4 thương vụ. Rõ ràng, dầu khí tuy không bật lên về số lượng song rất “nặng” về giá trị tuyệt đối.



Không như các ngành hàng tiêu dùng, tài chính và địa ốc mà mỗi thương vụ M&A đều được thị trường xôn xao bàn tán, ngành Dầu khí (oil&gas) có những đặc thù M&A của riêng mình. Rất yên lặng, ít nhà đầu tư “đủ tư cách” tham gia trên thị trường, Dầu khí được ví như cuộc chơi của các ông lớn, nơi mọi tư cách hợp tác, mua bán, giao dịch M&A đều phải xét ở tầm vĩ mô.

Năm 2012 và quí I/2013, trong số 10 thương vụ M&A chuyển nhượng cho nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất, có ba thương vụ thuộc lĩnh vực đầu khí. Đó là:

Conoco Phillips VN chuyển nhượng 36% cổ phần trong cụm mỏ dầu thuộc lô 15-1 cho Perenco France với giá trị thương vụ đạt 614,7 triệu USD. Xếp vị trí thứ 2 trong 10 thương vụ có giá trị lớn và chỉ sau giá trị mua cổ phần tại Vietinbank của Bank of Tokyo Mitsubishi UFJ.  

Tiếp theo, Conoco Phillips với Perenco, tỉ lệ chuyển nhượng cổ phần là 23% tương đương 397 triệu USD, cho tài sản tại cụm mỏ dầu thuộc lô 15 - 2. 

Conoco Phillips sau đó bán tiếp 16,3% cổ phần tại hệ thống đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn cho Ferenco.

Biểu đồ thống kê giá trị các thương vụ M&A của nhà đầu tư nước ngoài vào VN
 năm 2012 và quí I năm 2013.

“Nặng” về giá trị

Trong các thương vụ này, theo nhiều nguồn tin, lẽ ra Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) đã tham gia đấu thầu mua lại tài sản cổ phần từ Conoco Phillips, nhưng kết  quả bất thành cho thấy dường như trong lĩnh vực M&A, không phải ông lớn nào, kể cả ông lớn tập đoàn có vị trí trong một nền kinh tế mà DN quốc doanh đóng vai trò “chủ đạo” như VN, có thể nắm ưu thế mua hơn các DN khác, cho dù PVN thực tế còn có quyền được ưu tiên mua của nước chủ nhà.

Phân tích ước đoán của giới chuyên môn cho rằng, PVN không đua được cùng Ferenco có thể có nhiều lí do: Định giá tài sản thấp, nguồn lực vốn không sẵn sàng;  PVN không sử dụng quyền ưu tiên mua triệt để; và mặt khác các tập đoàn đa quốc gia thường có xu hướng lựa chọn lẫn nhau để “giải quyết nhanh vấn đề trên bàn đám phán” ...

Ngoài 3 thương vụ dầu khí có giá trị lớn nói trên, trong năm 2012 và quí I/2013, theo thống kê của Stoxplus, còn có các thương vụ khác như:

- Technip Geoproduction (M) SDN BHD, một tập đoàn trong ngành xây dựng, mua 10% cổ phần của PV Engineering, một công ty con của PVN trị giá 1,8 triệu USD; 

- Petronas gia tăng số lượng cổ phần của mình từ 71% lên 100% trong Cty Thăng Long LPG, trị giá 6,6 triệu  USD; 

- Eni Spa của Italia mua lại 50% cổ phần từ Esca Energy LPC với trị giá không được tiết lộ, và;

- Nhà đầu tư Soco International PLC mua của Lizerroux Oil & Gas Ltd trị giá 95 triệu USD.

Trong nhóm này, Soco mua lại cổ phần của Lizerroux Oil & Gas Ltd và đổi tên thành Soco VN, được Stox Plus thống kê là thương vụ có giá trị đứng thứ 9 trong top 10 thương vụ M&A lớn nhất.

Nếu chỉ xét riêng về giá trị của 10 thương vụ M&A lớn nhất trong năm 2012 và quí I/2013, dầu khí đã có tới 4 thương vụ. 6 thương vụ còn lại gồm một ngân hàng, một bảo hiểm, hai vật liệu xây dựng, một thực phẩm và một bất động sản. Rõ ràng, dầu khí tuy không bật lên về số lượng song rất “nặng” về giá trị tuyệt đối.

Thị trường M&A Dầu khí tăng nhiệt

Tháng 9/2013, đoàn DN dầu khí Anh đã đến VN tìm cơ hội hợp tác với một quan điểm nhất quán về chính sách rằng VN là một thị trường đã phát triển tốt trong lĩnh vực dầu khí, do đó đây chính là cơ hội hợp tác tốt nhất cho các DN Anh.

Ngoài ra, một loạt dự án hóa lọc dầu lớn có giá trị vài chục tỉ USD một dự án với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài liên doanh góp vốn cũng đã được chấp thuận chủ trương hoặc đi vào khởi công như:

- Dự án liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) có vốn đầu tư khoảng 9 tỉ USD, do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) góp 25% vốn, Cty Dầu khí quốc tế Kuwait góp 35%, Cty Idemitsu (Nhật Bản) góp 35%

- Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô tại tỉnh Phú Yên, do Tập đoàn Tachnostar Management Ltd (Anh) làm chủ đầu tư với mức vốn đầu tư lên 3,18 tỉ USD

- Nhà máy lọc dầu Nhơn Hội Bình Định do Tập đoàn Dầu khí PTT (Thái Lan) làm chủ đầu tư với số vốn 27,5 tỉ USD và tới đây dự kiến sẽ có thêm nhà máy lọc dầu Formosa tại Hà Tĩnh với số vốn 8 tỉ USD…

Theo Lê Mỹ

duchai

Cùng chuyên mục
XEM