Lương trung bình doanh nghiệp tư nhân thấp hơn 41% so với lương DN nhà nước

20/01/2016 11:01 AM | Kinh doanh

Lương trung bình doanh nghiệp tư nhân thấp hơn 41% so với lương DN nhà nước. Chưa kể, lương bình quân nhân viên, sếp tập đoàn, tổng công ty 13-42,5 triệu đồng/tháng.

Xưa nay, doanh nghiệp nhà nước có mức lương dẫn đầu trong các khối doanh nghiệp không phải là chuyện mới.

Báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chiều qua 19/1 đã cho thấy dù cán bộ Nhà nước hay bị gán mác "lương ba cọc ba đồng" nhưng nhiều người vẫn muốn vào làm khu vực nhà nước.

Bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Lao động tiền lương (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, tiền lương năm 2015 bình quân cao nhất thuộc về khối doanh nghiệp Nhà nước, cao hơn 1,6 triệu đồng so với doanh nghiệp nước ngoài và hơn 2 triệu đồng so với doanh nghiệp tư nhân.

Cụ thể, doanh nghiệp Nhà nước có mức lương bình quân cao nhất, đạt 7,04 triệu đồng/tháng - tăng 8%. Tiếp đó là doanh nghiệp FDI ước đạt 5,47 triệu đồng/tháng - tăng 9%. Xếp chót là doanh nghiệp tư nhân đạt 4,99 triệu đồng/tháng - tăng 6%.

Tính ra mức lương bình quân của người làm trong doanh nghiệp tư nhân thấp hơn 41% so với lương DN nhà nước.

Chưa kể, lương bình quân nhân viên, sếp tập đoàn, tổng công ty 13-42,5 triệu đồng/tháng.

Đối với các Tập đoàn, Tổng công ty thuộc các Bộ ngành Trung ương (số liệu từ 31 công ty mẹ của Tập đoàn, Tổng công ty thuộc các Bộ, ngành), tiền lương bình quân của người lao động năm 2015 ước đạt 13,15 triệu đồng/tháng.

Tiền lương bình quân của viên chức quản lý chuyên trách năm 2015 ước đạt 42,55 triệu đồng/tháng, tăng 1,22 triệu đồng.

Trước đó, trả lời báo chí tại cuộc họp công bố về tiền lương và thu nhập năm 2015 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội phải thừa nhận rằng, có mức lương chi trả cho người lao động cao nhất là do sự độc quyền của khu vực doanh nghiệp nhà nước.

Mô hình tiền lương trong DNNN là mô hình tiền lương độc quyền, có nghĩa tiền lương vẫn tăng nhưng chưa chắc hiệu quả kinh tế sẽ tăng cao.

Tuy nhiên, bà Hương cũng lý giải rằng, trong nền kinh tế 97% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, gần 3% còn lại tập trung nhiều vào DNNN và theo nguyên tắc khu vực kinh tế quy mô thì tiền lương phải cao hơn cho dù DNNN không hoạt động có hiệu quả.

Bên cạnh đó, nếu xem về phân bố nguồn nhân lực theo trình độ chuyên môn kỹ thuật, khu vực DNNN bao giờ cũng có tỷ lệ lao động có chuyên môn kỹ thuật cao hơn nên tiền lương khu vực này cũng phản ánh tương ứng với trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động.

An Nhiên

Cùng chuyên mục
XEM