Làm sao để biến ngôi nhà bình thường thành không gian “triệu đô”?
Thông tin về việc mô hình không gian làm việc chung Toong nhận được khoản đầu tư trị giá hơn 1 triệu USD khiến nhiều người thắc mắc không hiểu đây là một không gian như thế nào, tại sao lại thu hút được nguồn vốn tương đương giá trị một ngôi nhà mặt phố ở các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn?
Vì đó là một không gian sáng tạo
Toong là chuỗi không gian làm việc chung (co-working space) quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam với diện tích gần 1.750m2 tại 2 địa điểm ở Hà Nội.
Mặc dù mới chính thức hoạt động chưa lâu (9/2015), Toong đã thu hút sự chú ý của đông đảo cộng đồng và giới truyền thông trong và ngoài nước với một không gian làm việc chung đầy cảm hứng và đậm chất văn hóa bản địa cho doanh nhân, người làm việc độc lập và các công ty khởi nghiệp.
Bên cạnh đó, theo nhà đồng sáng lập Đỗ Sơn Dương, Toong cũng không ngừng nỗ lực xây dựng và kết nối một cộng đồng tài năng và sáng tạo thông qua các hội thảo và sự kiện thường xuyên diễn ra tại đây.
Năm 2015, Toong vinh dự là địa điểm duy nhất được lựa chọn cho buổi trò chuyện với giới khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam của CEO Sundar Pichai của Google, trong chuyến thăm Việt Nam.
“Giá trị mà Toong mang đến cho khách hàng chính là để không gian để sáng tạo, nơi họ có thể tìm thấy nguồn cảm hứng cho công việc.”, Đỗ Sơn Dương chia sẻ.
Không chỉ có Toong, còn nhiều nữa
Tại Hội thảo kiến tạo không gian sáng tạo vừa diễn ra tại TPHCM, báo cáo cập nhật về các không gian sáng tạo tại Việt Nam do nhà báo, nhà tư vấn truyền thông Trương Uyên Ly thực hiện theo đặt hàng của Hội đồng Anh cho thấy Toong cũng được liệt kê là một trong những không gian sáng tạo tại Việt Nam.
“Bên cạnh những yếu tố đã nêu trong báo cáo về các không gian sáng tạo Việt Nam năm 2014, phát triển nổi bật nhất được ghi nhận vào thời điểm đầu năm 2016 này đó là làn sóng khởi nghiệp mạnh mẽ với sự hỗ trợ rõ rệt của nhà nước cùng sự ra đời của những không gian co-working space mới và một số tín hiệu mới mẻ về hình thức đóng góp vốn của cộng đồng”, nhà báo Trương Uyên Ly cho biết.
Ngoài các co-working space như Toong ở Hà Nội hay Dreamplex ở Sài Gòn, báo cáo của Hội đồng Anh cho biết hiện có khoảng gần 40 không gian sáng tạo tại Việt Nam và đều khác nhau về quy mô, loại hình và lĩnh vực hoạt động. Mỗi không gian là một ví dụ độc đáo cho khái niệm “không gian sáng tạo”.
“Bởi tính độc đáo đặc thù riêng, rất khó để có thể phân loại rõ ràng các không gian sáng tạo. Tôi đã sử dụng những tiêu chí sau để phân loại: ‘kết nối’, ‘sáng tạo’, và ‘có định hướng kinh doanh’. Không gian sáng tạo có thể là những địa điểm gặp gỡ của những cá nhân làm trong ngành sáng tạo như nghệ sỹ, nhạc sỹ, nhà thiết kế, nhà làm phim, nhà thiết kế các ứng dụng (apps), các doanh nghiệp khởi nghiệp, và cộng đồng sáng tạo nói chung.
Nếu theo định hướng kinh doanh, có rất nhiều các mô hình khác nhau bao gồm kinh doanh có lợi nhuận như Saigon outcast, Work Saigon và ADC Academy; và phi lợi nhuận như Cà Phê Thứ Bảy. Một số có thể không đem lại lợi nhuận nhưng có thể tự hoạt động như Saigon Outcast”, nhà báo Trương Uyên Ly chia sẻ.
Những năm gần đây cũng ghi nhận sự phát triển đáng kể của các không gian trong ngành công nghệ thông tin như Start Centre (năm 2012), Saigon Hub (2013 - 2014), HUB IT (cuối năm 2013). Saigon co-working (năm 2013), cùng với Hatch! và 5Desire tập trung vào cộng đồng các công ty khời nghiệp mà theo Lê Viết Đạt, người đồng sáng lập Hatch! và 5 desire, cộng đồng này có thể lên đến 8.000 đến 10.000 người.
Đa số những người sáng lập của các không gian sáng tạo đều ở độ tuổi từ 20 – 50 tuổi, có nghĩa là họ sinh trong khoảng thời gian từ năm 1960 đến năm 1990. Điểm chung của những cá nhân này là họ đều có tiếp xúc với văn hóa phương Tây và có khả năng cập nhật những công nghệ hiện đại.
Thách thức của không gian sáng tạo
Không gian sáng tạo đang tạo ra một môi trường thân thiện và an toàn để mọi người có thể gặp gỡ, trao đổi ý tưởng, và thách thức những giới hạn tồn tại trong chính mình. Thông qua các không gian này, khán giả được tiếp cận nhiều hơn với các hoạt động văn hóa nghệ thuật, đồng nghĩa với việc phát triển con người tốt hơn. Tuy nhiên, nó đang đối mặt với những thách thức không hề nhỏ trong quá trình phát triển.
Một thách thức “kinh điển” cho rất nhiều những nhà sáng lập các không gian sáng tạo là sự bất ổn từ phía chủ nhà và thiếu hỗ trợ từ phía chính quyền. Saigon Hub đã đóng cửa vào ngày 1/4/2014 sau gần một năm hoạt động vì giá tiền nhà cao. Một trong những nguyên nhân Zone 9 bị buộc phải đóng cửa là tình trạng pháp lí nhập nhằng về chủ sở hữu.
Bên cạnh đó, theo chị Đoàn Phương Hà, người sáng lập của Saigon Outcast, việc làm các thủ tục xin phép cho các sự kiện văn hóa rất mất thời gian và tốn kém. Quá trình xin giấy phép khá phức tạp bởi vì chị thường không biết phải làm thế nào cho đúng, chị thường nhận được những hướng dẫn không nhất quán từ các nhà chức trách. Chỉ cho một sự kiện, mà chị thường phải nộp rất nhiều giấy tờ, làm nhiều thủ tục khác nhau...
Nhà báo Lê Quốc Vinh - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Truyền thông Lê (Le Group) cho rằng trong bối cảnh sơ khai của ngành công nghiệp sáng tạo Việt Nam, cần có một sự nâng đỡ của chính quyền.
Sự nâng đỡ ở đây hoàn toàn không mang ý nghĩa hỗ trợ về mặt tài chính, mà chỉ cần là một sự công nhận chính thức về vai trò đặc biệt của nó, và một chính sách khuyến khích, cho phép nó tổ chức các hoạt động nghệ thuật, giới thiệu các sản phẩm sáng tạo và kết nối cộng đồng sáng tạo. Ở mức độ cao hơn, nhà nước có thể cho phép các trung tâm sáng tạo sử dụng các không gian công cộng làm nơi tổ chức biểu diễn, trưng bày, triển lãm, tạo điều kiện giới thiệu, lan tỏa các sáng tạo của doanh nghiệp.
Tất nhiên, không phải ai cũng được đào tạo bài bản và có nhiều kinh nghiệm về quản trị, marketing, gọi vốn đầu tư … như Đỗ Sơn Dương của Toong, một số chủ nhân của các không gian sáng tạo thiếu các kĩ năng quản lí và kinh doanh cơ bản.
Như Trương Minh Quý – đồng giám đốc nghệ thuật của Ga O chia sẻ, anh mong muốn được học thêm về Quản lý, Nhân sự và Kế toán để có thể quản lý không gian một cách hiệu quả.
Bà Đỗ Thị Tuyết Mai, chủ của Nhà Ga 3A cho rằng nâng cao kỹ năng kinh doanh và quản lí trong nghệ thuật cho các chủ không gian là rất cần thiết, để mối quan hệ giữa nghệ sĩ và thị trường có thể trở nên chuyên nghiệp hơn.