Làm giàu từ yến

13/07/2012 07:29 AM |

Đang dần hình thành một ngành công nghiệp nuôi chim yến ở Việt Nam, nhưng không phải ai cũng có thể giàu lên từ yến.

Nghề nuôi chim yến du nhập vào Việt Nam từ năm 2005, chủ yếu do một số hộ dân nuôi thí điểm. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay trên cả nước đã có vài ngàn nhà nuôi chim yến, trải rộng ở các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau.
 
Mức độ phát triển nhiều nhất là ở TP.HCM với khoảng vài trăm nhà yến, kế đến là Khánh Hòa khoảng 100 nhà, các tỉnh như: Kiên Giang, An Giang, Đồng Nai... cũng có hàng chục nhà yến. Dự kiến đến năm 2020 Việt Nam sẽ có khoảng 10.000 nhà yến.

Lợi nhuận lớn

Ông Phạm Trọng Đức, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Cần Giờ, TP.HCM cho biết, trong phạm vi đề án nuôi thí điểm chim yến tại Cần Giờ cho thấy, tỷ lệ thành công rất cao (đạt trên 80%). Riêng năm 2011, huyện Cần Giờ thu được 400 kg tổ yến/101 nhà nuôi.
 
Với giá thị trường khoảng 35 triệu đồng/kg tổ yến thô, Cần Giờ thu được khoảng 14 tỷ đồng. "Theo tính toán của chúng tôi, chi phí đầu tư bình quân 1,9 tỷ đồng/một nhà nuôi yến và chỉ cần ba năm là hoàn vốn và bắt đầu có lãi".
 
Công ty Yến sào Khánh Hòa mặc dù thừa hưởng nguồn tài nguyên yến sẵn có từ tự nhiên, nhưng cũng tập trung nghiên cứu, xây dựng công nghệ nuôi yến trong nhà và đã đạt được những tiến bộ nhất định, góp phần tăng sản lượng tổ yến qua từng năm: 2009 đạt 2.356 kg, 2010 là 2.700 kg, 2011 đạt 3.100 kg, đem lại lợi nhuận đáng kể cho công ty.
 
 
Theo PGS.TS. Nguyễn Khoa Diệu Thu, Viện Sinh học nhiệt đới Việt Nam, chuyên gia trong lĩnh vực nuôi yến, nhu cầu tổ yến trên thế giới hằng năm tăng trưởng trên 10%. Giá tổ yến trắng nuôi trong nhà trên thị trường thế giới vào khoảng 1.500 - 2.000USD/kg, đắt nhất là yến huyết trên 10.000 USD/kg. Lượng yến tiêu thụ trên thị trường thế giới ước tính trong năm 2011 là 260 tấn.
 
Trong đó nơi nhập khẩu nhiều nhất là Hồng Kông, chiếm 50% lượng mua bán tổ yến trên thế giới. Tiếp đến là cộng đồng người Hoa ở Mỹ, Úc, New Zealand tiêu thụ khoảng 15%. Trung Quốc tiêu thụ 8%, Đài Loan, Macau mỗi nơi 4%. Tổng giá trị mua bán tổ yến trên toàn thế giới vào năm 2011 là khoảng 4,3 tỉ USD. Indonesia là nước có sản lượng yến nhiều nhất, cung cấp 70% số lượng tổ yến ra thị trường thế giới với trên 200.000 nhà nuôi yến (năm 2008).
 
Tiếp đến là Thái Lan với khoảng 60.000 -70.000 nhà nuôi yến, Malaysia đứng thứ 3 với khoảng 40.000 nhà nuôi yến. Hiện nay, sản lượng yến đảo của Việt Nam khoảng 5.000 kg/năm, trong đó Khánh Hòa dẫn đầu cả nước với khoảng 3.200 kg/năm.

Tổ yến vẫn là sản phẩm hiếm, cung không kịp cầu, chỉ phân bổ hẹp ở các nước Đông Nam Á nên Việt Nam đang sở hữu một mỏ "vàng trắng", nếu biết khai thác sẽ mang về nguồn thu ngoại tệ rất lớn cho đất nước.

Bấp bênh và rủi ro

Mặc dù nuôi yến trong nhà được xem là nghề dễ làm giàu (nếu thành công). Còn trên thực tế không ít nhà đầu tư mất hàng tỷ đồng xây dựng nhà yến mà vẫn thất bại do không dẫn dụ được chim yến vào làm tổ.
 
Ông Trần Bạch Mai, xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, từ năm 2008 đã bỏ trên 1,2 tỷ đồng mua đất, xây dựng nhà yến tại đây, nhưng đến nay chỉ mới thu hoạch 2,5 kg tổ yến, có nghĩa là trong ba năm chỉ thu nhập được khoảng 100 triệu đồng. So sánh thu nhập và chi phí bỏ ra, ông Mai đã lỗ nặng. Gia đình ông Mai không phải là trường hợp cá biệt vì cứ ba người nuôi chim yến tại Cần Giờ chỉ có một người thành công.

Theo PGS.TS. Nguyễn Khoa Diệu Thu, Việt Nam nằm trong vùng có điều kiện thiên nhiên thích hợp với chim yến, có bờ biển dài, nhiều ao hồ là những yếu tố mang lại nguồn thức ăn phong phú cho chim yến. Nhưng chim yến là một loại sống phụ thuộc vào thiên nhiên, có đặc tính sinh học đặc biệt. Thất bại của nhà đầu tư là do chưa hiểu biết đầy đủ về môi trường sống của chim yến, thiếu những điều kiện cơ bản khi thiết kế, xây dựng nhà yến trong khi nghề nuôi chim yến phụ thuộc khá nhiều vào đặc tính sinh sản, phát triển của loại vật nuôi này, vùng xây nhà yến, kỹ thuật dụ yến...

Ông Lê Hữu Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa, nhận định: nuôi yến nhà tại Việt Nam còn mang tính tự phát, chưa được định hướng phát triển cụ thể, khiến nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn và đầy rủi ro vì chưa có chính sách của Nhà nước, thiếu thông tin, thiếu hỗ trợ kỹ thuật. Cụ thể như giấy phép xây dựng nhà nuôi yến, phương thức đánh thuế, quy hoạch khu vực nuôi, vệ sinh môi trường... Dù vậy, với kinh nghiệm của những người đi trước, với sự ham học hỏi để làm giàu chính đáng, nhiều người vẫn chưa từ bỏ giấc mơ làm giàu từ mỏ "vàng trắng" này.
 
Theo Phương Hà- SNG
Doanh nhân

duchai

Cùng chuyên mục
XEM