Làm cách nào để nhóm lại ngọn lửa đam mê?
Niềm đam mê cháy bổng ban đầu của các doanh nhân khi thành lập công ty sẽ bị suy giảm theo thời gian. Theo cách nói nôm na mà chúng ta thường nghe thấy là “mất lửa”. Vậy làm thế nào bạn có thể khởi động lại niềm đam mê đã dẫn dắt bạn đi đến hành trình này?
“Học từ kinh nghiệm trực tiếp có thể có hiệu quả hơn nếu kết hợp với hồi tưởng và suy ngẫm - đó là nỗ lực cố ý để tổng hợp, trừu tượng và nhấn mạnh những bài học được giảng dạy bởi kinh nghiệm’’- theo Trường Kinh doanh Harvard.
Hành động tưởng chừng đơn giản là suy ngẫm và hồi tưởng thực sự có thể cải thiện hiệu suất làm việc của bạn. Dưới đây bạn sẽ tìm thấy những câu hỏi và mệnh đề giúp bạn trong việc thúc đẩy sự suy ngẫm.
Bạn bắt đầu từ đâu?
Henry Ford từng nói: “Sai lầm thật sự duy nhất chính là sai lầm mà chúng ta không rút ra bài học gì từ nó” Vì thế cho dù bạn đang ở giai đoạn nào của sự nghiệp thì những bài học kinh nghiệm cũng sẽ giúp ích cho bạn ở hiện tại hay tương lai.
Đó là những kinh nghiệm vô giá và đừng xem thường nó cho dù tình trạng hiện tại của bạn như thế nào. Hãy ghi nhớ những bài học và những sai lầm bạn mắc phải, nhờ nó mà giờ đây bạn trở nên tốt hơn.
Vì sao bạn mở công ty này?
Đây là một câu hỏi mà bạn nên tự hỏi mình một cách thường xuyên bởi vì nó là một sự khẳng định lý do cho những gì bạn đang làm. Bạn có thể không thích câu trả lời, nhưng nó có thể cung cấp cho bạn một định hướng rõ ràng về việc nên đi tiếp ở đâu. Trong khi đối với một số người thì tìm ra câu trả lời, đôi lúc có thể là bắt đầu lại tất cả từ đầu. Ít nhất kinh nghiệm của bạn chỉ ra rằng có thể thực hiện được điều đó.
Sự sợ hãi không còn có thể kìm hãm bạn. Bằng cách dùng suy nghĩ đưa mình trở lại giai đoạn tuổi trẻ khi lần đầu tiên thực hiện kế hoạch kinh doanh, bạn có thể khởi động lại niềm đam mê đã bị mất. Điều này cũng có thể truyền cảm hứng cho bạn để bắt đầu một kế hoạch mới.
Tại sao bạn đang lại cảm thấy “mất lửa”?
Đầu tiên, điều quan trọng là phải tìm ra lý do tại sao bạn không còn cảm thấy nhiệt huyết như lúc đầu nữa? Câu trả lời có thể là một danh sách rất dài của tất cả những điều đã sai lầm trong chuyện kinh doanh của bạn và nó có thể khiến bạn cảm thấy quá sức chịu đựng.
Nhưng nếu bạn giải quyết từng vấn đề đâu vào đấy sau khi xác định nó là gì, bạn sẽ có được một định hướng rõ ràng. Điều này sẽ cho bạn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm tối tăm. Đối với nhiều người, đây có thể là tất cả những gì cần thiết để có thể trở lại đường đua - nhìn thấy ánh sáng, khơi dậy niềm hy vọng.
Phá vỡ các công thức
Không phá vỡ các thủ tục và thói quen hàng ngày sẽ làm cho bạn khó thoát khỏi lối mòn. Giáo sư tại Trường Kinh doanh Harvard, Rosabeth Moss Kanter nói: "Điều quan trọng là phải khuyến khích văn hóa công ty mà trong đó giả định là chúng ta liên tục gặp thử thách phải thay đổi. Chắc chắn là công việc sẽ hiệu quả khi làm việc theo một cách lặp đi lặp lại, nhưng nó sẽ nhàm chán và dập tắt sự đổi mới."
Trừ khi chúng ta liên tục gặp thử thách, thì tất cả mọi thứ chúng ta làm sẽ trở thành thói quen nhàm chán; cuối cùng gây cản trở khả năng tăng trưởng và đổi mới của chúng ta. Hãy tìm cách để truyền cảm hứng cho chính mình và nhân viên của bạn bằng cách tìm những cơ hội và thách thức mới, rồi yêu cầu tất cả mọi người tận dụng chúng để tạo nên đột phá.
Biết lúc nào nên cắt lỗ
Đây là một bài học vô cùng quan trọng. Nếu bạn thấy công việc kinh doanh của mình chỉ có mất chứ không được gì thì có lẽ đến lúc phải dừng lại. Nếu bạn không có lãi thì càng tiếp tục bạn sẽ càng lún sâu. Đó là thời điểm nên thử sức một cái gì đó mới. Hãy dành thời gian để suy nghĩ, làm cho bản thân cảm thấy thoải mái sau đó đưa ra quyết định khó khăn này.
Hướng dẫn lại người khác những bài học của bạn
Nếu bạn đang ở trong một cơn khủng hoảng, thiếu cảm hứng và không nhìn thấy ánh sáng ở tương lai. Hãy xem xét việc giúp đỡ hoặc tư vấn cho ai đó đang bắt đầu trên con đường mà bạn đã đi qua. Sự nhiệt tình của họ sẽ lan truyền sang bạn.
Nó sẽ nhắc nhở bạn về bản thân mình trong những ngày đầu lập nghiệp. Truyền đạt kiến thức và những bài học của bạn sẽ làm cho người khác kinh doanh tốt hơn, đồng thời nhóm lại tia lửa trong bạn mà bạn đang tìm kiếm. Đó là một thắng lợi kép.
Dành chút thời gian nghỉ ngơi
Bạn có thể cảm thấy không cần phải có thời gian nghỉ khi đang có nhiều vấn đề phải giải quyết, nhưng thật ra nó rất quan trọng. Cho dù đó là nửa ngày hoặc một tuần, dành thời gian thoát khỏi công việc hàng ngày. Bạn không tập trung giải quyết các vấn đề thường nhật mà hãy dành thời gian thư giãn và suy ngẫm về công ty, tìm ra những điều đã mang công ty đến trạng thái hiện tại, và làm thế nào bạn có thể làm cho nó và bản thân mình tốt hơn.
Hãy tập các thói quen tốt: tập thể dục, ăn uống lành mạnh, tận hưởng cuộc sống của bạn với gia đình và bạn bè. Thư giãn hơn: Bạn càng cảm thấy thoải mái như ở nhà, bạn sẽ càng sẵn sàng để giải quyết những khó khăn thử thách của công việc.
Điều này là quan trọng hay khẩn cấp?
Những việc quan trọng là những điều có ảnh hưởng đến chiến lược, giá trị và mục tiêu lâu dài. Còn việc cấp bách là những điều cần chú ý ngay lập tức. Có một câu nói: “Những gì quan trọng hiếm khi khẩn cấp và những gì khẩn cấp ít khi quan trọng.” Nếu bạn phân biệt rạch ròi được giữa hai điều này, bạn có thể đưa ra quyết định mà không ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân của mình.
Có gì là không thể chấp nhận được với bạn?
Điều này tất nhiên sẽ rất khác nhau từ người này sang người khác. Nhưng hãy dành một ít thời gian ra và viết ra những gì bạn không thể chấp nhận. Để có một doanh nghiệp thành công đòi hỏi bạn phải đạt được sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc.
Bạn phải xác định những ranh giới mà bạn sẽ không thỏa hiệp và sau đó nghiêm túc thực hiện theo nó. Đó có thể làm thêm giờ, hay gọi điện thoại công việc khi đang dành thời gian với gia đình, hoặc nhiều cách khác mà công việc sẽ luôn lấn vào cuộc sống cá nhân của bạn. Lập danh sách này và kiên quyết loại nó ra khỏi hoạt động hàng ngày.
Cuối cùng hãy tự hỏi bản thân bạn xem có xứng đáng hay không? Chất lượng cuộc sống của bạn cũng chỉ có mình bạn biết, đó là những gì làm bạn cảm thấy hạnh phúc. Do đó trong cuộc sống cũng như sự nghiệp, mọi thứ tùy thuộc vào chính bạn để tìm kiếm đam mê của mình, tìm những gì làm bạn hạnh phúc, khám phá chuyện gì là quan trọng và cái giá phải trả để đạt được những điều đó.
Có hai câu châm ngôn là hình mẫu để dẫn đến thành công mà tôi muốn dành cho các bạn: “Doanh nhân là những người sống một vài năm không như cách hầu hết những người khác sống, để sau này có thể tận hưởng phần còn lại của cuộc đời theo cách mà đa số không ai có thể” – Khuyết danh, và “Tôi chưa bao giờ nghỉ một ngày nào ở những năm hai mươi tuổi của tôi. Không một ngày nào!” – Bill Gates.