Kpop - Ngành công nghiệp tỷ đô của Hàn Quốc

18/07/2012 07:44 AM |

Không chỉ mang lại doanh thu khổng lồ cho ngành giải trí, âm nhạc còn góp phần quảng bá du lịch và thúc đẩy xuất khẩu hàng tiêu dùng cho Hàn Quốc.

Marcia Tianadi, cô sinh viên tài chính 20 tuổi người Indonesia đã nghe nhạc Hàn Quốc (Kpop) từ năm ngoái qua sự giới thiệu của một người bạn. Dù chẳng hiểu nổi một chữ tiếng Hàn, nhưng Tianadi nghe Kpop nhiều hơn bất kỳ thể loại nhạc nào trên thế giới, kể cả nhạc phương Tây từng thứ cô gái yêu thích.

Tianadi chỉ là một trong hàng triệu fan hâm mộ nhạc Hàn trên khắp thế giới. Với giai điệu cuốn hút, trang phục thời thượng và video clip đẹp mắt, các nhóm nhạc của xứ sở kim chi dễ dàng chinh phục nhiều bạn trẻ, đặc biệt tại các quốc gia châu Á như Thái Lan, Indonesia, Philippines hay Việt Nam.

Họ được coi là những con gà đẻ trứng vàng của các công ty giải trí khi lượng đĩa hát hay vé xem liveshow thường được bán hết chỉ trong vài phút. Chính phủ nước này cũng rất thức thời khi chọn các nhóm nhạc làm Đại sứ du lịch, hay thậm chí in hình ảnh của họ lên tem bưu chính.

Theo thống kê của Cục nội dung sáng tạo Hàn Quốc (KOCCA), ngành công nghiệp Kpop đã thu về 3,4 tỷ USD năm 2011. Doanh thu tại nước ngoài cũng lên 180 triệu USD, tăng 112% so với năm 2010. Số liệu này đã tăng liên tục với tốc độ gần 80% hàng năm kể từ 2007.

Cô Sun Jung, một nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Singapore, đã theo dõi quá trình nổi lên của văn hóa Hàn Quốc tại châu Á từ năm 2003. Cô cho biết Kpop trở nên phổ biến như hiện nay là nhờ hỗ trợ rất lớn của các phương tiện truyền thông và mạng xã hội.

Jung nói: “Ngày nay, mọi người đều có thể tìm kiếm, trao đổi và thưởng thức nhạc ngoại rất dễ dàng. Internet và mạng xã hội đang phát triển tương đối mạnh, và đó là lý do tại sao nhạc Hàn Quốc có thể hiện diện tại các khu vực như Nam Mỹ và châu Âu”.

Các mạng xã hội là phương tiện phổ biến nhất mà fan Kpop trên toàn thế giới sử dụng để theo sát thông tin về các nhóm nhạc. Theo thống kê của Youtube, trong năm 2011, các video clip Kpop thu hút gần 2,3 tỷ lượt xem đến từ 253 quốc gia. Số liệu này gần như gấp 3 so với năm 2010.

Daren Ng, một người hâm mộ 26 tuổi ở Singapore, cho biết lần đầu tiên anh nghe nhạc Hàn Quốc là 4 năm trước. Anh nói rằng dù không biết tiếng Hàn, nhưng việc xem các video trực tuyến sẽ giúp mình hiểu rõ hơn nội dung bài hát.

Ông Sean Yang - CEO của nhà cung cấp dịch vụ âm nhạc Soribada, chuyên phân phối nhạc Hàn Quốc cho iTunes và Amazon, cho biết nhu cầu về loại nhạc này đang ngày càng tăng. Yang nói: “Nếu theo dõi số liệu trong 6 tháng gần đây, bạn sẽ thấy doanh thu Kpop trên iTunes đã tăng gấp ba. Đây là tốc độ rất mạnh mẽ”.

Theo Sun Jung, Kpop có nhiều nét tương đồng với nhạc pop của Mỹ, hiphop, R&B và nhạc điện tử của châu Âu. Vì thế, nó dễ dàng được người phương Tây tiếp nhận khi các nhóm nhạc Hàn Quốc chuyển hướng tấn công sang thị trường quốc tế.

Nhiều nhóm nhạc đang tích cực tấn công thị trường Âu - Mỹ. Ảnh: Soompi.
Nhiều nhóm nhạc rất tích cực tấn công thị trường Âu - Mỹ. Ảnh: Soompi.

CEO của một trong các công ty giải trí hàng đầu Hàn Quốc cho biết họ cần thu hút nhiều người nước ngoài để mở rộng quy mô fan hâm mộ. Một cựu nhạc sĩ cho biết: “Việc bổ sung một ca sĩ người Thái vào ban nhạc thần tượng đã giúp nhóm này nổi tiếng hơn rất nhiều ở Thái Lan. Chúng tôi cũng dự định thu âm bằng cả tiếng Anh và Nhật Bản để thâm nhập nhiều thị trường hơn nữa”.

Vũ đạo cũng là một trong những điểm khiến loại nhạc này trở nên nổi tiếng. Tan Somboonsub, một người hâm mộ tại Thái Lan cho biết cô vừa đến Seoul để tham gia sự kiện “nhảy đường phố” được trình diễn bởi hàng ngàn fan hâm mộ Kpop. Còn tại Singapore, những trung tâm dạy nhảy theo các bài hát nhạc Hàn cũng trở nên đặc biệt hút khách trong những năm gần đây.

Trên phương diện kinh tế, sự phát triển của Kpop đã góp phần không nhỏ vào việc đưa Hàn Quốc trở thành một trong những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới. Choon Keun Lee - Giám đốc KOCCA cho biết âm nhạc có ảnh hưởng tích cực đến tăng trưởng hàng tiêu dùng nói chung.

Ông Lee nói: “Theo nghiên cứu, cứ mỗi 100 USD nhạc Hàn được tiêu thụ ở nước ngoài, thì lại có thêm 395 USD hàng điện tử như điện thoại di động hay TV được xuất khẩu. Kpop đang trở thành một biểu tượng của Hàn Quốc, bên cạnh điện thoại di động hay công nghệ Internet”.

Theo Hà Thu
Vnexpress/CNBC

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM