Kinh doanh nhà hàng: Miếng bánh ngon của quỹ đầu tư

15/01/2014 09:48 AM | Kinh doanh

Thu hút được cả vốn đầu tư của những quỹ đầu tư lớn, kinh doanh nhà hàng thực sự đang có sức hút rất lớn.

Nội dung nổi bật:

- Kinh doanh nhà hàng đang được xem là ngành mang lại nhiều lợi nhuận và dễ thành công. Trong suốt giai đoạn 2008 - 2013, ngành dịch vụ nhà hàng có mức tăng trưởng bình quân 8,1%/năm. Với diện tích 150m2, giá thuê 40 USD/m2, 70 chỗ, doanh số của Kichi Kichi mỗi tháng đạt hơn 1 tỷ đồng.

-  Mặc dù thị trường Việt Nam hấp dẫn nhưng không phải cứ mở cửa hàng ra là kinh doanh có lãi ngay, mà nhiều khi dù cho cho khách đến đông nhưng cửa hàng vẫn thu không đủ bù chi. 

- Thông thường những thương hiệu nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực ăn uống như trên đến các nước khác đều qua con đường franchise. Thế nhưng với thương hiệu càng có tiếng thì việc mua được quyền kinh doanh ở Việt Nam không phải là dễ và rẻ. 



Hiện nay, kinh doanh nhà hàng đang được xem là ngành mang lại nhiều lợi nhuận và dễ thành công. Chẳng hạn, khảo sát hồi đầu năm của DNSG cho thấy, nhà hàng Nhật Kichi Kichi ở Vincom TP.HCM là một trong những mô hình nhà hàng thành công. Với diện tích 150m2, giá thuê 40 USD/m2, 70 chỗ, doanh số của Kichi Kichi mỗi tháng đạt hơn 1 tỷ đồng.

Trước sức hấp dẫn về lợi nhuận của lĩnh vực này, thị trường xuất hiện hàng loạt mô hình nhà hàng, chuỗi nhà hàng như Sushi bar, Tokyo Deli, Coca Suki, Sakura, Oshima... với quy mô ngày càng lớn. Đầu tư mạnh nhất trong năm qua có Mocgroup.

Bên cạnh chuỗi 6 nhà hàng cơm tấm Mộc tại TP.HCM và một nhà hàng ở Hà Nội, chủ doanh nghiệp này đang phát triển ba chuỗi nhà hàng khác là China Deli, Chilli Thái và Rơm BBQ. Hiện nay, 12 nhà hàng của nhà đầu tư này có mặt ở Crescent Mall, Diamond, Bitexco... và các tuyến đường lớn ở TP.HCM như Hai Bà Trưng, Lê Thánh Tôn...

Cách đây không lâu, ông Somchai Hanjitkasem, Phó giám đốc điều hành Tập đoàn MK, cho biết, trong 3 năm tới, MK sẽ đầu tư 100 triệu baht, tương đương hơn 50 tỷ đồng, mở 10 nhà hàng ở Việt Nam. Việt Nam là quốc gia thứ hai mà MK đầu tư theo hình thức nhượng quyền kinh doanh thương hiệu (franchise) sau Nhật Bản.

Mặc dù thị trường Việt Nam hấp dẫn nhưng không phải cứ mở cửa hàng ra là kinh doanh có lãi ngay, mà nhiều khi dù cho cho khách đến đông nhưng cửa hàng vẫn thu không đủ bù chi. Thông thường những thương hiệu nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực ăn uống như trên đến các nước khác đều qua con đường franchise.

Thế nhưng với thương hiệu càng có tiếng thì việc mua được quyền kinh doanh ở Việt Nam không phải là dễ và rẻ. Tùy thuộc vào loại hình kinh doanh: nhà hàng cao cấp (fine dining), nhà hàng phổ thông (casual dining) hay thức ăn nhanh (fast food), mà các công ty mua quyền kinh doanh thương hiệu sẽ phải bỏ ra một khoản phí rất lớn.

Chẳng hạn, theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Imex Pan Pacific (IPP), khi hợp tác với các tập đoàn phân phối lớn, theo hợp đồng thỏa thuận với các thương hiệu fastfood, tổng số tiền IPP phải bỏ ra đầu tư lên đến hơn 200 triệu USD.

Việc bỏ ra một số tiền lớn để mua quyền kinh doanh thương hiệu tạo ra áp lực buộc các công ty mua quyền kinh doanh phải nhanh chóng mở ra thật nhiều cửa hàng, nhà hàng để giá thành sản phẩm có thể giảm xuống. Trong khi đó, mặc dù thị trường bất động sản ở nhiều lĩnh vực vẫn còn đóng băng nhưng riêng những khu vực trung tâm Q.1, Q.3 vẫn luôn nóng cả về mặt bằng lẫn giá thuê.

Hiện hầu hết các trung tâm thương mại lớn như Diamond, Parkson, Vincom, Tax, Zen Plaza... từ 40 đến 60 USD/m2. Giá thuê trên đường Lê Quý Đôn (Q.3) cho một mặt bằng có sức chứa 100 khách không dưới 5.000 USD, những diện tích lớn hơn có giá 10.000 - 12.000 USD/tháng là chuyện thường.

Chính vì lẽ đó, nếu một nhà hàng mở ra mà thực khách đến không đủ bù chi phí đầu tư lẫn hoạt động thì việc duy trì sẽ trở thành thách thức lớn.

Với những bất cập nêu trên khi mua thương hiệu từ nước ngoài, đặc biệt là đối với loại hình kinh doanh nhà hàng phổ thông, những chủ doanh nghiệp có thể tự sáng tạo, xây dựng thương hiệu, phong cách của mình sẽ có nhiều điều kiện để thành công hơn. Công ty Golden Gate đi theo hướng này.

Công ty này đã tự tạo thương hiệu nhà hàng và phát triển thành công chuỗi nhà hàng như Kichi Kichi, Sumo BBQ, Ashima, Vuvuzela... Sự hấp dẫn của các nhà hàng này thu hút được vốn đầu tư từ Quỹ Đầu tư Mekong Enterprise Fund II (MEFII).

Trong suốt giai đoạn 2008 - 2013, ngành dịch vụ nhà hàng có mức tăng trưởng bình quân 8,1%/năm, trong khi mức tăng trưởng doanh thu bình quân hằng năm của Golden Gate là 25% trong khoảng từ 2010 - 2013, và dự kiến sẽ đạt 32% trong thời gian 2014 - 2016 khi Công ty bước vào giai đoạn tăng trưởng ổn định.

Chỉ trong vòng 5 năm từ lúc MEFII mua cổ phần của Golden Gate vào tháng 4/2008, Công ty từ chỗ chỉ sở hữu 5 nhà hàng của thương hiệu lẩu nấm Ashima, đã phát triển lên 8 thương hiệu dịch vụ ăn uống với 57 nhà hàng trên cả nước.

Ông Chad Ovel làm việc tại Mekong Capital, Công ty Quản lý Quỹ MEFII, cho biết: "Hiện nay, mỗi nhà hàng của Golden Gate đều tự tạo ra lợi nhuận. Lợi thế của Golden Gate là có một ban điều hành có tầm nhìn và đội ngũ R&D và sáng tạo giỏi. Họ liên tục làm việc để tạo ra những thương hiệu nhà hàng ăn phù hợp với thị trường".


Theo ĐOÀN KIỆT

thuyntt

Cùng chuyên mục
XEM