[Khởi nghiệp] Dũng Joon - Bài học khởi nghiệp của một họa sĩ vẽ tranh 3D

28/11/2014 10:34 AM | Kinh doanh

"Tôi không vẽ tranh 3D vì nghệ thuật hay giải trí, mà để quảng bá cho sản phẩm của khách hàng."

Ngày càng có nhiều bạn trẻ đam mê con đường khởi nghiệp để xây dựng sự nghiệp cho mình. Tuy nhiên, chính xác khởi nghiệp là làm gì? Tại sao tôi nên bắt đầu là ngành này mà không phải là ngành kia? Để cung cấp thêm cho độc giả một góc nhìn, chúng tôi xin chia sẻ tâm sự của Nguyễn Việt Dũng (biệt danh Dũng Joon), người cũng dấn thân vào con đường khởi nghiệp với một lĩnh vực rất mới mẻ: vẽ tranh 3D.

[Xem phần trước: [Chuyện nghề] Vẽ tranh 3D: Lãng mạn nghệ thuật và kiếm tiền là hai phạm trù tách biệt nhau]


Hơn 4 năm điều hành một công ty khởi nghiệp, tôi nhận ra, tôi đã học được rất nhiều bài học, trong đó có nhiều hơn những bài học không liên quan đến nghệ thuật. Dưới đây là một số bài học tôi rút ra.

Thuyết phục khách hàng. Như tôi đã đề cập ở trên, khách hàng có thể tìm đến bạn mà không biết họ cần gì. Đa phần khách hàng sẽ chỉ dựa trên ý kiến mà tôi đưa ra và nói họ thích hay không thích ý kiến đó, họ không có nghĩa vụ phải giải thích vì sao họ quyết định như vậy.

Vì vậy, tôi cần một cuộc nói chuyện sâu với họ. Nhiệm vụ đặt ra là làm sao trước khi họ ra về, tôi cần biết mình sẽ vẽ một con rồng theo kiểu châu Âu, vintage hay nghiêng về đồ họa nhiều hơn.

Chọn cho mình khách hàng lớn. Một khách hàng lớn chưa chắc đã mang lại một bản hợp đồng lớn, nhưng hiệu quả truyền thông bạn thu về sẽ rất đáng kể.

Khi vẽ một bức tranh 3D cho một cá nhân, tôi có thể hoàn thành nhanh chóng và thu tiền về sớm hơn. Tuy nhiên, những khách hàng cá nhân sẽ chẳng tăng thêm mấy tiếng tăm cho công ty. Vì vậy tôi ưu tiên lựa chọn những khách hàng lớn.

Trong một dự án cho vẽ tranh 3D cho ngân hàng đặt tại Vincom Bà Triệu, tôi nhận được một hợp đồng nho nhỏ. Do thời gian quá gấp và áp lực từ khách hàng, tôi chỉ có khoảng 3 ngày để vẽ. Chất lượng bức tranh không quá xuất sắc nhưng nó lại tạo được hiệu quả truyền thông rất lớn. Thay vì được vẽ trên mặt đất theo truyền thống, bức tranh được dựng đứng lên nhờ một giàn giáo. Yếu tố này vừa giúp các bạn trẻ dễ dàng tạo dáng bên cạnh bức tranh hơn, vừa giúp cho khách hàng của tôi bớt được rất nhiều chi phí thuê mặt bằng tại Vincom.

Trung bình mỗi ngày có hơn 1.000 người check in tại đây, chụp ảnh của họ và đăng lên Facebook và Fanpage của chương trình. Một dự án lớn ghi dấu ấn rất lớn trong bảng thành tích của công ty. Điều này cũng giống như việc bạn cầm một CV tốt mang đến nộp cho nhà tuyển dụng vậy.

Một trong những tác phẩm 3D tạo được hiệu quả truyền thông lớn
Một trong những tác phẩm 3D đã tạo được hiệu quả truyền thông lớn

Lựa chọn những người chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp ở đây không hẳn là vấn đề chuyên môn. Tôi đã làm việc với nhiều người có tay nghề về hội họa, tuy nhiên đa phần không đạt hiệu quả cao. Họ thường làm tốt trong một, hai lần đầu, sau đó khá thất thường. Nhiều người tỏ ra có thái độ chán nản, làm chậm tiến đố hay đòi tăng tiền công. Thậm chí khi không được đáp ứng, họ còn tìm cách phá hoại dự án.

Tất nhiên tôi thích những người tay nghề cao, nhưng tôi cần một người có thái độ làm việc chuyên nghiệp hơn. Quá trình vẽ một bức tranh 3D không đòi hỏi bạn phải là một họa sĩ thiên tài. Cái nó cần hơn là những công đoạn được xây dựng đúng quy trình, mà một người trung bình được rèn luyện liên tục cũng có thể làm tốt điều này.

Vì vậy, cách tốt nhất là “đuổi thẳng tay” những kẻ phá hoại. Thay vì một bức tranh mất nửa năm để hoàn thành (và cũng chưa chắc đã đẹp), tôi cần một sản phẩm đảm bảo chất lượng, đúng yêu cầu và tiến độ.

Tận dụng tối đa mạng xã hội. Thời mới bắt đầu cho tới sau này, mỗi lần hoàn thành một sản phẩm tôi đều quan tâm tới việc PR cho sản phẩm của mình. Với một sản phẩm mới như tranh 3D, tôi phải làm sao để những người làm marketing có cảm giác nếu họ dùng tranh 3D của tôi, sản phẩm của họ sẽ thu về những hiệu ứng truyền thông tốt.

Ban đầu, mỗi lần hoàn thành một bức tranh 3D, tôi đều “tag” rất nhiều người vào, một phần để xin góp ý của họ, một phần là để họ chú ý đến tôi. Bình luận khen hoặc chê đều có lợi cho tôi cả. Càng nhiều người quan tâm tới bức tranh của tôi, càng có lợi cho thương hiệu cá nhân cũng như chương trình quảng bá của khách hàng.

Tôi không vẽ tranh 3D vì nghệ thuật hay giải trí, mà để quảng bá cho sản phẩm của khách hàng. Tôi phải làm sao để những bức tranh của tôi thu hút mọi người đến xem, chụp ảnh, đăng lên trang cá nhân của họ. Google là một công cụ tìm kiếm thông minh, và sẽ chẳng bao giờ thiệt nếu họ search cụm từ vẽ tranh 3D và hiện ra những tác phẩm của tôi ở ngay trang đầu tiên.

Mục tiêu của lớp dạy vẽ là làm sao cho mọi người không cần giỏi vẫn có thể vẽ đẹp.

Mục tiêu của lớp dạy vẽ là làm sao cho mọi người không cần giỏi vẫn có thể vẽ đẹp.

Công việc quá nhiều có thể khiến tôi bị “lụt nghề”. Để tránh điều này, tôi mở thêm một lớp dạy vẽ ngay trên văn phòng của công ty. Tôi bắt đầu xây dựng lớp dạy vẽ từ hồi đầu năm. Doanh thu từ lớp học vẽ không quá lớn, nhưng  nó vừa giúp tôi phát triển thêm một mảng dịch vụ gia tăng bền vững, vừa tôi duy trì phong độ.

Nhìn lại quãng thời gian 8 năm theo đuổi công việc vẽ tranh 3D, tôi thấy mình thu được rất nhiều bài học giá trị. Nhiều bài học trong việc vẽ tranh, về nghệ thuật, nhưng nhiều hơn cả là những bài học trong việc kinh doanh, quản lý, điều hành công việc.

Bài cùng series:

>> [Khởi nghiệp] Tại sao trường học lại là nơi tuyệt vời để khởi nghiệp

>> [Khởi nghiệp] Người xây dựng công ty trị giá 20 triệu USD chỉ trong 2 năm

>> [Khởi nghiệp] Tuổi tác chưa bao giờ là rào cản

Lam Nguyên (ghi)

Nguyễn Trung Anh

Cùng chuyên mục
XEM