[Khởi nghiệp] Để không phải thốt lên câu ‘Giá như…'

19/03/2015 14:05 PM | Kinh doanh

Khi tôi bắt đầu viết những dòng chữ này thì cũng là lúc tôi và các cộng sự vừa thảo luận xong những công việc liên quan đến việc rút lui khỏi một dự án.

Bắt đầu một công việc kinh doanh bao giờ cũng đem lại sự phấn khích ban đầu. Tuy nhiên, nếu thiếu tỉnh táo bạn sẽ dễ dàng mắc phải những sai lầm và sau này khi dự án đó phát triển hay đi xuống, các bạn cũng sẽ không tránh được những hối tiếc mà thốt lên rằng “Giá như…”.

Bằng kinh nghiệm từng trải qua, khi bắt đầu việc kinh doanh, tôi cho rằng việc quan trọng đầu tiên, thậm chí quan trọng hơn cả những kế hoạch kinh doanh đó là tìm hiểu người cộng sự hay đối tác của mình.

Trước hết là nguyện vọng của các bên.

Hãy thành thật với bản thân và khuyến khích mọi người cùng chia sẻ thẳng thắn về điều này. Nếu bạn chỉ mong muốn thực hiện công việc này để bước đầu học hỏi về kinh doanh, để kiếm thêm thu nhập cho cuộc sống, trong khi cộng sự của bạn lại mong muốn phát triển nó thành một thương hiệu hàng đầu thì bạn hãy suy nghĩ cho kỹ.

Rõ ràng khi những mục tiêu chung không giống nhau, ta có thể thấy động lực cho mỗi bên phát triển cũng sẽ khác nhau, và dù bạn tặc lưỡi bỏ qua, bạn cũng sẽ sớm đối diện với sự khác biệt, mà ở đó không còn là khác biệt về mục tiêu mà ở chính tính cách của mình.

Nếu bạn muốn phát triển nó thành thương hiệu hàng đầu (khoan hãy nói đến năng lực và khả năng để nó thành thứ có thương hiệu) thì bản thân bạn phải có một tham vọng lớn lao. Một cỗ máy hừng hực sẽ không thể chờ đợi bạn học từ từ để phát triển, nếu không bạn sẽ phải hy sinh công việc hay thời gian dành cho gia đình để phù hợp với cỗ máy đó.

Điều thứ hai bạn cần tìm hiểu là tính cách giữa các bên.

Cộng sự của các bạn là người như thế nào? Họ có thế mạnh gì hay điểm yếu ra sao? Những thế mạnh hay điểm yếu ấy có là nguồn bổ sung tốt cho bạn chưa? Hay sẽ trở thành chướng ngại lớn cho quá trình hợp tác?

Tôi hỏi như vậy, không có nghĩa là tôi đang làm các bạn nản lòng đâu. Chung quy chúng ta sẽ không ai giống ai hết, mỗi người sẽ có mặt mạnh, mặt yếu khác nhau nhưng quan trọng là các bên có thiện chí cùng nhau hợp tác – nhất là khi công việc kinh doanh không thuận buồm xuôi gió hay khi xảy ra một sự cố nào đó.

Nếu bất kỳ một bên nào không tôn trọng hay tỏ ra thiếu tôn trọng hay không có thiện chí điều chỉnh bản thân và cái tôi của mình thì sớm muộn nó cũng làm cho bên còn lại mệt mỏi và chán chường. Sự phù hợp về tính cách còn giúp cho các bạn bổ sung cho nhau trong quá trình phát triển công việc kinh doanh.

Ngoài mục tiêu và tính cách, chúng ta hãy xem xét sự cộng hưởng về khả năng giữa các bên.

Thực ra thường thì khi bắt tay vào làm một công việc kinh doanh chung, bạn hay nghĩ đến khả năng của người cộng sự tiềm năng. Bạn thường chỉ nghĩ đến vấn đề này đầu tiên hơn là tính cách và mục tiêu chung. Đơn giản có lẽ bạn cho rằng đây là điều quan trọng để làm cho công việc kinh doanh phát triển hoặc rằng bạn có thể cho rằng tính cách sẽ phải nhường bước cho sự phát triển chung.

Đúng và không đúng. Điều này sẽ đúng khi các bạn cùng chia sẻ các mục tiêu chung và các bạn hoàn toàn giống nhau ở điểm này hoặc khi các bạn đều là những người công-tư-phân-minh.

Khả năng cộng hưởng khi điểm mạnh và yếu của các bạn hỗ trợ và giúp ích cho nhau. Thường thì trong kinh doanh, một nhóm gồm những bạn có các thế mạnh trong Quản lý vận hành (Operation), Tiếp thị và Kinh doanh (Marketing và Sales), Sản phẩm/ Dịch vụ (Product/ Service) và Chiến lược (Strategy) sẽ là một nhóm cộng sự tuyệt vời hơn là một nhóm chỉ mạnh về Tiếp thị Kinh doanh và Sản phẩm.

Nói tóm lại, sau khi đã xem xét ba điều trên, nếu bạn thấy các đồng sự tiềm năng của mình thật sự phù hợp thì đây mới là lúc các ban cùng nhau thảo luận đến kế hoạch kinh doanh của mình. Một khi đã bắt đầu, hãy phân chia công việc hợp lý và tin tưởng nhau.

Chúc các bạn tìm được những cộng sự tuyệt vời!

>> [Khởi nghiệp] 5 lời khuyên bạn không thể không biết khi startup nhà hàng

Hà Phạm

CTV Thu Hà

Cùng chuyên mục
XEM