Khi doanh nghiệp Việt Nam ngủ say, khách hàng bên kia bán cầu vẫn đang làm

08/01/2016 10:02 AM | Kinh doanh

Ở trong nền kinh tế toàn cầu hóa, phải làm sao thiết kế hạ tầng cho phép đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam đang trạng thái nghỉ nhưng vẫn có đội ngũ phục vụ nhu cầu khách hàng - ông Phạm Vĩnh Thái, Giám đốc Công nghệ – Tập đoàn Hewlett-Packard Enterprice (HPE) chia sẻ.

Bàn về vấn đề quản trị của doanh nghiệp Việt Nam tại Hội thảo “Giải pháp hạ tầng công nghệ thông tin cho mô hình kinh doanh mới”, ông Phạm Vĩnh Thái, Giám đốc Công nghệ – Tập đoàn Hewlett-Packard Enterprice (HPE) cho hay, trên thế giới, nhiều doanh nghiệp đã tận dụng công nghệ để đột phá, tạo ra giá trị rất lớn.

Chẳng hạn như Uber, ra đời từ năm 2009, hiện nay đã chiếm thị phần lớn. GrabTaxi cũng đã làm cho các doanh nghiệp taxi phải họp nhau lại để phản đối cách làm ăn của GrabTaxi.

Hoặc, các hãng truyền hình đã bị ảnh hưởng khi các chương trình quảng cáo đã được chia sẻ trên nhiều phương tiện khác như YouTube nên số tiền kiếm được từ quảng cáo đã bị giảm sút...

Ở Việt Nam, hiện đang có hơn 500.000 DN, nhưng phần lớn là DNNVV, nhân lực ít.

Mặc dù, cũng có hàng trăm tỉ thiết bị kết nối và hàng nghìn tỉ ứng dụng trên các thiết bị, tuy nhiên, để đầu tư một nhân sự vào CNTT là điều quá xa xỉ đối với các DN Việt Nam.

Thậm chí, nếu có nhân sự được đào tạo chuyên về CNTT thì họ sẽ không tham gia vào các DNNVV mà sẽ đầu quân tại các DN chuyên ngành công nghệ hoặc các DN, tập đoàn lớn.

"Cái cần của DN Việt Nam hiện nay là tốc độ ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động. Đặc biệt là các doanh nghiệp truyền thống cần số hóa, hội tụ hóa hệ thống cũ để mềm dẻo hơn, chạy kịp với sự phát triển vũ bão của CNTT", ông Thái nói.

Theo đó, ông Thái cho rằng, có 4 mô hình kinh doanh mà doanh nghiệp Việt Nam nên áp dụng trong thời kỳ này để hội nhập thật tốt, và hội nhập thật sâu.

Thứ nhất, chủ động quản trị rủi ro. Ví như hãng Uber, hàng năm thiệt hại 1 tỷ USD ở Trung Quốc nhưng vẫn chấp nhận vì Uber quản trị được thiệt hại. Lợi nhuận Uber thu về 6 tỷ USD mỗi năm. Rủi ro không thể không xảy ra quan trọng là quản trị được rủi ro.

Thứ hai, tạo ra DN làm việc theo ngữ cảnh: DN có nhiều khách hàng có thể quản lý qua các công cụ CNTT. Ví dụ khi xử lý các thông tin phản hồi từ khách hàng DN sẽ thu được những góp ý để cải thiện sản phẩm, mang lại sự hài lòng cho khách hàng. Khi khách hàng hài lòng thì doanh nghiệp thu lại giá trị lớn.

Thứ ba, mô hình tận dụng công nghệ, kết nối: 90% mọi người đều có Smartphone (điện thoại thông minh - PV) để truy cập internet. Nếu duy trì được điều này thì giao tiếp giữa người dùng và người bán hàng trở nên đơn giản. Với mô hình này bán hàng sẽ nhanh chóng và thuận tiện hơn.

Thứ tư, mô hình dùng hệ thống hạ tầng dạng live: Hoàn toàn có thể dùng điện toán đám mây để tạo ra giá trị.

"Khi doanh nghiệp Việt Nam đang ngủ, thì khách hàng bên kia bán cầu vẫn đang làm. Chính vì vậy, phải làm sao thiết kế được hạ tầng cho phép đội ngũ bên này đang trạng thái nghỉ nhưng vẫn có đội ngũ phục phụ nhu cầu của các đối tượng kia.

Đây là thách thức đòi hỏi ta phải làm trong thời gian tới. Ứng dụng hạ tầng internet sẽ mang lại làn sóng mới với khách hàng, đồng thời mở rộng ra rất nhiều, lợi nhuận mang lại cũng lớn hơn", ông Thái khẳng định.

Tô Mạn

Cùng chuyên mục
XEM