Hiểm họa từ khai thác khí đá phiến tại Trung Quốc
Trung Quốc là nơi có trữ lượng khí đá phiến (shale gas) lớn nhất thế giới với hơn 30 tỉ m3 – nhiều gấp 1,5 lần trữ lượng của Mỹ - trong đó tập trung chủ yếu tại tỉnh Tứ Xuyên.
Chính phủ Trung Quốc tham vọng thúc đẩy mạnh công nghệ khai thác khí đá phiến (fracking – công nghệ nứt vỡ thủy lực) đồng thời phát triển khí này thành nguồn năng lượng chủ yếu trong những năm tới.
Công nghệ fracking sử dụng các tháp khoan ép hóa chất, nước và cát với áp suất lên đến hàng trăm Bar xuống lòng đất. Hỗn hợp này phá vỡ cấu trúc đá phiến dầu và giải phóng lượng khí tự nhiên bên trong đá. Tuy nhiên công nghệ khai thác này có thể dẫn đến những hiểm họa khôn lường cho môi trường như thiếu nước, động đất hay suy giảm đa dạng sinh học.
Khai thác khí đá phiến đánh dấu sự thay đổi thời đại tại Trung Quốc
Nhà cung cấp năng lượng tại Thành Đô Wang Bao Hua cho biết Trung Quốc có nhu cầu năng lượng cực lớn. Với mức tăng trưởng công nghiệp hàng năm 10%, Thủ phủ Thành Đô tỉnh Tứ Xuyên sẽ trở thành "Boomtown" của thế kỉ 21. Đây sẽ là nơi những tòa nhà chọc trời mới mọc lên như nấm và trở thành nơi các công ty đầu tư và tập đoàn của châu Âu như Siemens, Shell hay Bosch thành lập trụ sở chi nhánh. Những trung tâm thương mại 15 tầng nơi đây sẽ tràn ngập các mặt hàng xa xỉ từ phương Tây.
Sử dụng công nghệ fracking để khai thác khí đá phiến tại một số quốc gia như Đức còn gặp rất nhiều tranh cãi, tuy nhiên tại Trung Quốc đây được xem như là phương pháp khai thác vô cùng hữu dụng và được Wang đánh giá là thân thiện với môi trường tương tự năng lượng mặt trời hay năng lượng gió. Ở Trung Quốc, ngay cả khi không sử dụng công nghệ fracking thì thiên nhiên và sự đa dạng sinh học tại đây vẫn bị đe dọa bởi sự phát triển ồ ạt của các đô thị như Thành Đô và Trùng Khánh.
Theo các nhà khoa học việc khai thác khi đá phiến và công nghệ nứt vỡ thủy lực gây ra những tác động tiêu cực tới môi trường. Không gian sống bị thu hẹp là hậu quả của việc xây dựng các giàn khoan bởi mỗi giàn khoan cần diện tích rất lớn, khoảng 4 hecta. Không chỉ vậy, việc sử dụng tới 600 loại hóa chất để khai thác khí đá phiến còn gây ra ô nhiễm nguồn nước.
Ô nhiễm không khí
Mặt trái của công nghệ fracking vẫn được Trung Quốc chấp nhận bởi cho tới nay than đá chiếm tới 2/3 nguồn cung năng lượng của Trung Quốc. Việc đốt cháy than đá tại các nhà máy điện cũ, các nhà máy sản xuất hay các lò sưởi thải vào không khí một lượng lớn khói bụi cùng các chất có hại cho sức khỏe.
Ước tính mỗi năm có khoảng 400.000 - 1,2 triệu người Trung Quốc tử vong vì ô nhiễm không khí. Li Yan, người phát ngôn chính sách năng lượng của Greenpeace Trung Quốc cho hay: "Khói bụi là vấn đề gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến dân cư tại các thành phố phía Đông, vì thế chính phủ cần phải nhanh chóng đưa ra một giải pháp nhằm thay đổi tình trạng này."
Bằng hệ thống đường dẫn khí đá phiến có thể được dẫn từ Tứ Xuyên tới các thành phố ven biển như Thượng Hải. Khí tự nhiên được coi là nguồn năng lượng sạch bởi khi đốt chúng giải phóng ít khí thải hơn và cũng vì thế khí đá phiến trở thành giải pháp giảm thay đổi khí hậu.
Chính phủ Trung Quốc cam kết chậm nhất đến năm 2030 lượng thải khí nhà kính sẽ không tiếp tục tăng lên. Nếu không có khí tự nhiên thì kế hoạch cắt giảm khí nhà kính này sẽ khó trở thành hiện thực. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất "thân thiện hóa" nền kinh tế với môi trường, kêu gọi người dân tiếp kiệm năng lượng và yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước sử dụng năng lượng hiệu quả hơn. Đó là những giải pháp trong cuộc cách mạng về chính sách năng lượng tại nước này, nhưng tất cả những điều đó vẫn chưa đủ để làm dịu nhu cầu về năng lượng tại Trung Quốc.
Nguồn năng lượng mới, nhất là từ nội địa là điều cấp bách và nước Mỹ đã trở thành ví dụ điển hình cho việc sử dụng khí đá phiến nhằm cắt giảm sức ép về năng lượng. Đồng thời công nghệ fracking cũng giải phóng nước Mỹ khỏi sự phụ thuộc nhập khẩu dầu từ các nước Trung Cận Đông.
Thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng
Nhà hoạt động bảo vệ môi trường Feng Yang từ NRDC – Hội đồng bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên tổng kết: "So sánh vấn đề môi trường tại Trung Quốc với Mỹ là không thích hợp trong nhiều mặt. Dân số Trung Quốc rất đông mà đất đai có hạn và nguồn nước lại ít ỏi. Tất cả những yếu tố này khiến cho vấn đề của Trung Quốc nan giải hơn rất nhiều, đặc biệt là nước thải được dẫn ra cùng với khí đá phiến. Chúng cần phải được trữ lại, lọc và làm sạch để tránh làm ô nhiễm nguồn nước uống. Trung Quốc vẫn chưa có bất kì điều luật nào về việc xử lí nước thải này."
Nhiều người dân tại Thành Đô đã chặn các tháp khoan để phản đối sự khai thác khí đá phiến ở khu vực này do quy định an toàn lỏng lẻo khiến cho nhiều vụ nổ đã xảy ra ở các mỏ khí. Người dân ở làng Jiaoshizhen kể rằng có 1 vụ nổ với ngọn lửa bùng lên cao đến 30m trong khi công ty dầu khí Sinopec phủ nhận hoàn toàn sự việc này.
Tại tỉnh Sơn Tây, một công ty khai thác khí đã làm cho nguồn cung cấp nước của cả một thành phố bị thiếu hụt vì không nắm rõ các vấn đề trong quá trình khoan khai thác khí. Chuyên gia Yang của NRDC dự đoán phải 1 – 2 năm nữa mới có 1 điều luật về bảo vệ nguồn nước. Cho đến lúc đó vẫn sẽ xảy ra những sự việc không được mong đợi.
Vì các mỏ dầu tại Tứ Xuyên nằm ở độ sâu lớn hơn so với các nơi khác, các công ty khai thác khí phải bơm vào nhiều nước hơn, đồng thời phải xử lý nhiều nước thải hơn. Theo Ran Ming Song (viện tài nguyên thế giới - WRI) nhiều tỉnh thành tại TQ đã phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch. 60% lượng khí đá phiến nằm trong những khu vực thiếu hụt nước nghiêm trọng hoặc những vùng có mặt đất khô cằn. Nhiều vùng trong số đó nằm rất gần các khu dân cư.
WRI cũng cảnh báo, trong tương lai gần người dân ở các khu vực này có thể phải cạnh tranh với các công ty dầu khí để có nước sạch. Ông Song cũng hoài nghi liệu đối với môi trường khí tự nhiên có thật sự tốt hơn than đá hay không.
Chuyên gia cảnh báo không nên sử dụng công nghệ fracking tại những vùng có nguy cơ động đất cao
Cuộc trò chuyện với đại diện các công ty dầu khí tại Thành Đô cho thấy, cho tới nay các nhà chức trách vẫn có nhận thức thiếu nghiêm túc về vấn đề này.
Sau khi do dự một hồi lâu, một kỹ sư đã quyết định đề cập đến những thách thức đối với môi trường. Tuy nhiên cấp trên của anh, giám đốc của một công ty đầu tư nhà nước, ngay lập tức đã ra dấu cho anh im lặng đồng thời khẳng định mọi vấn đề kĩ thuật đã được giải quyết và ở đây không có bất kỳ vấn đề về môi trường nào.
Công nghệ Fracking đã khiến Oklahoma trở thành bang hứng chịu nhiều cơn địa chấn nhất tại Mỹ
Dưới lòng đất Tứ Xuyên còn tiềm ẩn một nguy cơ chưa từng được các nhà chức trách chú ý: động đất. Năm 2008 trận động đất với cường độ 7,9° Richter cướp đi sinh mạng của 80.000 người. Năm 2013 một trận động đất khác lại rung chuyển tỉnh Tứ Xuyên khiến 200 người thiệt mạng.
Các số liệu từ Mỹ cho thấy, công nghệ fracking làm gia tăng sự bất ổn địa chất. David Fridley, chuyên gia khí tự nhiên tại Phòng thí nghiệm Lawrence Berkeley cho biết: "Trước kia California luôn luôn là bang có địa chất bất ổn nhất nhưng hiện tại đó là Oklahoma. Trước khi công nghệ fracking được sử dụng, trung bình mỗi năm ở Oklahoma chỉ xảy ra 1 lần địa chấn với cường độ 3° Richter. Trong năm qua con số này là 585 vụ".
Tứ Xuyên có rất nhiều đứt gãy địa chất gắn liền với nguy cơ động đất, vì thế việc bơm nước vào lòng đất để khai thác khí tại đây sẽ là vấn đề vô cùng nghiêm trọng. Fridley cũng hy vọng chính phủ TQ sẽ xem xét nghiêm túc các vấn đề này.
Trung Quốc đang đứng trước các lựa chọn khó khăn: Than hay khí tự nhiên? Khói bụi hay fracking? Nước cho nguồn cung năng lượng hay để uống? Nguy cơ động đất hay mất điện? Sau cùng chính phủ sẽ phải cân nhắc và cố gắng tìm ra giải pháp hữu hiệu nhất. Cho tới nay, trong những trường hợp tương tự, Trung Quốc thường quyết định lựa chọn tăng trưởng kinh tế và các nguồn năng lượng mới.