Hậu 'đám cưới' Nguyễn Kim - Central Group: Tương lai sẽ thế nào?
Một cái bắt tay đúng nghĩa sẽ chỉ mang lại lợi ích cho sự phát triển của Nguyễn Kim. Sự hỗ trợ về nguồn lực, chia sẻ về kinh nghiệm quản trị, mở rộng và hàng hóa từ Thái Lan sẽ giúp Nguyễn Kim có lợi thế cạnh tranh hơn nhiều so với các đối thủ khác.
Nội dung nổi bật:
- Sau khi mua 49% cổ phần Nguyễn Kim, Central Group tuyên bố sẽ có 50 siêu thị Nguyễn Kim vào năm 2019. Gấp đôi số cửa hàng hiện tại.
- Sự hỗ trợ về nguồn lực, chia sẻ về kinh nghiệm quản trị, mở rộng và hàng hóa từ Thái Lan sẽ giúp Nguyễn Kim có lợi thế cạnh tranh hơn nhiều so với các đối thủ trong nước
- Tuy nhiên, lộ trình cụ thể cho chiến lược phát triển của Nguyễn Kim như thế nào hiện vẫn còn là một ẩn số. Một dấu hỏi lớn đó là con số 49% cổ phần mà Nguyễn Kim bán cho PowerBuy có thực sự là tái cơ cấu hay chỉ là bước đệm để cho việc bán hết?
Ngày 2/2/2015, tập đoàn Central Group của Thái Lan đã công bố một con số đầy tham vọng cho kế hoạch phát triển 5 năm tới với chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim: 50 siêu thị Nguyễn Kim vào năm 2019.
Động thái này đến sau khi PowerBuy, công ty con chuyên về điện máy của Central Group mua lại thành công 49% cổ phần của chuỗi điện máy này.
Cuộc hôn nhân tất yếu
Nguyễn Kim – hãng bán lẻ điện máy lớn nhất Việt Nam được thành lập năm 1996 và sau gần 20 năm, chuỗi này đang có 23 siêu thị. Vậy mà chỉ trong 5 năm tới, Central Group tuyên bố sẽ mở thêm hơn gấp đôi con số trên. Tốc độ mở cửa hàng như thế cho thấy tham vọng và nguồn lực dồi dào của đại gia Thái Lan.
Điều thú vị là cái bắt tay giữa Nguyễn Kim và người Thái không khiến nhiều người bất ngờ. Một chuyên gia trong ngành điện máy nhận định, sau nhiều năm phát triển, Nguyễn Kim đã nhận ra giới hạn của mình và M&A với đối tác ngoại là con đường tốt nhất để tiếp tục phát triển.
Còn theo ông Nguyễn Đức Sơn, Giám đốc chiến lược thương hiệu của Richard Moore, thì ông chủ Nguyễn Văn Kim và chuỗi điện máy Nguyễn Kim vẫn là những đại diện xuất sắc trong ngành điện máy thời kỳ đầu. Họ là những người có tầm nhìn, bằng chứng là ngôi vị số 1 trong ngành điện máy tại Việt Nam những năm qua.
Tuy nhiên, lợi thế cạnh tranh trong ngành này cũng rất quan trọng. Đây là nhân tố khách quan mà Nguyễn Kim không thể so sánh được so với PowerBuy.
“Chẳng hạn, để phát triển mô hình chuỗi như siêu thị điện máy, yếu tố nguồn hàng rất quan trọng. Về điểm này, người Thái chắc chắn vượt xa chúng ta. Họ có thể sản xuất từng linh kiện, chi tiết điện máy nhỏ nhất, trong khi tất cả ở Việt Nam đều phải đi nhập”, chuyên gia Đức Sơn nhận định.
Những điều mà ông Sơn chia sẻ là vấn đề của cả nền kinh tế vĩ mô, mà không phải một doanh nghiệp đơn lẻ như Nguyễn Kim có thể giải quyết được. Nếu suy nghĩ theo hướng này, việc Nguyễn Kim bắt tay với PowerBuy là khá dễ hiểu.
Một vấn đề nữa đặt ra đó là yếu tố quản trị trong doanh nghiệp Việt. Trong tuyên bố hôm 2/2 vừa qua, Central Group cũng không giấu diếm tham vọng đưa Nguyễn Kim phát triển trở thành chuỗi điện máy hàng đầu Đông Nam Á, chứ không chỉ trong phạm vi một quốc gia như Việt Nam. Để làm được điều này sự hỗ trợ từ kinh nghiệm của PowerBuy là không thể thiếu. PowerBuy là chuỗi điện máy số 1 ở Thái Lan, được hỗ trợ bởi Central Group có mặt tại rất nhiều quốc gia khác nhau.
“Bỏ qua những yếu tố về kinh doanh ra, thì một doanh nghiệp khi phát triển đến mức độ nhất định sẽ đòi hỏi sự nâng cao về kỹ năng quản trị và quản lý. Sân chơi càng lớn thì chúng ta sẽ phải đối mặt với càng nhiều đối thủ mạnh. Có thể DN quản lý rất giỏi ở quy mô nhỏ nhưng ở quy mô lớn hơn lại là câu chuyện hoàn toàn khác”, ông Sơn nhận định
Trong khi đó, chưa nói tới thị trường nước ngoài, Nguyễn Kim mới chỉ Bắc tiến ra Hà Nội thôi đã gặp rất nhiều khó khăn và không thể mở rộng. Vì vậy, một cái bắt tay đúng nghĩa sẽ chỉ mang lại lợi ích cho sự phát triển của Nguyễn Kim. Sự hỗ trợ về nguồn lực, chia sẻ về kinh nghiệm quản trị, mở rộng và hàng hóa từ Thái Lan sẽ giúp Nguyễn Kim có lợi thế cạnh tranh hơn nhiều so với các đối thủ trong nước.
PowerBuy có chủng loại hàng hóa đa dạng hơn Nguyễn Kim rất nhiều. Đây sẽ là yếu tố hỗ trợ lớn từ phía người Thái giành cho Nguyễn Kim
Tương lai thế nào?
Dù mạnh mẽ tuyên bố sẽ mở rộng gấp đôi hệ thống siêu thị trong 5 năm tới, nhưng lộ trình cụ thể cho chiến lược phát triển của Nguyễn Kim như thế nào hiện vẫn còn là một ẩn số. Nguyễn Kim sẽ mở thêm các siêu thị ở đâu? Thành phố hay tỉnh lẻ, trong Nam hay ra Bắc, hay mở rộng ra một quốc gia nào khác?
Ngoài con số 50 siêu thị vào năm 2019, lãnh đạo Central Group từ chối cung cấp những thông tin cụ thể hơn trong chiến lược phát triển của tập đoàn. Điều này không có gì lạ vì Central Group mới bắt đầu vào Việt Nam được một năm nay với chuỗi bán lẻ Robins, tiếp sau đó là khoản đầu tư vào Nguyễn Kim, vẫn còn rất nhiều việc cần làm trước khi công bố rộng rãi thông tin.
Một dấu hỏi lớn được nhiều người quan tâm đó là con số 49% cổ phần mà Nguyễn Kim bán cho PowerBuy có thực sự là tái cơ cấu hay chỉ là bước đệm để cho việc bán hết?
Tuyên bố tái cấu trúc của Nguyễn Kim khá giống với trường hợp của Kinh Đô. Còn nhớ hồi đầu năm 2014, Kinh Đô tuyên bố sẽ tái cấu trúc lại mảng bánh kẹo để mở rộng phát triển thì tới cuối năm, sau khi tái cấu trúc xong, Kinh Đô bất ngờ bán lại toàn bộ mảng này cho tập đoàn Mondelez (Pháp).
Tăng trưởng chậm và bán được giá là hai yếu tố đẩy Kinh Đô tới quyết định bán mình. Chuỗi điện máy Nguyễn Kim cũng đang trong tình trạng tương tự. Vì vậy, nếu có một vụ “thâu tóm” xảy ra trong tương lai, đó cũng không phải là cái kết quá bất ngờ.
Trong xu thế hội nhập, khi doanh nghiệp ngoại tràn vào thị trường nội địa, doanh nghiệp nội thường có 3 chiến lược. 1 là đối đầu - đấu với doanh nghiệp ngoại; 2 là đối thoại - tham gia một phần trong chuỗi cung ứng, hoặc hợp tác cùng phát triển; 3 là đối tác – bán mình cho doanh nghiệp ngoại.
Ông Nguyễn Trung Chính – Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CMC thì cho rằng, “Câu chuyện ở đây là câu chuyện hợp tác. Mỗi doanh nghiệp đều có những sản phẩm, dịch vụ hay. Nếu phối hợp được với nhau, đem lại lợi ích cho xã hội, thì mô hình ấy rất bền vững”.
Sẽ cần có thời gian để biết chính xác thương vụ này sẽ đi đến đâu. Mặc dù vậy, kết quả như thế nào thì theo chuyên gia Đức Sơn, đều không phải điều đáng buồn của thương hiệu Việt.
"Phát triển là một quá trình thanh lọc. Nếu một cái cây không cứng cáp nổi thì sẽ có những cây khác mọc vượt lên, đó là quy luật tất yếu. Bên cạnh đó, chúng ta nên nhớ, không phải thương hiệu nào cũng có thể lọt vào 'mắt xanh' của các đối tác nước ngoài. Chỉ có những doanh nghiệp thực sự tốt, lớn mạnh và có tên tuổi mới đạt tiêu chuẩn.
Một thương vụ thành công vừa khẳng định vị thế của doanh nghiệp, vừa giúp họ bán được doanh nghiệp với giá cao hơn. Như vậy, nó chỉ có lợi chứ không có hại đối với doanh nghiệp. Thay vì tiếc nuối cho thương hiệu Việt, chúng ta nên có cái nhìn khách quan hơn", ông Đức Sơn kết luận.
>> 100 triệu USD cho thương vụ Nguyễn Kim: Rẻ hay đắt?
Trang Lam