Giật mình với lỗ khủng của Coca-Cola và PepsiCo Việt Nam

28/11/2012 15:30 PM | Kinh doanh

Số liệu của Cục Thuế TP.HCM cho biết, Coca-Cola lỗ dài dài kể từ khi chính thức hoạt động tại Việt Nam đến nay. 10 năm qua, số lỗ luôn ở mức trên 100 tỷ đồng/năm, có năm số lỗ chiếm gần 1/3 doanh thu.

Đến 30/9/2011, “đại gia” Coca-Cola lỗ lũy kế hơn 3.768 tỷ đồng; PepsiCo có doanh thu tới hơn 6.915 tỷ đồng năm 2011, nhưng đến nay mới nộp 40,2 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp. Song cả hai vẫn đang thống lĩnh thị trường nước giải khát Việt Nam và liên tục có kế hoạch mở rộng đầu tư.

Lỗ khủng, lãi bèo

Sự có mặt tràn ngập các sản phẩm đồ uống của Coca-Cola và PepsiCo trên thị trường Việt Nam khiến bất cứ người tiêu dùng nào cũng tin tưởng rằng, hai “đại gia” này kinh doanh thành công tuyệt đỉnh. Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Bia - Rượu và Nước giải khát Việt Nam, năm 2010, PepsiCo và Coca-Cola chiếm tới hơn 80% thị phần nước giải khát Việt Nam. Và thực tế thì, hai ông lớn này cũng đang “làm mưa làm gió” trên thị trường. Nhưng trên bản báo cáo tài chính, cũng như quyết toán thuế của hai doanh nghiệp (DN) này khiến dư luận không khỏi giật mình, bởi nó khác quá xa với tưởng tượng.

Số liệu của Cục Thuế TP.HCM cho biết, Coca-Cola lỗ dài dài kể từ khi chính thức hoạt động tại Việt Nam đến nay. 10 năm qua, số lỗ của Coca-Cola luôn ở mức trên 100 tỷ đồng/năm, có năm số lỗ chiếm gần 1/3 doanh thu. Thậm chí, trong hai năm 2006 - 2007, Coca-Cola lỗ tương ứng lên tới 228 tỷ đồng và 198 tỷ đồng. Năm 2011, tình hình có vẻ khá hơn, công ty này “chỉ còn” lỗ 39 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến ngày 30/9/2011, Coca-Cola đã lỗ lũy kế 3.768 tỷ đồng - một khoản “lỗ sụ”.

Không chỉ lỗ lớn, tính đến thời điểm cuối tháng 9/2011, Coca-Cola thậm chí đã “âm” vốn chủ sở hữu đến hơn 800 tỷ đồng. Có nghĩa rằng, công ty này hiện chỉ đang “sống nhờ” vào các khoản vay, kể cả vốn vay từ công ty mẹ, hoặc tiền của khách hàng...

Trong khi đó, tình hình từ phía PepsiCo có vẻ có khả quan hơn, mặc dù, kể từ khi thành lập cho tới năm 2007, PepsiCo cũng lỗ liên tục (tới năm 2006 vẫn lỗ 122 tỷ đồng). Lỗ kéo dài từ năm 1991, nên trên bảng cân đối tài sản của PepsiCo, lỗ lũy kế tính đến ngày 31/12/2010 là 1.206 tỷ đồng.

Năm 2007 là năm đầu tiên PepsiCo có lãi, với tổng thu nhập chịu thuế là 58 tỷ đồng. Nhưng vì vẫn được điều chỉnh chuyển lỗ, nên Công ty chưa phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Năm 2008, PepsiCo lại lỗ 58 triệu đồng, sang năm 2009 lãi 141 tỷ đồng. Con số này của năm 2010 là 137 tỷ đồng, năm 2011 là 191 tỷ đồng. Tuy nhiên, do vẫn được điều chuyển lỗ, nên tổng số thuế TNDN mà công ty này đã nộp từ năm 2009 cho đến nay chỉ là 40,2 tỷ đồng.

Câu hỏi được đặt ra là, khoản lãi này có “bèo” không, có tương xứng với doanh thu của PepsiCo ở thị trường Việt Nam hay không? Thực tế, năm 2009, PepsiCo đạt doanh thu 3.840 tỷ đồng, còn năm 2011 là 6.915 tỷ đồng. Tức là, tỷ lệ lợi nhuận trên doanh thu rất thấp, chỉ trên 2%.

Nghi án lỗ vẫn mở rộng đầu tư

Về kết quả kinh doanh của Coca - Cola và PepsiCo, một chuyên gia lâu năm về đầu tư chỉ bình luận rằng: “Không thể tin được”.

Đúng là không thể tin được, bởi sau 18 năm kinh doanh ở thị trường Việt Nam, không chỉ lỗ quá lớn, Coca-Cola thậm chí đã cạn cả vốn chủ sở hữu. Trong khi đó, PepsiCo chỉ có một khoản lãi khiêm tốn.

Vậy nhưng, như Báo Đầu tư đã thông tin, cuối tháng 10 vừa qua, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc điều hành Coca-Cola, ông Muhtar Kent, đã tới Việt Nam và công bố Coca-Cola sẽ rót thêm 300 triệu USD vào Việt Nam trong 3 năm tới, đưa tổng vốn đầu tư vào thị trường này lên nửa tỷ USD trong vòng 5 năm.

Trong khi đó, PepsiCo cũng liên tục khai trương các nhà máy mới ở Đồng Nai (45 triệu USD), và mới đây nhất là Bắc Ninh (73 triệu USD). Tổng vốn đầu tư của đại gia này tại Việt Nam cũng vào khoảng 500 triệu USD.

Tất nhiên, PepsiCo có cái lý của mình, bởi thực tế, mấy năm gần đây, dù ít, dù nhiều, DN này đã báo cáo lãi và dù lỗ lũy kế cũng đã lên tới hơn 1.200 tỷ đồng, nhưng trên bảng cân đối tài sản, công ty này vẫn “dương” khoảng 700 tỷ đồng. Còn Coca-Cola, đã “cụt cả vốn”, vậy đâu là động lực để DN này tiếp tục đầu tư ở thị trường Việt Nam? Tất nhiên, “miếng bánh hấp dẫn” của thị trường Việt Nam là điều dễ hiểu. Nhưng khó hiểu ở chỗ, lẽ thường, không  nhà đầu tư nào muốn dốc vốn vào một thị trường mà ở đó, họ liên tục kinh doanh thua lỗ.

Bởi thế, nghi án về chuyện “lỗ giả, lãi thật và chuyển giá” đã từng được đặt ra với Coca-Cola ngay từ thời điểm Coca-Cola lỗ lớn, các đối tác Việt Nam “chịu không thấu”, phải lần lượt rút khỏi liên doanh, Coca-Cola trở thành DN 100% vốn nước ngoài.

Đối với trường hợp của Coca-Cola, dấu hiệu chuyển giá được cho là có vẻ rõ ràng hơn, bởi theo Cục Thuế TP.HCM, nguyên nhân thua lỗ của Coca-Cola Việt Nam là vì tỷ lệ nguyên phụ liệu trên giá bán rất cao. “Mà nguyên vật liệu này lại do công ty ‘mẹ’ ở nước ngoài độc quyền cung cấp, do đó giá hương liệu Coca-Cola Việt Nam hạch toán vào giá thành chiếm tỷ trọng rất cao (trên 60% giá bán sản phẩm)”, ông Lê Duy Minh, Trưởng phòng Kiểm tra số 1, Cục Thuế TP.HCM cho biết.

Nhưng PepsiCo lại khác, DN này đang làm ăn có lãi, và tỷ trọng hương liệu trong giá bán thành phẩm của công ty này cũng không lớn như của Coca-Cola. “Tuy nhiên, chúng tôi cũng phải xem xét liệu lợi nhuận của DN này có tương xứng với doanh thu hay không”, ông Minh nói.

Thực tế, theo ông Minh, không chỉ lỗ, mà nếu lợi nhuận không tương xứng với doanh thu, thì cũng là một dấu hiệu chuyển giá. Và chuyển giá không chỉ xảy ra ở các DN kinh doanh thua lỗ, mà ở cả DN có lãi và hòa vốn.

Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), để kết luận một DN chuyển giá là không hề đơn giản. Ngay như cơ quan thuế khi đi kiểm tra các DN FDI cũng chỉ “nhẹ tay” coi là đi kiểm tra DN thua lỗ, hoặc “nâng cấp” lên một chút gọi là “có dấu hiệu chuyển giá”, chứ không dám thẳng thừng coi đó là “DN chuyển giá”.

Đơn cử, muốn chứng minh Coca-Cola chuyển giá, lấy đâu ra “giá độc lập” để so sánh, khi nguyên liệu của họ là độc quyền? Hay như PepsiCo, rất khó có số liệu để chứng minh thế nào là lãi không tương xứng.

Không chỉ Coca-Cola, PepsiCo, mà cả BigC, Metro Cash&Carry… đều là những đại gia thua lỗ lớn mà vẫn liên tục mở rộng đầu tư. Nhưng tất cả, tới thời điểm này vẫn chỉ là nghi án.

Doanh nghiệp nội “bật bãi”

Câu hỏi đã được vị chuyên gia lâu năm về đầu tư từng đặt ra với phóng viên Báo Đầu tư rằng:  Việt Nam sẽ thu được gì khi các dự án FDI liên tục thua lỗ? Trong trường hợp này, thì Việt Nam được gì kể từ khi Coca-Cola, hay PepsiCo vào Việt Nam? Tất nhiên, câu trả lời đầu tiên là việc làm, là thị trường rộng mở, người tiêu dùng được sử dụng các sản phẩm hàng đầu thế giới.

Và trên một khía cạnh nào đó, được cả về thuế. Nhưng với tình trạng kinh doanh thua lỗ như vậy, ngoài 40 tỷ đồng thuế TNDN mà PepsiCo đã nộp, chỉ còn thuế VAT và thuế môn bài. Những thuế môn bài thì “chẳng đáng gì”, còn thuế VAT là khoản thuế gián thu, người tiêu dùng phải nộp, chứ không phải là DN.

Trong khi đó, cái mất rất rõ ràng, là sự lép vế của các DN nội. “Ban đầu, khi các DN nước ngoài vào Việt Nam, chúng ta chỉ cho phép họ lập liên doanh, vì sợ họ thâu tóm hết DN trong nước. Nhưng cuối cùng, DN nội đã gần như bị loại bỏ gần hết”, một vị chuyên gia bình luận.

Thực tế, ở thị trường nước giải khát Việt Nam, sau “cái chết đắng ngắt” của Tribeco lừng lẫy một thời, thì gần như, vắng bóng các thương hiệu Việt có thể được xếp vào diện “có đai đẳng” để cạnh tranh với PepsiCo, hay Coca-Cola.

Các tập đoàn đa quốc gia mạnh về tiềm lực tài chính, đầy bản lĩnh và kinh nghiệm kinh doanh không khó có “chiêu trò” để làm khó đối thủ cạnh tranh, hoặc DN mà họ muốn thâu tóm, kể cả việc muốn “cho” DN đó lãi hay lỗ. Bởi thế, chuyện chuyển giá thường cũng chỉ nảy sinh ở các tập đoàn, công ty hoạt động xuyên quốc gia, chứ ít khi có ở các DN kinh doanh đơn lẻ.

Nhưng khi việc chống chuyển giá xem ra không dễ dàng, thì có một câu chuyện đáng lưu tâm. Đó là ở Lào, cơ quan thuế sẽ thu một tỷ lệ nhất định từ doanh thu của mỗi lon Coca-Cola bán ra, bất kể DN hạch toán lỗ hay lãi. “Chỉ cần mỗi lon Coca-Cola bán ra, chúng ta thu được 10 đồng, thì mỗi năm ngân sách đã có thêm hàng trăm tỷ đồng”, ông Lê Duy Minh nói.

Dù đây chỉ là một câu chuyện ở nước ngoài, nhưng nói vậy cũng để thấy rằng, chính sách là nằm trong tay cơ quan quản lý. Và Việt Nam có quyền sử dụng các công cụ chính sách để điều tiết các khoản thu của nhà đầu tư, tránh tình trạng nhà đầu tư thực tế thu lời lớn, song vẫn tìm cách lách luật để né các nghĩa vụ phải đóng góp cho nước sở tại.

Theo Nguyên Đức
Báo Đầu tư

thunm

Cùng chuyên mục
XEM